Bến Thành hoa lệ lẫn cái xôn xao của những tiệm bạc, tiệm gội đầu… – người ta dễ thấy quanh mình trầm ấm, yên ắng, cách biệt và tiện nghi như một thư phòng của đêm Ba mươi tết. Chuyện hội nhập vào đời sống người Sài Gòn xưa Sài Gòn của tôi 50 năm trước Đi trên đường Phan Bội Châu đến cửa Đông chợ Bến Thành, Sài Gòn như đã “đóng khung” trước mặt. Công trình đường sắt đô thị giăng hết tầm nhìn. Tôi rẽ trái, băng qua những gian hàng đang bận rộn tiếp khách. Hàng lưu niệm trưng bày tràn xuống vỉa hè, ngăn nắp mà phóng khoáng như một thứ tiếng Anh bồi đang râm ran suốt đường đi giữa những người chủ Việt và khách. Hàng rào công trình như đã làm “cô đặc” không gian đại lộ trong một “phiên chợ”, tạo nên hơi thở đặc biệt của một “phố Tây Sài Gòn”, huyên náo nhưng thư thả. Không gian tiệm nước Ở số nhà 108 Lê Lợi, Saroma mà tôi đang tìm kiếm như đứng lùi ra xa những gian hàng lưu niệm, lùi sâu vào cuối một đoạn hẻm ngắn, quay mặt ra đường. Ngoài này, trên con hẻm dẫn vào quán, hơi thở của Sài Gòn chuyển động linh hoạt qua một tiệm gội đầu bình dân, một xưởng vàng bạc ngổn ngang máy móc và những người thợ đang cặm cụi soi soi, mài mài. Bên hông lối vào quán, là chiếc cầu thang cũ dẫn lên tầng cao của tòa chung cư lâu đời. Và trong này, là một Sài Gòn chân phương, yên lặng. Quán cà phê chìm trong ánh đèn vàng, giản dị tới mức người đi cùng tôi chỉ vào cánh cửa sau quầy phục vụ, nhớm hỏi cô bé nhân viên: “Trong này còn bàn không?” Cô bé lắc đầu: “Dạ, quán chỉ có khu vực này thôi. Anh gọi món nhé!”. Cà phê phin giấy. Trà hoa phin giấy. Chanh dây đường quế hoa… Người viết menu như biết không gian hữu hình của họ sẽ khá giản dị với một quán nước đương thời, nên mọi điểm xuyết vô hình đều cầu kỳ và gợi nhiều mỹ cảm. Việc chọn bàn trở nên đơn giản vì bàn ghế đồng bộ, quán lại không có cửa sổ hay một góc riêng nào. Chúng tôi lùi lại một chiếc bàn đặt sát bức tường gạch. Lúc cô bé nhân viên bước đến, lần lượt đặt xuống bàn và gọi tên từng loại nước uống. Người bạn của tôi cười, ghẹo: “Chanh dây của má ruột pha hồi nhỏ, còn cà phê thế kỷ hăm mốt ở Mỹ hả em gái?”. Cô bé cười hiền. Ly chanh dây nhìn thiệt thà đựng trong một loại ly thủy tinh cổ điển như một ly nước mẹ pha cho từ hồi… lâu lắc, lắc rắc nhiều hạt hoa quế li ti vừa rơi ra từ hỗn hợp đường hoa. Còn cà phê thơm được pha trong phin giấy, một loại phin quen thuộc với những người trẻ Việt hay… xem phim Mỹ. Nước uống “của má pha hồi nhỏ” và “cà phê thế kỷ hăm mốt ở Mỹ” chẳng phải đã quá đủ cho linh hồn của một quán nước sao? Quán cà phê chỉ chừng 30m2, có bức tường tông màu gạch với nội thất mộc mạc dìu dặt trong cái ánh đèn vàng. Và giọng Thái Thanh rất khẽ, nghe như tiếng của một thời xa vắng. Nhưng, khi chợt nhớ rằng, ngay ngoài kia là cả Bến Thành hoa lệ lẫn cái xôn xao của những tiệm bạc, tiệm gội đầu… – người ta dễ thấy quanh mình trầm ấm, yên ắng, cách biệt và tiện nghi như một thư phòng của đêm Ba mươi tết. Có lẽ, vì chủ nhân của Saroma là một nghệ nhân trà, nên những bày biện tối giản trong nó đều tuân thủ những phép tiện nghi tinh thần xung quanh một thức uống. Và bạn trà, bạn cà phê… gần như chỉ chọn đến đó để thực sự thưởng thức một thức uống được pha chế, thậm chí sáng tạo bởi một người rất yêu nó. Và ở bên ly nước ấy, bạn chỉ cần ánh sáng vừa phải, một không gian tinh tươm, nhạc hay, những con người yên lặng hoặc biết nói thầm. Không gian của một thức uống không có cái tiện nghi của ống kính máy ảnh, hay điện thoại thông minh. Nó không giúp bạn có một tấm hình lung linh để check-in. Nó giống một quán cà phê thân quen của ba tôi cùng cánh bạn bè ưa nhạc vàng thuở đó. Và cũng giống thư phòng của ba, trong khoảnh khắc mẹ bưng lên cho hai cha con mỗi người một loại thức uống. Chủ nhân của Saroma gọi nó là “quán nước thực nghiệm”, để giới thiệu những loại nước uống do mình sáng tạo, hoặc “phục hồi” của “người xưa xứ mình”. Từ đó mà tôi tin rằng, cái tối giản có chủ ý nọ là để tách người ta ra khỏi những “phân tâm cồng kềnh” của đời sống số. Để người ta trọn vẹn hưởng thụ những tiện nghi tinh thần bên một món nước uống và người bạn trà. Đôi khi, “tiện nghi” chính là sự giản dị như thế. Đã vậy, giữa những liên tưởng đó, liên khúc Thái Thanh trên loa lại bình thản thả một ra câu hát tình cờ. “Cho tôi lại ngày nào, trăng lên đầu ngọn cau. Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu…” Theo phunuonline