Ông Nội quê Bến Tre, theo dòng người loạn lạc mà đến đất Saigon. Bà cố tôi nhận nuôi rồi dưỡng dục. Mãi về sau ông Nội mới tìm được lại cha mẹ ruột, cũng mấy mươi năm trời chứ không ít.
Bà Nội quê Quảng Bình, gương mặt từ lúc sinh ra đã khắc khổ như số phận những con người dọc dải đất khắc nghiệt của quê hương. 13 tuổi lạc gia đình, rong ruổi sao lại vào Nam, vào Saigon và đến khi mất cũng chưa một lần có cơ hội về lại nơi chôn nhau cắt rốn, lúc trẻ thì vì không có tiền, về già thì không có sức khỏe.
Ông Ngoại tôi nhà ở Long An, thời trai trẻ chừng mười sáu thì bán đất đai lên Saigon lập nghiệp.
Bà Ngoại tôi có mẹ là người Campuchia, cha người Việt, sinh ra ở đất bạn và lớn lên ở Saigon.
Ba tôi được sinh ra ở Saigon, mẹ tôi được sinh ra ở Saigon và tôi cũng được sinh ra ở Saigon.
Nơi tôi ở là một khu xóm lao động ở quận Bình Thạnh, mà trước đó là cổng thành Gia Định xưa, có lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, đi qua cầu Bông là đến chợ Đakao, hay xuôi về Hàng Xanh qua Thị Nghè là đến Sở thú.
Mà ông bà tôi có gốc gác thế nào, ba mẹ tôi sinh ra ở đâu cũng không quan trọng bằng việc tôi yêu Saigon. Và chỉ bằng tình yêu này mà tôi thấy mình lấp lánh niềm vui khi nói tôi là người Saigon. Tôi là người Saigon, không chỉ vì tôi được sinh ra và lớn lên ở đây, mà là Saigon sinh ra và dưỡng nuôi tôi trong chính cái cốt cách đặc trưng của mảnh đất này.
Có hôm tôi cùng nhỏ bạn leo lên chuyến xe bus số 35 đi một vòng từ trường Nhân Văn lang thang khắp Saigon. Từ chuyến xe ấy, tôi ngắm nhìn khắp Saigon của mình qua khung cửa chiếc xe màu xanh lá.