Chủ sốc vì nhân viên nghỉ ngang, đột ngột biến mất sau Tết


Sau kỳ nghỉ dài, nhiều chủ kinh doanh đau đầu vì nhân viên nghỉ không báo trước khiến họ không kịp tìm người mới thay thế.

Sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, chị Mai Vy, chủ cửa hàng thời trang ở Hà Nội, sốc khi cả 3 nhân viên của chị đột ngột bỏ việc.

Chia sẻ với Zing, chị Vy cho hay kể từ khi mở shop vào năm 2017, đây là lần đầu tiên chị gặp trường hợp này. Trước đó, dù làm việc hợp hay không, nhân viên đều báo trước cho chị và làm hết tháng mới nghỉ.

“Cả ba đều là sinh viên, một bạn làm chính gắn bó 1,5 năm, hai người còn lại là 3 tháng. Sau Tết, tôi liên lạc thì chỉ có một bạn trả lời. Bạn ấy gửi lịch tuần tới nhưng tối mùng 7 Tết nhắn tin báo test là F0, hôm sau không thể đi làm. Tôi cuống cuồng gọi bạn quản lý nhưng từ lúc đó, nhắn tin, gọi điện không một ai trả lời dù vẫn online trên mạng. Cảm giác sốc đến giờ vẫn chưa hết”, chị nói.

Tương tự chị Vy, nhiều chủ kinh doanh lao đao khi người lao động nghỉ việc đột ngột sau Tết. Họ phải gấp rút tuyển dụng người mới và tạm thời làm thay công việc của nhân viên.

Chu dau dau vi nhan vien nghi ngang anh 1
Nhiều chủ kinh doanh lo lắng vì vấn đề nhân sự sau dịp Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khó xoay xở

Đến giờ, chị Mai Vy vẫn chưa tìm được nhân viên mới do dịch căng thẳng, nhiều người muốn phỏng vấn nhưng đang phải cách ly. Chị tạm thời đóng cửa hàng, duy trì bán online.

“May mắn là vừa hết Tết, chưa phải thời điểm bận rộn. Chứ không tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào. Mỗi lần tuyển người mới, tôi mất khá nhiều thời gian đào tạo, bạn nào nhanh thì 10-15 ngày là quen việc, không thì phải lâu hơn. Cửa hàng tôi chuyên đồ order nên đòi hỏi nhân viên phải có nhiều kỹ năng sale online và tư vấn cho khách”, chị nói.

Chị Vy cho biết bản thân chưa bao giờ nghĩ tới chuyện giữ lương nhân viên.

Trước dịp Tết vừa qua, hiểu rằng mọi người muốn có tiền sắm sửa, chị trả đủ lương và thưởng thêm để động viên. Tuy nhiên, cách hành xử của họ khiến chị thất vọng.

Chu dau dau vi nhan vien nghi ngang anh 2
Chị Mai Vy chưa thể tuyển người mới sau khi 3 nhân viên đột ngột nghỉ việc sau Tết. Ảnh: NVCC.

“Khi đi làm, các bạn không nên chỉ đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu. Đã ở trong một đoàn thể/tập thể thì phải có quy củ. Các bạn được học hành thì cần cư xử văn minh, không nên cứ thích là nghỉ ngang như vậy.

Ai cũng phải có trách nhiệm bàn giao trọn vẹn đã dù có thích công việc đó hay không. Các bạn không lường trước được tổn thất gây ra với người chủ nhiều như thế nào”, chị Vy nói.

Anh K.V., chủ nhà hàng ở TP.HCM, cho hay ngành F&B (dịch vụ ăn uống) dễ gặp trường hợp nhân viên nghỉ việc đột ngột.

“Các bạn đến thử việc xong thấy không hợp thì tự nghỉ ngang là bình thường. Còn khác thường thì như nhân viên cũ kiến nghị tăng lương, không được duyệt nên đợi nhận lương tháng thứ 13 xong nghỉ hoặc vừa hết Tết là bỏ việc. Một số báo xong nghỉ luôn, nhiều người thì cứ thế biến mất, không một lời nào. Với ngành F&B thì chỉ còn cách là chủ tự đứng ra làm thay”, anh nói.

Trước đây, anh K.V. gặp trường hợp bạn cùng phòng cũ là nhân viên ký hợp đồng chính thức tại một công ty. Sau khi viết email thông báo, người này tự ý nghỉ và lấy đồ của công ty đi bán với lý do bị nợ lương 1-2 tháng, không thiết tha làm việc.

Ngoài bạn cùng phòng cũ của K.V., 3-4 nhân viên khác cũng bỏ việc vì bất mãn vấn đề lương của công ty. Họ đồng loạt nghỉ sau khi giám đốc chi nhánh về quê ăn Tết Dương lịch, gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhân sự mới.

“Tôi nghĩ trong một số trường hợp, bản thân doanh nghiệp có thể chưa đáp ứng đủ thứ nhân viên cần như chế độ, mức sống, lương thưởng. Tuy vậy, việc nghỉ đột ngột, không một lời thông báo cũng là không nên”, anh nhận định.

Chu dau dau vi nhan vien nghi ngang anh 3
Nhiều chủ kinh doanh lao đao khi người lao động nghỉ việc đột ngột sau Tết. Họ phải gấp rút tuyển dụng người mới và tạm thời làm thay công việc của nhân viên.

Chấp nhận sự biến động

Kinh doanh hơn 4 năm nay, anh Dương Anh, chủ homestay và quán cà phê ở Đà Lạt, từng gặp 3-4 trường hợp bỏ việc đột ngột.

Ngay đợt cao điểm Tết Âm lịch vừa qua, quán đông khách và thiếu người, nhưng cũng có nhân viên chính của anh nghỉ ngang.

“Tôi không phải là người chủ hoàn hảo nhưng chiều và tạo điều kiện để nhân viên thu xếp công việc với chuyện cá nhân. Tôi không để cho ai phải thiệt thòi khi làm việc với mình. Nhân viên muốn gì hợp lý, tôi cũng cố gắng đáp ứng, quyền lợi đầy đủ, kể cả những điều không có trong thỏa thuận. Mặc dù vậy, vẫn có các bạn nghỉ ngang, biến mất ngay cả khi đang ở cùng nhà với chủ hay đúng thời điểm biết quán đang thiếu người”, anh nói.

Trường hợp khiến anh Dương Anh bất ngờ nhất là một người tốt nghiệp trường top đầu, có trình độ, từng làm việc văn phòng ở công ty lớn.

“Bạn muốn trải nghiệm công việc mới nên thuyết phục tôi nhận bạn cho vị trí đang tuyển. Vì không quen với tính chất công việc hoàn toàn mới, quá trình làm việc của bạn cũng khó khăn. Một hôm, bạn thu dọn đồ đạc rồi rời đi chỉ trong một tiếng, để lại một tin nhắn thông báo. Tôi không nghĩ một người từng làm việc trong môi trường hiện đại và chuyên nghiệp lại hành xử như vậy”, anh kể.

Chu dau dau vi nhan vien nghi ngang anh 4
Anh Dương Anh từng trách bản thân khi gặp nhân viên nghỉ việc không báo trước. Sau đó, anh học cách bình thản khi người đến, người đi. Ảnh: NVCC.

Theo anh Dương Anh, với mô hình kinh doanh nhỏ như homestay hay dịch vụ F&B, việc biến động nhân sự liên tục là chuyện phải chấp nhận. Chủ kinh doanh có thể gặp trục trặc tại thời điểm nhân sự nghỉ việc nhưng có thể sắp xếp được trong vài ngày sau đó.

“Không có công việc nào là quá khó, không thể đào tạo hay học hỏi, cũng không có vị trí nào không thể thay thế. Bởi vậy, nếu nhân sự đã không còn tha thiết làm việc và không còn thiện chí thương lượng để cải thiện điều kiện làm việc, tôi sẵn sàng để họ nghỉ ngang theo ý muốn, điều động người khác thay thế ngay”, anh Dương Anh bày tỏ.

“Tôi chỉ tiếc là các bạn ấy quá dễ từ bỏ. Nếu cứ gặp khó khăn là bỏ cuộc thì bao giờ họ mới có thể phát triển vững vàng và thành công”, anh nói thêm.

Anh Dương Anh cho rằng để tránh trường hợp chủ kinh doanh rơi vào thế bị động khi nhân viên đột ngột bỏ việc, trước tiên phải thỏa thuận về thời gian tối thiểu cần báo trước nếu muốn nghỉ việc và các mức phạt nếu không thực hiện đúng điều này.

Chu dau dau vi nhan vien nghi ngang anh 5
Việc đào tạo, tuyển nhân sự mới khi nhân sự cũ đột ngột nghỉ ngang, không báo trước sẽ gấp gáp, bị động hơn.

Nhân viên có thể kiện hoặc dùng nhiều cách để đòi tiền lương nếu công ty, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, công ty không có gì để đảm bảo nhân viên thực hiện nghĩa vụ khi họ muốn nghỉ. Do đó, cách phổ biến nhất là chốt ngày công gần cuối tháng và trả lương vào đầu tháng sau.

Giữa 2 mốc này thường gần bằng với thời gian tối thiểu nhân viên cần báo trước khi muốn nghỉ việc. Nếu không thực hiện đúng thỏa thuận, họ có thể sẽ không được trả lương hoặc thanh toán thiếu cho những ngày đã làm nhưng chưa tính lương.

“Nhiều bạn trẻ bây giờ điều kiện sống dễ dàng và thoải mái hơn nên họ ít kiên nhẫn, thiếu nghị lực và dễ dàng từ bỏ thay vì tìm cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Thời gian và trải nghiệm sẽ giúp họ dần trưởng thành. Nếu không, họ sẽ phải chịu hậu quả cho thái độ làm việc tùy hứng của mình. Người sử dụng lao động dần sẽ có kinh nghiệm hơn, tuyển dụng người đề cao hơn các tiêu chí về đạo đức, thái độ vì những điều này khó thay đổi. Còn về chuyên môn, trừ những nghề nghiệp quá đặc thù, không có công việc nào không thể học hỏi hay đào tạo được cả”, anh Dương Anh nói.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: