2SaiGon – Vậy là một mùa khai trường nữa lại đến. Bên cạnh niềm vui thơ trẻ là bao nỗi vất vả lo toan của các bậc phụ huynh. Trong đó, không thể không kể đến Mẹ -một người “bạn đường thân thiết” cùng con trên cuộc hành trình miệt mài đi tìm con chữ Dưới hiên nhà mẹ Nhớ mưa trên phố Sài Gòn Bộ tranh nhắc rằng bạn không còn nhỏ nữa, và bố mẹ cũng chẳng còn nhiều thời gian đâu! Mùa tựu trường, niềm vui và trương lai con trẻ là động lực khiến cha mẹ không tiếc công sức, tiền của, chuẩn bị cho con từ việc nhỏ nhất như cây bút, viên tẩy đến việc “đại sự” là “chạy” bằng được cho con vào một ngôi trường “danh giá”. Nhưng đó là với những gia đình “có điều kiện”. Còn với đại đa số dân lao động nghèo thành thị và bà con nông dân thì là cả một nỗi lo toan chồng chất, có khi là niềm tuyệt vọng. Nó trở thành một gánh nặng kéo đôi vai các bà mẹ oằn xuống phía không bờ. Mấy hôm nay trên mạng xã hội lan truyền một bức ảnh làm rung động trái tim những ai nhìn thấy nó. Cùng với một dòng trạng thái “Con đi đâu… mẹ sẽ đi cùng con…” là hình ảnh một người phụ nữ đội nón lá và một cô gái cột tóc đuôi gà, mỗi người cưỡi một chiếc xe đạp chạy song song trên con đường thành phố. Phía sau xe người phụ nữ mặc cái áo cũ kỹ là chiếc valy to, màu đỏ, mới toanh. Còn trên lưng cô gái là một cái ba lô học trò cũng còn rất mới. Hình ảnh được cho rằng của hai mẹ con đang “đưa nhau” đi nhập học, mùa đại học đầu tiên của cô con gái. Một bức ảnh thật bình thường nhưng chỉ sau khoảng hai giờ đăng tải đã nhận được hơn 14.000 lượt yêu thích và hàng trăm bình luận từ người xem. Sự đồng cảm có lẽ xuất phát từ việc họ nhìn thấy bóng dáng mình trong đó. “Con đi đâu… mẹ sẽ đi cùng con…” là hình ảnh được cho rằng của hai mẹ con đang “đưa nhau” đi nhập học, mùa đại học đầu tiên của cô con gái. Thật vậy, những ai đã từng mài đũng quần trên ghế nhà trường, chắc chắn không thể nào quên cái thời ê a: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học” (Trích Tôi đi học của Thanh Tịnh). Cũng như hình ảnh “Hôm qua em tới trường mẹ dắt tay từng bước…” (thơ Hoàng Minh Chính) hay “Ngày đầu tiên đi học /Mẹ dắt tay đến trường /Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành yêu thương (lời nhạc Nguyễn Ngọc Thiện) đã trở thành hình ảnh ấm áp và quen thuộc của tất cả trẻ em Việt Nam. Tôi cũng có ngày đầu tiên đi học như thế. Có điều, thời chúng tôi không có nhà trẻ, mẫu giáo. Năm tuổi làm quen lớp vỡ lòng, sáu tuổi mới chính thức đến trường học. Sáu tuổi khi ấy đã “người lớn” lắm nên tôi không có “mắt ướt nhạt nhòa” chỉ thấy rất lạ. Lạ từ cái nôn nao, hớn hở trong lòng, lạ từ cung đường quanh co xa lắc, lạ từ khung cảnh mới mẻ của ngôi trường lần đầu tiên được đặt chân tới. lạ từ bộ đồng phục mặc trên người, lạ từ gương mặt bạn bè mới gặp, mới quen… “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học” Sung sướng nhất vẫn là được má đưa đi học, được má âu yếm: “Con có mỏi “chưn” hôn?”, được má ân cần: “Con muốn ăn gì, má mua?” (chứ không phải chén cơm nguội rang tóp mỡ như thường bữa). Tôi còn nhớ câu trả lời của tôi là, con ăn bánh mì trét bơ. Đó là cái bánh mì trét bơ thơm ngon nhất cuộc đời mà tôi từng ăn. Tôi nghiệm ra rằng, thời điểm mà tôi cảm nhận được rõ nét nhất tình thương má dành cho tôi ngoài những lúc tôi bị bệnh là cái hôm má dắt tôi tới trường lần đầu tiên ấy. Con đường đến trường ước chừng hai cây số với một đứa trẻ nít như tôi thật là đằng đẵng nhưng mỗi lần má hỏi “mệt hôn, má cõng cho một đoạn”, tôi đều kiêu hãnh lắc đầu. Má tôi, một người mẹ miền Tây, không nhiều chữ nghĩa nhưng bà quyết chí cho con gái học hành đến nơi, đến chốn chỉ với một suy nghĩ duy nhất là để làm ra tiền không bị chồng khinh “đồ ăn bám”. Tôi có được ngày thành đạt hôm nay, phần công lao to lớn là của má tôi. Ở ngưỡng cửa mùa thu của cuộc đời, chị em tôi may mắn còn có mẹ (tác giả ngoài cùng, bên phải) Sau này, còn có một thời khắc nữa, tôi nhận ra không ai trên đời này thương tôi hơn má kể cả cái người mà má “đành đoạn” dắt tay tôi trao cho họ. Đó là ngày tôi lấy chồng. Cũng một buổi sớm mai “đầy sương thu và gió lạnh”, cũng “trên con đường dài và hẹp…” Vâng! Thật dài và hẹp… Mùa khai trường thường trùng vào mùa lễ Vu Lan báo hiếu. Nhớ về một thời học trò, nghĩ về má, nghĩ về đóa hoa hồng mà tôi sẽ cài lên ngực áo, thật tự hào vì ở ngưỡng cửa mùa thu của cuộc đời, tôi còn có mẹ. Lương Gia Cát Tường