Sài Gòn có thơm không?


Hôm qua tôi có việc đi qua quận 11, sáng sớm ăn cơm tấm rồi ngồi café cóc nhìn ngắm phố phường thời khắc rộn rã bắt đầu ngày mới. Có nhiều chuyện để kể trong một buổi sáng như vậy, ở Sài Gòn, tôi chỉ muốn tả lại khoảnh khắc mà tôi chạm vào, hòa vào nó, không sự kiện trong một khoảnh khắc nhiều, rất nhiều sự kiện.


Sáng sớm thì bao nhiêu hàng quán đồng loạt lục đục mở cửa, người ta gọi nhau, khiêng đồ ra lấn chiếm vỉa hè hoặc giả treo mấy tấm biển hiệu sờn cũ hoặc những thứ biểu tượng đặc trưng của nghề dịch vụ ở Sài Gòn, như cái vỏ xe cũ, cây thuốc rỗng, cục gạch bình xăng, cặp phuộc, cái niềng xe máy, cái bình bơm hơi, cái chìa khóa lớn bằng gỗ sơn xanh…vài người khác thì bưng đồ ăn sáng với ly café chạy tới chạy lui, băng qua băng lại con đường mỗi lúc một ken đặc xe cộ, giao chỗ này tính tiền chỗ nọ, tất tả. Những tiếng gọi đồ ăn hay café chen giữa tiếng xe máy rền rĩ khói, kiểu, sườn bì không mỡ hành nha, tíu mì dai giò gân nha, một đá ít đường một sữa tươi nhiều café… Rồi bên này đáp trả nghe, nghe, có liền có liền, hai ly này nữa là mười bốn ly rồi nha trả đi mày thằng quỉ, hết vốn với mầy luôn, chờ chút đi… Bên bàn kế bên tôi chị chủ quán café đang nói chuyện với một vị khách mới, tôi đoán anh nầy ở miền tây lên nuôi bịnh bên Chợ Rẫy, chị chủ quán vỗ vỗ vào cái bụng mình ra chiều hiểu biết, ra được hết máu bầm trong này là coi như khỏe được chín phần rồi, thôi cũng mừng cho anh… Anh nọ kêu thêm ba điếu con mèo và bấm gọi điện về nhà, em ơi người ta nói lấy ra được máu bầm là coi như đỡ được chín phần rồi, mừng quá…

cafe-sai-gon


Nếu bạn không thích Sài Gòn, bạn sẽ vất vả với đoạn văn trên, kệ bạn chứ, còn nếu bạn thích thì tất cả là Sài Gòn, của Sài Gòn, tôi yêu những điều đó, vụn vặt và rối nùi, hỗn tạp và đậm đặc một thứ không khí chợ, kiểu chợ trời đó, nhưng mà thơm, thơm mùi người

2.
Có bạn đọc (nhất là mấy bạn đồng hương) hay hỏi tôi, tại sao anh là người Hà Tĩnh/Phú Yên/Nha Trang mà lại yêu Sài Gòn nhiều như vậy, tôi đã trả lời riêng cho các bạn, nhưng cũng như tôi tự trả lời mình, tình yêu luôn không có lý do, nếu yêu mà cần lý do thì nó không phải là tình yêu.

mo-sai-gon
Đối với nhiều người sống dịch chuyển du canh du cư qua nhiều nơi, như tôi, nếu ví mỗi vùng đất mình từng sống và từng yêu như một người phụ nữ trong đời mình, thì gốc gác là bà ngoại, nơi sinh ra như mẹ, nơi lớn lên như người tình đầu bé ba bé bảy nào đó, và Sài Gòn, Sài Gòn thì như vợ, một người vợ bị chồng con cơm áo cuốn trôi mất vẻ lãng mạn cần có của một người tình, nhưng là một người vợ luôn tần tảo, vị tha và là người chờ đón người đàn ông của mình sau những gì hắn tự cho là dời non lấp biển… và tiếc thay, Sài Gòn như một cô vợ như vậy, bị chính ông chồng mình, người mà mình đã tần tảo chăm lo phục vụ trong chừng ấy năm, luôn miệng chê già chê xấu, để rồi hắn ta mơ tưởng về bà ngoại hiền hòa, nhớ về mẹ ấm áp, luôn ngậm ngùi tiếc nuối với bé ba bé bảy đáng yêu của ngày xưa, hoặc mơ tưởng về những người mẫu chân dài ở xa xôi nào đó.

Đoạn trên tôi mượn ý bạn Tư, trong “yêu người ngóng núi”, nhưng thực ra, theo tôi, Sài Gòn không có tính nữ, như một vài nơi khác, để bạn yêu, Sài Gòn có chăng là duyên nợ, thứ duyên nợ gắn liền cơm áo, giữa người ta với nhau, rất thực thà và rất đỗi con người.

Theo Đàm Hà Phú


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: