Người Hà Nội tự hào khi hình ảnh xích lô đã mang lại một nét đẹp riêng cho Thủ đô trầm cổ. Đến Đà Lạt, lữ khách rất thú vị và cảm thấy lãng mạn, mộng mơ hơn khi ngồi trên cỗ xe ngựa bập bềnh, lục lặc. Còn ở Sài Gòn, trong con mắt của một người Hà Nội dưới đây, xe ôm cũng có nét đẹp riêng… Ngay từ buổi đầu đặt chân xuống Sài Gòn, ấn tượng đẹp đầu tiên – và còn đọng lại đến tận bây giờ, trong tôi về nơi này là những người chở khách thuê bằng xe gắn máy. Tôi xếp xe ôm Sài Gòn thành 2 kiểu: tĩnh và động. Cánh xe ôm tĩnh thường đỗ ở nhà ga, bến xe, những ngả đường, đầu hẻm… khách có nhu cầu đi lại thì đến tận nơi thỏa thuận. Khi đi bộ trên vỉa hè, dù là đường lớn hay nhỏ, rất dễ dàng để bạn được người đi xe máy hồn hậu hỏi mời “đi đâu?” – họ là xe ôm động. Đa dạng về lứa tuổi, trẻ có, trung niên có, già có, và cả phụ nữ cũng có, cánh xe ôm Sài Gòn không khó để nhận ra. Một người đi chiếc không sang trọng, ăn mặc xuề xòa, trên xe có máng thêm một chiếc mũ bảo hiểm nữa. Đa phần dân xe ôm là những người không có nghề nghiệp ổn định. Bạn bè Sài Gòn thường nói vui: “Giàu thì đi xe hơi uống bia ôm, nghèo thì đi xe ôm uống bia hơi”. Tuy có những điều hạn chế khi đi xe ôm như độ an toàn, thời tiết, song tôi vẫn thấy đi lại bằng phương tiện này rất tiện lợi, nhanh chóng, hợp với túi tiền, và hơn cả là thái độ phục vụ và tư chất của họ, chính điều đó đã làm tôi thay đổi cách nhìn về những con người này. Bất kể giờ nào, dù đêm hôm khuya khoắt, không quản mưa nắng, họ đều niềm nở sẵn sàng phục vụ khách tận tình. Không chăn dắt, nài nỉ khách như một số nơi khác, xe ôm Sài Gòn mời hỏi bằng một động tác giơ ngón trỏ lên trời, khách lắc đầu hay huơ tay là họ hiểu ngay. Không cãi cọ, tranh giành “lãnh địa” hay khách giữa họ với nhau. Cũng chẳng có tình trạng ép khách, nói thách, nói lóng để “chặt chém” khách đi xe. (Cách đây vài năm, tôi đi xe ôm ở thành phố lớn khác, hai bên mặc cả cho quãng đường 4km với giá “5 đồng”, khi xuống xe tôi đưa 5.000 đồng họ trợn mắt nói 50.000 đồng). Tôi nhớ một lần, trên đường Nguyễn Chí Thanh có tai nạn giao thông, người phụ nữ nằm bất tỉnh trên đường, chiếc áo chị ấy loang máu, người đi đường chỉ lướt qua với một cách bàng quang hay một cái nhíu mày. Rồi một người xe ôm chạy tới cùng đồng nghiệp bế chị lên xe đưa đi cấp cứu. Phải chăng, chỉ cánh xe ôm mới thực hiện đúng luật giao thông và nặng tình người? Ở Sài thành, nếu muốn hỏi đường, ngoài cảnh sát giao thông, bạn cứ đến chỗ bác tài xế xe ôm để hỏi, họ chỉ dẫn nhiệt tình cặn kẽ còn hơn cả 1080 và còn được nhận một nụ cười thật tươi của họ nữa. Nhìn bác xế ôm ngồi trên yên xe đọc báo lúc đậu chờ khách hay một anh nằm ngả lưng ra yên, vắt chân lên tay lái ngủ ngon lành trong giờ nghỉ trưa mà tôi phát thèm. Giữa cuộc sống bon chen, ồn ào, náo nhiệt nơi đây song họ vẫn có được sự thanh thản, vô tư đến thế. Là người thường đi xe ôm, chưa lần nào tôi không nhận được 2 tiếng “cám ơn” của xế ôm sau khi trả tiền họ. Có lẽ, câu ấy là của những người khách đi xe như tôi mới phải. Đúng vậy, chúng ta nên cảm ơn họ, những con người chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức và bằng cả phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Họ thầm lặng phết nên một nét đẹp riêng trong bức tranh cuộc sống của đất phồn hoa đô hội – Sài Gòn. Không biết, Sài Gòn sẽ thế nào nếu vắng đi những người chạy xe ôm! Nguồn: Nguyễn Duy Nhân