Những góc nhỏ Sài Gòn


Thỉnh thoảng tôi thích dậy sớm, đi ra Sài Gòn, từ nhà tôi ở đầu quận 7, cách chợ Bến Thành khoảng 3 km. Một người bạn Hà Nội của tôi cười ngất khi hỏi “Chị đang ở đâu?”, và tôi trả lời “Đang ngoài Sài Gòn”. Sài Gòn, trong cách nói này chỉ là khu vực trung tâm, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi… chừng một cây số vuông.

Hổng đâu như đất Sài Gòn

Sài Gòn mình, bình thường thôi nha!

Dù phát triển thế nào, nhịp điệu sống hối hả ra sao, vẫn còn đó những không gian, những góc nhỏ Sài Gòn yên tĩnh, bình thản trước màu thời gian và dòng đời chảy trôi. Tôi thích “đi Sài Gòn” vào buổi sáng, khi thành phố còn mơ màng thức, tỉnh, dù có thể nói Sài Gòn là thành phố thức khuya dậy sớm, sinh hoạt nối đêm với ngày với những quán cà-phê, ăn khuya đến hai, ba giờ sáng và bắt đầu ngày mới cũng vào khoảng ấy.

Đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn hiện nay) nhìn từ Dinh toàn quyền (khu vực hội trường Thống Nhất hiện nay) thời thuộc Pháp. Đây vốn là con đường chạy trước thành Gia Định trước khi bị Pháp chiếm 1859 - Ảnh tư liệu

Những con đường Sài Gòn xưa. ảnh: tư liệu

Sài Gòn sớm mai lúc 5 giờ 30 phút đường vắng người thưa, không phải là một Sài Gòn đông đúc chật chội xe, ồn ào động cơ, khói bụi và những gương mặt người vội vã một, hai giờ sau đó. Những tiệm cà-phê trên đường Đồng Khởi bắt đầu mở cửa, mùi thơm cà-phê, bánh ngọt hương bơ, sô-cô-la ấm sực không gian.

Ngồi trong quán Caffe Bene nhìn qua cửa kính ra đường Mạc Thị Bưởi còn im vắng, chỉ một chiếc xích lô đậu dưới gốc cây già trước tiệm bánh, bác đạp xích lô đang đọc tin tức trên tờ báo đầu tiên của ngày. Vài chiếc xe máy vẫn dừng chờ đèn xanh dù đường giao cắt vắng vẻ.

Dạo một vòng ra phía Nhà hát Lớn, ngồi uống cà-phê trên hè phố trước thềm khách sạn Continental, bàn ghế khung sắt mầu trắng kiểu Pháp, những chậu hoa xinh tươi rực rỡ, lơ đãng nhìn ngắm người qua lại, đàn chim bồ câu sà xuống sân nhà hát tha thẩn đi lại rồi đồng loạt bay vù lên đậu trên hàng dây điện chăng ngang đường như những nốt nhạc… Thật thích, cảm giác đang ở một góc nhỏ Sài Gòn, không phải ở một nơi nào khác tương tự Sài Gòn.

Tôi thường thơ thẩn đi tìm những góc nhỏ Sài Gòn, yên bình trong mắt nhìn và cảm xúc riêng tôi, dù bên cạnh là dòng sông người xe qua lại ồn ào. Một sớm tinh mơ nào đó, đi bộ dọc theo đường Hoàng Sa – Trường Sa bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, khó có thể tin được đang dạo bước thảnh thơi bên dòng kênh đen hôi thối vài mươi năm trước. Đủ loại hoa nở bên hàng rào lan can đôi bờ. Con kênh giờ đã tương đối trong, mùi hôi chỉ còn thoang thoảng những khi nước ròng, và cá tôm đã sinh sôi nảy nở. Nhìn ngắm người đi bộ thảnh thơi hai bên bờ kênh, cảm nhận một sớm Sài Gòn cũ, mới bình yên qua nhiều năm tháng nỗ lực lao động.

Sài Gòn hôm nay nhìn từ trên cao.

Sài Gòn hôm nay nhìn từ trên cao.

Nhìn ngắm người đi bộ thảnh thơi hai bên bờ kênh, cảm nhận một sớm Sài Gòn cũ, mới bình yên qua nhiều năm tháng nỗ lực lao động.

Tôi cũng thường đứng trên cầu Kênh Tẻ nối quận 7, quận 4 ngắm nhìn dòng kênh lớn lúc chiều muộn, khi ánh nắng cuối ngày tím bàng bạc trên mặt nước lăn tăn hay cuộn sóng dập dềnh đôi bờ khi có những con tàu lớn rẽ nước lướt nhanh. Nhìn từ bờ quận 7 sang quận 4, một bức tranh đối nghịch thú vị cho thấy một góc chân dung Sài Gòn đương đại. Dãy nhà sàn “ổ chuột” lắt lẻo dọc mé kênh phía sau là “rừng” cao ốc làm nền. Một sự tương phản cũ – mới, nghèo nàn – hiện đại còn hiện diện nơi đây, cũng mang một vẻ đẹp khác.

 Mai này, khi hai bờ kênh được giải tỏa để xây bờ kè, chỉnh trang đường phố, hẳn dãy nhà sàn ven kênh sẽ chỉ còn trong ký ức người ngụ cư và khách vãng lai về một vẻ đẹp buồn và nét trẻ trung khỏe khoắn hiện đại. Những góc “Sài Gòn của tôi” còn ở khu vực… Chợ Lớn. Chiều chạng vạng nơi bến Bình Đông ngẩn ngơ ngắm ráng chiều và những ghe hàng rẽ nước qua lại trên kênh Tàu Hủ, hay khi đứng trên cầu vượt bắc ngang qua dòng kênh ngắm nhìn hoàng hôn buông phủ, xa xa là những dãy nhà mái ngói nâu trầm trầm kiểu Pháp còn lại…

sg12

300 năm nữa, lớp hậu sinh sẽ xem ảnh tư liệu của người Sài Gòn (không phải người Pháp) chụp về những góc nhỏ Sài Gòn, một phần hình ảnh đời sống, trang phục của người Sài Gòn ở nấc Sài Gòn đã hơn 300 năm. 300 năm nữa trang phục sẽ biến hóa thế nào không biết, nhưng tôi tin rằng áo dài Việt sống mãi. Áo dài của bạn tôi, nhà thiết kế Chương Đặng.

Những chiếc áo dài có vẻ đẹp dịu dàng nền nã, được mặc và được nhìn nâng niu, trân trọng. Lớp lót bên trong mới đẹp và ý nhị làm sao. Bạn tôi thắc mắc “Sao không chụp những góc Sài Gòn với áo dài xưa?”. Xưa là bao lâu, là áo dài thời của Nam Phương hoàng hậu, thời áo dài cổ cao những năm 1930, 1950 hay những năm 1970? Không, tôi muốn chụp những góc nhỏ Sài Gòn với áo dài đương đại, của những năm Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh đang ở nấc những năm đầu thế kỷ 21, đã và đang có nhiều thay đổi…

Buổi sáng tinh mơ ấy khi nhìn tà áo dài xanh lá thẫm nhẹ bay theo gió trước khách sạn Continental, phía sau là chiếc xích lô tình cờ dừng lại, nhịp sống ở góc Sài Gòn lúc này như quay về khoảnh khắc 30 năm trước, khi tôi còn là cô sinh viên 20 tuổi, đứng ngắm Sài Gòn từ góc ngược lại. Hay mê mẩn trước vẻ đẹp của những viên gạch bông, chiếc cầu thang sắt uốn cầu kỳ và những con gà bằng đồng tuyệt đẹp trong thương xá Tax. Nửa đời người, một phần đời thành phố, vẫn yêu thương nơi này, dù có đi đâu về đâu. Yêu Sài Gòn, nơi tôi đã sống, học tập, làm việc, gian khó và hạnh phúc ở đây.

Chiều nay chạng vạng, chúng tôi ngồi ăn chè lề đường kênh Tàu Hủ, bến Bình Đông sau khi chụp ảnh, dạo quanh phố đông nhộn nhịp. Mười nghìn đồng một ly sương sa hột lựu. Áo dài tóc búi vén tà bên dòng sông người xe trôi trên phố. Ở Sài Gòn mà tôi vẫn nhớ Sài Gòn.

 Theo nhandan.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: