Sông chảy vào sông…


Tôi hay tin ông mất khi đang ngồi ở… mé sông Sài Gòn. Những dề lục bình rời rạc trôi, con nước lớn vẫn xuôi dòng, cuộn theo cái âm thanh buồn, nhẹ tênh, thong thả.

“Sầu nữ” Út Bạch Lan – nhành lan trắng mãi tỏa hương

“Song Lang” tung clip thể hiện sự huy hoàng của cải lương những năm 70-80 trong góc nhìn nuối tiếc của người trẻ

Sông Sài Gòn chớ nào phải đâu Phụng Hiệp, sao cứ dằng dặc, quay quắt, kiếm tìm cái bóng hình “ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy”, cứ nương theo cái điệu hò ơ của “Tình anh bán chiếu”; để rồi nhận ra, bài vọng cổ vốn dĩ lọt lòng từ bản hoài lang 2 nhịp/1 câu ấy, đã len qua con nước lớn ròng mà cuộn dòng phù sa, tắm tưới cho cả vùng đất Nam bộ này.

Để thấy, cũng là bài vọng cổ, cũng bấy nhiêu khuôn thước bổng trầm mà buông về một chữ hò tình tự, nhưng đến ông, lại mang cái dìu dặt, khoan thai, hào sảng của vùng đất Trấn Biên – Gia Định, của dòng chảy Đồng Nai – Sài Gòn. Sông chảy vào sông để cuối dòng là tiếng của phù sa gọi nhau bên bồi bên lở…

NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy trong vở Nàng Xê Đa

NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy trong vở Nàng Xê Đa

Không có nhiều sự đột biến, lại càng hiếm vẻ làm dáng; ở ông, càng rành rẽ càng giữ gìn sự chuẩn mực – cái chuẩn mực mà cả một đời ca hát ông vui buồn, vinh nhục gắn bó.Không quắc thước, tinh anh như nghệ sĩ Hoàng Giang, Diệp Lang…; không bay bổng, tuấn tú như nghệ sĩ Thành Được, Hùng Cường; không mùi mẫn, ngọt lịm như Tấn Tài, Minh Cảnh hay nồng nhiệt, khỏe khoắn, đa tình như Minh Vương, Minh Phụng, Thanh Tuấn… NSƯT Phương Quang là sự hòa quyện mực thước giữa chất tình sông nước với cái khoan thai, mộc mạc của đất.

Ca kịch cải lương luôn tôn thờ cách đo ni đóng giày cho diễn viên. Với Phương Quang, chất giọng trầm, mùi, có độ vang dày và quãng rộng đã sớm được “đo ni” cho những bài bản thuộc nhất Lý – nhì Ngâm hay bát Ngự, mà bài Ái tử kê trong Người ven đô, qua nhân vật Tám Khỏe của Phương Quang, là một ví dụ về sức chinh phục của ông – vượt qua khuôn mẫu mà người đi trước đã định dạng.

Và dĩ nhiên, bài vọng cổ, với sức ảnh hưởng đậm nét của NSND Út Trà Ôn lên lối ca, cách sắp chữ, chẻ nhịp và cả cách… quăng mấy chữ “ơ… hơ…” tài tình của “vua vọng cổ”. Gì thì gì, Phương Quang vẫn… lành hơn cậu Mười Út (cách gọi thân mật trong giới dành cho NSND Út Trà Ôn).

Ngay cả lối nói thơ Lục Vân Tiên trong bài ca cổ Ông lão chèo đò, độ trầm của chất giọng Phương Quang dày và ấm nhưng độ giòn, vang không cao và xa hơn cậu Mười. Song cái tình trong lối ngâm Tao Đàn – vốn được hai ông khai thác trong nhiều khúc nối hay chuyển giữa lòng bản – lại dạt dào, tình tứ không tả xiết.

Chất tình này, khi đi vào các vai diễn – từ vua Riêm trong Nàng Xê Đa hay chú Út trong Tần nương thất – đã nảy mầm thành những dấu ấn rất riêng. Chính vì cái tình ấy mà không ai nỡ trách tính ghen tuông, ích kỷ của chú Út đã đem lòng yêu thầm Tần.

Cái tình ấy đã giúp cho một lời tha thứ với sai lầm của Riêm, để hình ảnh vị đế vương buộc phải quỳ gối trước người đàn bà mà mình yêu thương, mà mình phản bội, cứ nhói lòng người xem.

Xem và nghe NSƯT Phương Quang ca diễn, tôi trộm nghĩ, lỡ như soạn giả có viết cho nhân vật của ông… ác hơn, dữ dằn hơn, nham hiểm hơn, có lẽ ông sẽ khước từ. Ánh mắt ấy, cái nhìn luôn thẳng và ấm áp ấy, vóc dáng mực thước và dung dị ấy, sự di chuyển luôn đĩnh đạc, từ tốn ấy đã đặt hầu hết nhân vật của ông cho đến con người thật của ông vào chính diện, tính chính danh.

Có lẽ vì thế mà cách chọn lựa cuối đời của ông, nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa với ông, cũng được gia đình ông chấp nhận và đồng cảm, để sau cùng là sự gửi lại đầy đủ, trọn vẹn hình hài cho nhân gian sau nửa thế kỷ đã cất cao tiếng hát mà phụng sự con người, khán giả.

Chiều đang về muộn trên sông, không một bóng đò, nhưng sao tôi nghe văng vẳng nhịp chèo khuấy nước. Có phải là ông, bàng bạc nơi từng lớp sóng, thong thả con nước lớn ròng: “Gẫm ai vô sự như mình/ Đò ngang một chuyến mặc tình nắng mưa” (Ông lão chèo đò). Mưa nắng đâu mặc tình, hình hài đâu vô sự, nó vẫn lưu lại cõi này cái thanh âm dặt dìu, trầm ấm, hào sảng Phương Quang, dưỡng nuôi và sống tiếp hạt bụi Tô Văn Quang ký thác cho tha nhân…

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: