Nhớ thương Chợ Cũ


Cuối tuần trước, khi tiếng chuông đấu giá cuối cùng vang lên ở chợ Tsukiji (Tokyo, Nhật Bản), nhiều người rớt lệ. Tsukiji là một trong những chợ cá lớn nhất trên trái đất, được xây dựng từ những năm 1930. Hoàn toàn có lý khi nhà chức trách quyết định bỏ đi các toà nhà đã quá cũ kỹ, trở nên mất vệ sinh, lại từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất để nhường chỗ cho một công trình phục vụ Thế vận hội Olympic 2020.

Ngôi chợ hơn 30 năm ‘không ngủ’ ở Sài Gòn

Giai thoại kỳ thú về những ngôi chợ nổi tiếng của Sài Gòn xưa

Chợ cũ Hàm Nghi năm 1966

Lạ lùng là những ngôi chợ luôn có một vị trí quan trọng trong tâm trí những người đã từng gắn bó với nó. Chẳng thế mà ở nhiều địa phương có tên gọi Chợ Cũ dù, có khi, ở nơi xưa chốn cũ ấy không còn họp chợ.

Sài Gòn có một địa danh gọi là Chợ Cũ, cạnh đường Hàm Nghi – con đường chủ yếu tập hợp các ngân hàng và những dãy nhà cổ (theo cách gọi bây giờ) của người Hoa, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp đặc trưng của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Là sao ư? Là loại nhà lầu 2 đến 3 tầng và mỗi dãy phố thường là của một ông chủ giàu có người Hoa đầu tư để cho thuê.

Các nhà nghiên cứu lịch sử vùng đất Sài Gòn – Gia Định cho hay, gọi Chợ Cũ là để phân biệt với chợ Bến Thành xây sau. Kiểu như gọi Chợ Lớn không phải vì sự đồ sộ, to lớn của nó, mà là cách gọi để phân biệt với “chợ nhỏ” là chợ Tân Kiểng hay còn gọi là chợ Quán ở quận 5 (không phải là chợ Tân Kiểng ở quận 7).

Nghe nói Chợ Cũ ngày trước nằm kẹp bên bờ sông Bến Nghé, có tàu thuyền chở khách buôn từ biển lên. Hoạt động buôn bán tấp nập, sản phẩm phong phú, nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hóa ngày càng phát triển, nên người ta xây chợ riêng bằng gạch, lợp mái tranh, đặt tên là chợ Bến Thành. Khu vực này tập trung rất nhiều quán ăn ngon của người Hoa như cơm thố, các loại hủ tiếu, mỳ hoành thánh, cơm chiên Dương Châu, gà ác tiềm thuốc bắc, đuông chiên, bồ câu quay xì dầu. Một vài tiệm – như hủ tiếu cá – đến nay vẫn bán hàng.

Sang đến thế kỷ thứ 18, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Chợ Cũ bị hủy hoại hoàn toàn. Sau đó, người Pháp đã cho xây dựng lại nhà lồng chợ mới gần đó, gọi là chợ Vải. Các thương nhân khu vực chợ trước kia vẫn tiếp tục buôn bán và công việc làm ăn ngày càng phát đạt hơn theo sự phồn vinh của thành phố Sài Gòn xưa. Chợ tiếp tục tồn tại đến thế kỷ thứ 19 thì khu nhà lồng xuống cấp và hư hỏng nặng. Chính quyền bèn quyết định dời chợ về vị trí khu vực ga tàu lửa Sài Gòn – Mỹ Tho nên đã cho lấp ao Borese và một số con kinh lớn quanh đó để xây dựng chợ Bến Thành hiện nay. Vì có đến 2 chợ Bến Thành, nên cái tên Chợ Cũ ra đời để phân biệt với chợ Bến Thành “sinh sau đẻ muộn”.

Cái tên Chợ Cũ vẫn còn, nhiều người Sài Gòn vẫn dùng, dù chưa từng có ngôi chợ nào có cổng tên như thế…

Theo baohaiquan


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: