Thương tình cảm chị em hai cụ vô gia cư ở Sài Gòn


Cụ Trắng luôn ao ước một lần được gặp đứa con trai mình

Hơn 70 năm lang bạt khắp các ngõ ngách Sài Gòn đã qua, khi ở tuổi xế chiều, hai chị em cụ bám víu vào cuộc sống bằng tình thương của những người tốt bụng quanh mình.

Túp lều tranh tạm bợ “dột như tắm mưa giữa trời” là tổ ấm hạnh phúc phận đời côi cút của hai chị em cụ. Họ tâm niệm: “Đời khổ thì khổ thật đấy, nhưng có ai được như tụi tui sống giữa hàng trăm người luôn giang tay giúp đỡ. Sống được đến cái tuổi này cũng là mừng, có ai dám mơ nhiều”.

“Cụ bà nghèo nhất Sài thành”

Men theo con hẻm nhỏ dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), tôi đến thăm hai chị em cụ bà Nguyễn Thị Trắng (86 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Mai (85 tuổi, cùng TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một buổi xế chiều. Chỉ cần đặt chân đến đầu hẻm, hỏi hai chị em người dân khắp xóm ai ai cũng biết. Họ tếu táo bảo nhau: “Đó là hai cụ bà nghèo nhất Sài thành mà họ từng biết. Không tin cứ tìm hiểu sẽ rõ…”

Túp lều tranh tạm bợ “dột như tắm mưa giữa trời”

Túp lều tranh tạm bợ “dột như tắm mưa giữa trời”

Như lời người dân “đồn đại”, phận đời hai cụ quả lá hết sức thương tâm. Một cái lều xiêu vẹo nằm ngay ngắn trong con hẻm nhỏ, rộng khoảng 4m vuông. Chỗ che nắng trú mưa không mấy tươm tất, chỉ giản đơn là tấm bạt rách toác những lỗ lớn, không có nổi một chiếc giường ngay ngắn, cùng vài vật dụng sinh hoạt vẫn thường thấy trong các tiệm đồng nát. Kèm theo đó là mùi ẩm mốc xông vào tận mũi của vài thứ đồ đạc dường như đã lâu không có người dọn dẹp. Những gì hiện hữu trong “căn nhà” hai cụ khiến tôi không khỏi xót xa.

Hỏi về cuộc đời, hai cụ chỉ biết nhìn bảo nhau rồi lặng thinh. Họ không nhớ quê hương, bản quán của mình. Trong ký ức nhập nhòa, hai chị em cụ Trắng không nhớ nổi ngày rời quê lên Sài Gòn đã bao lâu. Lúc đi hai chị em vẫn còn bé xíu, họ chỉ biết quê mình là ở TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) mà thôi. Thế rồi, năm tháng qua đi, họ cũng đã đi qua hơn nửa cuộc đời với cảnh sống “tha hương cầu thực” nơi xứ người vơi ước mong duy nhất thoát khỏi cái khổ.

Những niềm hạnh phúc hiếm hoi cuộc đời cũng đến. Thời con gái, cụ Trắng sớm bén duyên cùng một người đàn ông đạp xích lô và sinh ra được hai người con, một trai một gái. Còn người em – cụ Mai vẫn ở vậy. Không lâu sau, người “đầu gối tay ấp” với cụ Trắng không may qua đời, mọi gánh nặng gia đình đè lên vai người mẹ tảo tần. Cụ Trắng nhớ : “Ngày ấy, dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ bây giờ vẫn còn có ngôi chợ, chị em tui cứ 4 giờ sáng lại gánh từng bó rau ra bán, kiếm tiền nuôi hai con. Sau đó, nhà nước quy hoạch chợ xây cầu Nguyễn Văn Cừ vậy, hai chị em tui không còn đất làm ăn. Cái ước mơ kiếm chút tiền lo cho con cho cái cũng dập tắt. Những ngày dài kham khổ lại bắt đầu.”

Để trang trải cuộc sống khó khăn trăm bề, hai chị em cụ Trắng lại dắt díu nhau đi làm đủ thứ nghề như bán vé số, nhặt ve chai, rửa chén bán, tạp vụ, phụ hồ… không nề hà khổ cực, nặng nhọc miễn sao có tiền là làm. “Làm chẳng được mấy đồng, tiền nhà không đủ trả nên hai chị em quyết đưa mấy đứa nhỏ ra con hẻm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ sống tạm bợ qua ngày. Thế là sống mãi tới giờ”- cụ Mai rơm rớm nước mắt tâm sự.

Đến tuổi 50, sức khỏe hai cụ bắt đầu yếu dần, đủ thứ bệnh hành hạ không thể làm lụng. Thế là hàng ngày, hai chị em cụ ngồi lại căn lều nhặt rau hư bán cho mấy người nuôi heo kiếm vài đồng bạc. Nếu ngày nào khỏe thì đèo nhau đi bán vé số. Hai đứa con cụ Trắng cũng phải trải trăm thứ nghề, kiếm miếng cơm thêm vào bữa cơm đạm bạc, hoặc khi thuốc thang cho hai cụ lúc trái gió trở trời. “Ngày có miếng cơm cùng rau chấm mắm, đã là bữa cơm ngon nhất của nhà tui. Những ngày không có gì ăn, tui với chị cùng mấy cháu phải ăn cả rau heo để đỡ đói.” – cụ Mai sụt sùi nhớ lại.

Cô con gái Lê Thị Thanh Xuân (con gái cụ Trắng) chỉ biết nuốt nước mắt vào trong thở dài ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm chỉ biết lang bạt cùng mẹ và dì khắp các con hẻm bán từng tấm vé số nuôi thân. Tối về, cả nhà lại che tạm miếng bạt lên mà ngủ. Ngày đó sợ nhất những ngày dột như tắm mưa giữa trời, cả nhà lại ôm nhau khóc.”

Trong khi đó, anh Hùng (con trai duy nhất cụ Trắng) những tưởng sẽ hạnh phúc khi có gia đình riêng, và sẽ là niềm an ủi, nguồn lao động đỡ đần hai cụ. Nhưng cũng kém may mắn thay, vợ anh Hùng lại bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Anh vừa lo kiếm tiền nuôi các con, vừa phải chăm sóc vợ trong bệnh viện. Số tiền ít ỏi kiếm được không đủ trang trải cho gia đình mình nên mặc cảm, hộ thẹn với mẹ mà bỏ đi biệt xứ. Cụ Trắng cặp mắt kèm nhèm khi nhắc đến con trai. Cụ nói trong dòng nước mắt nghẹn ngào: “Nó thương tui lắm! Ngày xưa, cuối tuần nào cũng về thăm, không có tiền nuôi tui, để tui ăn kham ăn khổ nên chỉ biết khóc. Tối nó không ngủ mà chỉ ngồi bóp chân cho tôi suốt đêm rồi thút thít.”

Mong ước cuối đời

Tuy hoàn cảnh nghèo khổ nhưng hai chị em cụ Trắng chưa một lần than trách. Ngược lại, hai cụ lại rất lạc quan trước sự yêu thương đùm bọc của bà con lối xóm dành cho mình. Hại cụ xem đó là niềm hạnh phúc mà mình may mắn được sống và có được. Cụ Trắng vui vẻ nói: “Đời khổ thì khổ thật đấy, nhưng có ai được như tụi tui sống giữa hàng trăm người luôn giang tay giúp đỡ. Sống được đến cái tuổi này cũng là mừng, có ai dám mơ nhiều”.

Cụ Mai hạnh phúc khi được sống trong tình thương

Cụ Mai hạnh phúc khi được sống trong tình thương

Giờ sức khỏe yếu, chân tay run rẩy, bước còn vững vàng, đi đâu phải nhờ người con gái cụ Trắng dắt tay. Thế mà trong con mắt cụ Trắng, cụ Mai vẫn sáng lạ thường. Hàng ngày, hai chị em cụ vẫn hay ra ngồi trước hẻm hóng gió. Hễ có mấy cô chú vé số, anh chị ve chai đi ngang qua lại tạt vào đôi lát mà hàng huyên với hai cụ. Hai cụ cũng đỡ buồn bã hơn. Anh Dũng, một người bán vé số, cho biết: “Sao mà lạ thế không biết, ngày nào sang con hẻm này tôi cũng vào hỏi thăm cụ vài câu mới có thể đi bán được tiếp. Chuyện nhà, chuyện đời,… cứ nói ra hết là thấy vui. Số tôi cũng không cha không mẹ nên từ lâu xem hai cụ là người thân của mình rồi. Và chỉ mong sao hai cụ khỏe mạnh mà thôi.”

Nghĩ đời đã không có tuổi thanh xuân, những ngày tháng ngắn ngủi còn lại của mình, hai cụ cũng không mong ước gì nhiều. Chẳng cần ở nhà cao, cửa rộng, ăn sung, mặc sướng, chỉ mong sao có sức khỏe để có thể cùng dìu nhau đi nốt quãng đời còn lại. Đang trò chuyện, cụ Trắng bỗng lặng người: “Cậu chụp cho tui tấm ảnh, xem như đi lạc còn có người biết dắt về, không thì cũng có tấm ảnh thờ sau này. Tui già cả lắm rồi, chẳng mong gì nhiều, chỉ mong thằng Hùng – con tôi – nó không giàu nhưng cũng bớt khổ đi. Tui thương, tui nhớ nó quá.”. Người chị vừa nói xong, cụ Mai tiếp lời: “Hơn 70 ở Sài Gòn rồi, hồi rời quê còn thời con gái giờ đã ngoài 85. Tui mong sau này có chết thì cũng được đem về Sa Đéc cho gần tổ tiên ông bà. Đó là niềm mong ước không những cho tui mà cả chị tui nữa.”.

Nói xong, hai cụ lại nở nụ cười phúc hậu, têm miếng trầu bỏ vào miệng ngón nghén ngon lành. Đôi mắt cụ Trắng lại nhìn xa xăm vô định, thi thoảng từ khóe mi lại rỉ ra vài giọt nước mắt. “Có lẽ, cụ đang nhớ con, mong con về. Nỗi niềm người mẹ ai thấu” (tôi tự thầm).

Cụ Trắng luôn ao ước một lần được gặp đứa con trai mình

Cụ Trắng luôn ao ước một lần được gặp đứa con trai mình

Trời bắt đầu ngả tối, màng đêm buông, ánh sáng hiu hắt  không đủ soi tỏ 2 gương mặt mờ nhạt. Tôi ra về, nhưng trong đầu vẫn nhớ mãi nụ cười cụ Trắng cùng câu nói: “Trải qua trăm thứ chuyện để còn biết mùi đời. Sống hơn 80 năm trên đời, không chết đói, đó không phải phúc hay sao?…”

Bài và Ảnh : Huy Hậu 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: