Sài Gòn trong mắt người nhập cư


Sài Gòn trong mắt người nhập cư 2

Với số dân hơn 11 triệu, Sài Gòn là thành phố lớn nhất Việt Nam. Được xây dựng trên miền đất mới, con người năng động, tính cách phóng khoáng nên từ lâu nơi đây đã trở thành miền đất lành.

Mỗi năm, thành phố này tiếp nhận 70.000 lao động nhập cư, đa phần là ở độ tuổi thanh niên (từ 20 đến 29 tuổi). Mặc dù có đến 1/3 số người nhập cư kiếm được việc làm và thu nhập tốt hơn ở quê nhưng cuộc sống nơi đất khách của họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Và cũng từ hành trình kiếm sống đó, họ cảm nhận được tấm lòng thơm thảo của người Sài Gòn.

Ông Hải người ở Cà Mau. Đất cát ruộng vườn không có, ông lên Sài Gòn kiếm việc. Cơ duyên thế nào mà ông lại gặp đúng ngay anh chủ nhiệm Câu lạc bộ xích lô quận 1. Sáng sớm, ông đạp xích lô ra chợ Bến Thành, chiều đạp về, mỗi ngày cũng kiếm vài trăm, sống tằn tiện tích cóp gửi về cho vợ con. Có dạo xe ôm quá nhiều, khách Tây lại thích nên thu nhập ông giảm đi phân nửa. Thời gian đó, người ta thấy ông là khách hàng thân thiết của quán cơm 2000.

“Sài Gòn tốt với người tha hương lắm. Giờ có đói bụng thì đã có quán cơm 2000, muốn ngủ thì đến mấy ngôi chùa quen. Dạo này tôi cũng thấy nhiều bạn trẻ hay đến cho cơm, tặng quà những người vô gia cư. Người xa quê thấy thế là ấm lòng, nhất là những hộp cơm còn nóng hổi giữa đêm dài” – ông Hải thổ lộ. Có một lần, chúng tôi theo chân nhóm bạn trẻ đi phát cơm trên cầu Calmette nối quận 4 và quận 1. Đêm giao thừa năm ấy, khi tiếng pháo hoa đì đùng vừa tắt, dòng người vừa tan thì trên cầu cũng xuất hiện mấy người lang thang cơ nhỡ.

Ông Tám, mang tiếng là dân quận 4 nhưng gốc ông ở Long An, lên đây lập nghiệp mấy chục năm rồi. Nói “lập nghiệp” cho nó oai vậy, chứ hàng ngày ông đi chạy xe ôm, đêm về tá túc gầm cầu. Kiếp ở bờ ngủ bụi bám ông đến tận bây giờ – khi đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy. Có người hỏi sao ông không về quê đi thì ông cười buồn: “Về làm gì, ở đây nó quen rồi. Dù có nghèo nhưng không chết đói, người Sài Gòn không để tôi chết đói đâu”.

Thấy ông lạ quá, người ta hỏi dồn là ông hãy về với vợ con, với quê hương, biết đâu có cuộc sống tốt hơn thì ông vẫn “ngoan cố” bám trụ. Với ông, mùi khói xe, tiếng ghe chạy dưới kênh và công việc chạy xe ôm đã ăn vào máu. “Không thể bỏ Sài Gòn mà đi được, nó đã nuôi tôi biết bao năm nay rồi, về sao đặng?” – ông quả quyết.

Ông mù bán bút dạo có cái tên nghe là vui – Trần Vui – 55 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa vào đây đã hơn chục năm. Là người khuyết tật nhưng ông một hai không đi xin ăn mà đi bán tăm, giờ là bán bút bi. Ông nói: “người Sài Gòn tốt lắm. Một hôm có người cho tôi 500.000 đồng. Tôi cầm trên tay thì có kẻ muốn cướp đi, may là có mấy thanh niên đến ngăn, bảo vệ tôi”.

Sài Gòn trong mắt người nhập cư 1

Ông Trần Vui quê ở Thanh Hóa đã có nhiều năm bán bút dạo ở Sài Gòn.

Mù hoàn toàn hai mắt, ông không thấy đường đi bán nhưng khi ai hỏi sao ông có thể đi bán bút trên phố đi bộ vốn đông kịt người? Qua đường ra sao? thì ông cười mà rằng: “Thấy tôi giơ tay là có người dẫn qua đường liền. Hôm thì anh thanh niên, hôm thì cô gái dẫn tôi đi. Mới lúc nãy, có anh cảnh sát dẫn tôi qua đường, còn cho tôi 10.000đ uống nước nữa” – ông Vui hào hứng kể lại lòng tốt của người Sài Gòn dành cho mình.

Tôi đem mấy mẩu chuyện này kể lại với một anh bạn là người Sài Gòn gốc. Anh nói rằng, sở dĩ người Sài Gòn giàu lòng thương người, sống bao dung và trọng nghĩa khí là vì tổ tiên họ vốn cũng là dân tha phương, vào đây khai phá miền đất mới. Thấy hoàn cảnh éo le của một đồng bào, có người mời vào nhà ăn cơm, người thì nhét vào tay mấy đồng lẻ, hay đi mua hộp cơm để người kia qua cơn đói lòng.

Sài Gòn trong mắt người nhập cư 2

Anh cảnh sát cơ động dẫn ông Vui qua đường, cho tiền mua nước khi ông đang bán bút trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Anh kể tôi nghe câu chuyện mà anh chứng kiến tại quán bún bò Huế nằm ở trung tâm quận 1 cách đây 2 tháng. Cụ bà một tay run run chống gậy, một tay cầm xấp vé số dày cộp mời khách. Đến bên cô gái đang ăn, bà năn nỉ thì cô gái nhìn rồi nói là không chơi vé số rồi hỏi cụ có đói bụng không. Thấy ánh mắt cụ bà đang nhìn tô bún bốc khói, cô gái hiểu ý rồi kéo ghế, mời cụ ngồi rồi kêu làm thêm một tô bún để cụ ăn. Hai con người, một già một trẻ, một Nam một Bắc, một giàu một nghèo nhưng không hề có khoảng cách trong giây phút đó – giây phút sẻ chia vị ngọt ngào của cuộc sống.

Theo Lao động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: