3 anh em, chiếc ghe và cuộc sống ở bờ bên kia Sài Gòn


Em ước nhà nhiều tiền hơn, để mẹ không phải buôn bán cực nữa. Mẹ em bán hàng không được hay la em lắm.” Khác với cuộc sống tấp nập, đầy ánh sáng trên các tuyến đường dẫn vào thành phố, con đường Trần Xuân Soạn ở quận 7 lại có một điều rất khác: những …

sai-gon-cuoc-song-1

Em ước nhà nhiều tiền hơn, để mẹ không phải buôn bán cực nữa. Mẹ em bán hàng không được hay la em lắm.”

Khác với cuộc sống tấp nập, đầy ánh sáng trên các tuyến đường dẫn vào thành phố, con đường Trần Xuân Soạn ở quận 7 lại có một điều rất khác: những ngôi nhà ở đây không phải là những tòa nhà cao tầng sang trọng mà là những chiếc ghe gỗ đậu dọc bên bờ sông Sài Gòn. Nơi đây là nơi ở của rất nhiều hộ gia đình. Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà, là nơi đi về của rất nhiều người dân lao động. Và cuộc sống của những đứa trẻ trên ghe, cũng khác.

sai-gon-cuoc-song-2

Dọc theo đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM (phía dưới cầu Tân Thuận) là những “ngôi nhà nổi” trên sông Sài Gòn. Người dân sinh sống và làm việc trên những chiếc ghe gỗ đậu sát ven bờ. Những đứa trẻ theo ba mẹ từ những miền quê khác đến đây, lớn lên trên ghe, học hành, chơi đùa cũng trên những chiếc ghe và bờ sông nhỏ.

sai-gon-cuoc-song-3

Bé Huỳnh Kim Ngân (10 tuổi) là một trong số đó. Cuộc sống của em gắn liền với sông nước từ mới sinh ra. Em quê ở An Giang, sống cùng bà ngoại đến năm 9 tuổi. Do mẹ làm ăn xa nên em theo mẹ lên Sài Gòn học tập và phụ giúp gia đình.

sai-gon-cuoc-song-4

“Trên này không khác gì ở An Giang” – bé Ngân kể. Ăn uống, giặt giũ đều trên sông. Ngay cả nước tắm cũng đem từ trên bờ xuống các ghe để bán. Nước ngọt thường dùng để tắm rửa và nấu ăn. Theo lời bà dì của Ngân: “Thường người ta bán 1 thùng nước ngọt 5 lít là 35.000đ cho mỗi nhà. Và họ bán hàng ngày.”

sai-gon-cuoc-song-5

Mẹ bán trên bờ, Ngân ở nhà với bà dì (dì của mẹ). Cô Phạm Kim Liên (50 tuổi) ở nhà chăm lo nhà cửa của và cả bé Ngân những lúc mẹ em đi bán.

sai-gon-cuoc-song-6

Ngân năm nay học lớp 3, tại trường Tiểu học Ánh Linh, Q.7, TP.HCM. Đây là ngôi trường do các ma-sơ dạy nên tiền học là miễn phí. Bà Liên chia sẻ, Ngân mới lên đây học được mấy tháng trước, vì cứ lênh đênh theo mẹ bán trái cây. Trong chiếc ghe nhỏ nhà Ngân là những bịch trái cây được vào bịch sẵn cho mẹ đi bán khắp nơi ở Sài Gòn.

sai-gon-cuoc-song-7

Do ghe nhỏ, bàn học không có nên em hay nằm xuống sàn ghe để viết bài. Buổi chiều thường là giờ tự học của em.

Không bàn học, không đèn học, sàn ghe, nắng trời là những thứ đi vào trang sách của em.

sai-gon-cuoc-song-8

Sau giờ học, Ngân thường phụ bà dì làm việc nhà như giặt, phơi quần áo….

sai-gon-cuoc-song-9

Đồ chơi của em chỉ gồm những món đồ hàng ít ỏi được các sơ trong trường học cho. Nhưng em rất thích những món đồ ấy. Ngân kể: “Dưới quê em ít được chơi những đồ này lắm, đi qua cửa tạp hóa em nhìn hoài. Lên đây, em mới được cầm chúng.”

sai-gon-cuoc-song-10

Chiếc ván nhỏ hẹp này là chiếc cầu duy nhất gắn liền giữa chiếc ghe và đất liền, được cột chắc chắn bằng sợi dây thừng vào chân cọc, giúp chiếc ghe đậu vũng chắc.

sai-gon-cuoc-song-11

Những lúc làm xong mọi việc, Ngân rất thích lên bờ để chạy chơi, thường em sẽ đi xem anh hai vớt cá ven sông. Đối với một đứa trẻ phải sống trên một chiếc ghe chật hẹp, thì mặt đất rộng rãi chính là thiên đường cho đôi chân bay nhảy

Anh hai của Ngân – Huỳnh Kim Phát (14 tuổi) sống cùng với bà nội trên chiếc ghe cạnh ghe của Ngân. Sau 2 anh em còn một em trai, nhưng lại là con của mẹ em với cha dượng. Phát kể, cha ruột của 2 anh em vướn phải vòng lao lý năm Phát 4 tuổi. Em được bà nội nuôi từ nhỏ và sống ở trên Sài Gòn luôn. Hàng ngày, công việc của em là lượm ve chai, những cây sắt để bán kiếm tiền.

Làn da ngăm đen, mái tóc tự nhuộm vàng cho “ngầu”, cùng với cây vợt trên tay, Phát đi dọc các bờ sông, các bãi rác ven sông tìm vớt những chai lo người khác vứt đi. Thỉnh thoảng, em hay đi vớt cá dưới sông cho bé Ngân chơi.

“Chiến lợi phẩm” sau 1 buổi chiều là những ống bơ, chai nước rỗng. Phát nói: “thường ngày bán những món ấy cũng được vài ba chục ngàn. Hôm nào em hên, vớt được cây sắt dài bán cho vựa ve chai cũng được cả trăm ngàn.” Số tiền bán được em thường đưa về cho nội. Phát không ở cùng mẹ và cha dượng, em bảo do không quen, sống với nội quen rồi, nội là người lo cho Phát tất cả.

Tuy vậy, Phát rất thương em trai thứ 3 của mình. Cả 3 anh em đều gắn bó với nhau. Em trai Phát và Ngân được 2 tuổi, tên là Huỳnh Tài Lộc. Được nuôi dưỡng trên những chiếc ghe, dưới cái nắng gắt của Sài Gòn, bé Lộc đen nhẻm, nhưng khỏe mạnh và lanh lợi.

Như bao đứa trẻ khác ở “tổ hợp ven sông” này, các em dù tuổi nhỏ đã phải phụ giúp gia đình, từ những việc nhỏ đến cả những công việc có thể kiếm thêm thu nhập. Ba mẹ đều đi làm cả ngày, vất vả với việc mưu sinh nên các em thường ở nhà một mình, tự chơi, tự làm việc cùng nhau.

sai-gon-cuoc-song-12

Không riêng gia đình Ngân-Phát, cuộc sống của những đứa trẻ nơi đây luôn gắn liền với sông nước, với những chiếc ghe nhỏ mà đôi khi còn nhỏ hơn cả một căn phòng trong ngôi nhà nào đó ở Sài Gòn. Nhưng các em vẫn sống, vẫn tìm được niềm vui trong những nỗi buồn. Vì đây là nhà của các em.

Theo Yeah1.com


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: