Thành phố ta đang sống có mùi gì? Dĩ nhiên, câu trả lời bật ra nhanh nhất sẽ là mùi khói bụi, xăng xe… Ở Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ hay nhạc sỹ lãng mạn vì mến thương mà gán cho thành phố này mùi hương hoa sữa, đủ các cung bậc thoang thoảng hoặc nồng nàn. Sài Gòn không cần đến điều ấy, bởi Sài Gòn có mùi rất đặc trưng của thức ăn được xào nấu bằng loại bơ hay dầu thực vật béo ngậy, thứ mùi quen thuộc bạn sẽ ngửi thấy nếu có dịp đi tới thủ đô các nước lân cận như Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)… Mùi thị dân – Mùi Sài Gòn Trên đường phố Sài Gòn, có những người hàng chục năm chở theo một “chợ xanh” sau yên xe máy Câu hỏi thứ hai chi tiết hơn một chút : Liệu có còn mùi gì giống nhau nữa chăng, cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn? Bạn không phải mất công nghĩ ngợi làm gì, dù trước sau thế nào bạn cũng sẽ tìm ra câu trả lời. Có một đặc điểm thật đẹp đẽ và thơ mộng mà cả hai thành phố lớn nhất đất nước này cùng sở hữu, ấy là chúng đều có một nhánh sông chảy trong lòng thành phố, trước khi đổ ra một con sông khác lớn hơn, uốn lượn tạo ra những đường viền của ranh giới quy hoạch. Chẳng biết tự bao giờ, những nhánh sông dịu dàng kia tỏa ra thứ mùi đặc biệt không thể lẫn vào không gian hai thành phố, khi thoang thoảng lúc nồng nàn. Thứ mùi ấy giống nhau lạ kỳ, bất kể là xuất phát từ con sông – kênh Tô Lịch chảy qua Hà Nội hay nhánh sông – kênh Nhiêu Lộc quanh co len lỏi trong lòng mảnh đất phương Nam. Có lẽ các nhà hóa học sẽ cho câu trả lời chính xác về sự giống nhau ấy có nguyên nhân từ các thành phần nào trong dòng nước sông – kênh, còn chúng ta, dường như có thể cảm nhận được lý do nếu chỉ một lần nhìn xuống dòng sông – kênh đen kịt, đến ánh mặt trời cũng sẽ lặn mất tăm trong nó tựa như tác động của một lỗ đen. Kể cũng lạ khi mười mấy triệu người ở hai thành phố đều có thể sống chung với thứ mùi ghê gớm ấy. Hàng trăm đề tài khoa học đã được tiến hành để phát hiện ra mỗi ngày hai nhánh sông – kênh Tô Lịch và Nhiêu Lộc hứng tới hơn 100 tấn rác cùng hàng trăm ngàn mét khối nước thải, và cũng đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc nạo vét hai dòng sông – kênh này. Vậy mà bao năm nay, hai thành phố vẫn cứ “lên hương” mỗi khi con nước xuống. Nếu tính về sự lạc quan yêu đời, tin vào ngày mai ngày mốt tươi sáng, có lẽ chẳng ai bằng các nhà quy hoạch kiến trúc ở hai thành phố. Là bởi, những khu chung cư cao tầng đang mọc lên như nấm, phần đông đều có vị trí tựa vào các dòng sông – kênh kia. Cảm tưởng rằng người ta quan niệm môi trường sống chỉ bó hẹp bên trong cánh cửa từng căn hộ. Bởi vậy, khi nước lên hay nắng hun dài ngày, đố ai dám mở cửa sổ “đón gió” từ sông hay kênh. Cuộc sống chỉ tồn tại nhờ hít khí… điều hòa. Bây giờ, nạn xây lô cốt đào đường vẫn còn đang tiếp diễn. Đường được đào lên để đặt ngầm những ống cống to, trong nỗ lực cải tạo việc thoát nước ở cả hai thành phố. Chỉ tính riêng ở Sài Gòn – TP. HCM, trong 10 năm từ 2003 đến năm 2013 đã triển khai 3 dự án chống ngập nước cùng lúc với thi công đào đường đặt cống thoát nước tại hàng trăm tuyến đường trong thành phố. Nghe nói cho đến năm 2020, thành phố này sẽ phải đặt tới 4.500 km đường ống cống theo quy hoạch tổng thể về hệ thống thoát nước đến năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư trên 40.000 tỷ đồng. Với tiến độ hiện nay, người dân thành phố sẽ còn chịu đựng chen chúc, kẹt xe, chậm giờ trong một thời gian rất dài nữa. Nhưng cũng đáng để chịu đựng, nếu như kết quả của dự án đào đường nói trên giúp nhà không còn ngập do nước dềnh lên từ các dòng sông rác, và không khí sẽ bớt đi nhiều mùi ô nhiễm nhờ những nhánh sông – kênh xanh màu trở lại. Đó là nói về dự án thoát nước. Song chừng nào rác và nước thải sinh hoạt lẫn nước thải công nghiệp còn được đổ trực tiếp ra sông, thì dẫu có tiêu tốn cả trăm ngàn tỷ cũng chỉ kéo dài thêm thời gian hấp hối của sông mà thôi. Bữa qua, nước lên. Lúc về đi ngang qua cây cầu Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh), thấy một đám nhóc tỳ đang rủ nhau nhảy từ thành cầu xuống dòng kênh để bơi lội. Chợt ước mình là hoạ sỹ, để ngồi vẽ dòng kênh xanh mướt mát chảy qua thành phố, với dăm bác thợ câu đang hý hửng khoe nhau những chú cá ngờ nghệch tham lam vừa cắn phải mồi. Cứ mơ thôi, chả ai cấm!!! Theo songmoi