Những chuyến xe chất đầy rau củ quả của nhóm anh Lâm Hoài Trung (37 tuổi) vẫn miệt mài lăn bánh khắp Sài Gòn những ngày giãn cách để phát cho người khó khăn vì Covid-19. Sau mỗi chuyến xe, là tình thương, nụ cười, nước mắt…, giúp những người đang cần đồ ăn vì khó khăn bởi dịch Covid-19. Những phần rau củ cuối cùng của chuyến xe đầu tiên trong ngày đã được nhóm anh Trung giao xong ẢNH: CAO AN BIÊN Trưa nắng như đổ lửa, quán ăn trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình, TP.HCM) có gần chục người kín mít khẩu trang, nhễ nhại mồ hôi tất bật cho từng quả cà chua, cà tím, bắp cải, rau xanh… vào từng gói nhỏ chừng 4 – 5 ký. Quán còn hơn 3,5 tấn rau củ quả của một mạnh thường quân vừa được anh Trung cùng những người bạn chở về từ Q.12. Ráng giao sớm cho rau còn tươi “Xin thêm một quả cà… chớn cho đủ phần cái coi!”, một người trong nhóm “pha trò” khiến mọi người cười vang quên mệt mỏi. Chỉ vào nhóm của mình, anh Trung nói, họ đều là “dân làm du lịch” hoặc là nhân viên của quán ăn này, dịch Covid-19 thất nghiệp hết nên cùng đồng hành hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn. “Anh em du lịch chúng tôi hay tới quán này ăn, rồi thân thiết. Covid-19 tới, quán thì mở bếp ăn nấu cho người khó khăn, nhóm du lịch tụi tôi thì phát rau củ quả, gạo… Tới khi TP có quy định giờ ra đường, nhóm nấu cơm thôi làm rồi cùng chúng tôi hỗ trợ phân phát thực phẩm luôn”, anh cười. Chị Huỳnh Lê Kim Khánh (28 tuổi) vừa tất bật với việc phân chia rau củ vừa tâm sự mình tham gia hỗ trợ nhóm những tháng qua, khi nào tranh thủ được thời gian là chị sẽ đến. Chị Khánh cho biết mình vui vì có thể góp một chút sức để giúp đỡ những người khó khăn lúc này, cũng là cách để thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Xóm trọ của chị Nguyễn Kim Châu (43 tuổi, Q.12) vẫy tay chào nhóm anh Trung sau khi nhận được gần 20 phần rau củ quả ẢNH: CAO AN BIÊN Trưa nắng chang chang, các thành viên của nhóm phân chia rau củ thành từng phần để trao trao sớm cho những người khó khăn để rau còn tươi ẢNH: CAO AN BIÊN Sau gần 2 tiếng hì hục, hơn 130 phần rau, củ, quả “ra lò”, mọi người thì vẫn tiếp tục đóng gói. Trong khi đó, anh Trung ngồi thống kê lại địa chỉ những đơn hàng mà nhóm mình sẽ giao trong hôm nay để lát khỏi “bỡ ngỡ”, rồi cùng một vài thành viên chất số hàng đã được đóng gói lên 2 chiếc xe bán tải đem đi phân phát. Anh nói làm tới đâu mình sẽ giao tới đó, sao cho rau còn tươi ngon nhất khi đến tay người nhận. Người nhận những phần quà này đã liên hệ trước với nhóm anh, đa phần đều là đại diện của một xóm trọ hoặc một nhóm người ở TP.HCM đang gặp khó khăn về thực phẩm. Sau khi trình bày hoàn cảnh, gửi số điện thoại và địa chỉ, nhóm sẽ chở hàng đến tận nơi để tặng. Anh Trung nói thêm: “Tụi tôi có những người phụ trách tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội để xác định được người nào cần trao, chúng tôi chỉ giao cho một nhóm người chứ không giao từng cá nhân vì tốn nhiều thời gian. Hầu hết các quận ở TP.HCM, chúng tôi đều cố gắng tìm đến để có thể hỗ trợ vì biết rằng họ đang rất cần mình”. Ước sao mình có “ba đầu sáu tay” Sau khi chia địa bàn để giao hàng, hai chiếc xe bán tải đầy ắp rau củ bắt đầu lăn bánh. Trong chuyến hàng này, PV theo xe của anh Trung giao 9 đơn hàng đến 9 địa điểm khác nhau ở Q.Gò Vấp, Q.12 và H.Hóc Môn. Trong đó, có đơn chỉ 4 – 5 phần, có đơn gần 25 phần. Các thành viên khác cũng chở rau củ đến các khu vực như TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh… Mỗi túi gồm có cà chua, cà tím, bắp cải, rau xanh… ẢNH: CAO AN BIÊN Anh Trung chất thực phẩm lên chiếc xe của mình, chuẩn bị giao hàng ẢNH: CAO AN BIÊN Trên chuyến xe, PV hỏi anh Trung: “Tại sao anh lại tham gia hỗ trợ những người đang gặp khó khăn ở TP.HCM? Anh không sợ dịch sao?”. Anh cười nói dịch thì ai mà không sợ, nhưng anh cũng muốn góp một chút công sức nhỏ của mình để nhiều người vơi bớt đi nỗi lo lắng lúc này. Lướt mạng xã hội, anh đọc được người này thiếu món này, người kia thiếu món kia, anh lại không thể kìm lòng được. Gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau trong mùa dịch, hỗ trợ họ và nhận được lời cảm ơn, nụ cười hay những giọt nước mắt xúc động, anh lại có động lực để tiếp tục công việc của mình. Động lực đó lớn đến mức chiếc xe bán tải của anh “không dám dừng lăn bánh”. Sống cùng với mẹ, từ lúc làm công việc này anh “bỏ” mẹ một mình ở nhà vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của bà, anh cũng giấu luôn tính chất công việc của mình vì sợ bà lo. Tuy nhiên, anh Trung vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe để vơi đi nỗi nhớ mẹ. Các thành viên giữ khoảng cách, ăn vội bữa cơm trưa trước khi lên đường ẢNH: CAO AN BIÊN Hàng được giao đến cho một xóm trọ trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) ẢNH: CAO AN BIÊN “Tôi cũng như nhiều anh em khác không chỉ làm mỗi việc phát thực phẩm này, mà còn làm đủ thứ hết, nào là chở đội phun khử khuẩn, chở hàng hóa cho chính quyền địa phương… Có những ngày tôi bắt đầu làm từ 7 giờ sáng đến nửa đêm, thậm chí đến 1, 2 giờ sáng hôm sau, rệu rã. Ước sao mình có ba đầu sáu tay để làm được nhiều việc hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn”, anh nói. “Quá mừng! Không biết cảm ơn sao cho hết” “Alo! Alo! Anh Tài có phải không? Em có nick facebook Cùi Bắp đây anh. Có phải anh đặt 13 phần rau của bên tụi em không? Bây giờ anh có nhà không, em qua giao?”. Đầu dây bên kia đáp lại: “Xóm trọ của tụi em bị phong tỏa lâu rồi anh, để em cho anh số điện thoại người quen đến để nhận giùm rồi cô chuyển cho tụi em nhen!”. Vậy là chiếc xe rau củ quả dừng trước một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) như đã hẹn trước, anh Trung cùng với một thành viên trong nhóm nhanh chóng chuyển 13 túi hàng hóa xuống đặt phía trước. Một người phụ nữ chạy xe máy đến nhận các phần rau củ, cảm ơn nhóm anh Trung rối rít và hứa sẽ chuyển đến tận tay những người trong xóm trọ đang gặp khó khăn. Vẫy tay chào tạm biệt và gửi lời chúc sức khỏe, anh lại tiếp tục lên đường. Cả xóm trọ ở Q.12 vui mừng khi thấy chuyến xe của anh Trung dừng trước khu trọ của mình ẢNH: CAO AN BIÊN Một khu trọ ở H.Hóc Môn nhận được thực phẩm từ nhóm anh Trung, ai cũng vui mừng vì “bất kỳ sự hỗ trợ nào lúc này cũng đều quý giá” ẢNH: CAO AN BIÊN Trên chuyến xe đi đến Q.12, anh nhận được cuộc gọi cảm ơn từ anh Tài: “Anh ơi, xóm của em nhận được rau rồi! Tụi em mừng quá không biết cảm ơn anh sao cho hết. Anh giữ sức khỏe nha!”. Sau khi tắt máy, anh Tài nói mình không thể đếm hết, nhớ hết những cuộc gọi như vậy, mỗi lần nhận được những lời cảm ơn, động viên anh và nhóm thấy ấm lòng, lại càng muốn tiếp tục công việc. 16 giờ, chiếc xe dừng lại trước một khu nhà trọ nhà trọ cũ ở Q.12, chị Nguyễn Kim Châu (43 tuổi) đại diện xóm trọ ra nhận 20 phần quà để phân phát cho cả nhóm. Vì vui mừng nên nhiều người sống bên trong cũng đeo kín khẩu trang tiến ra nhận những túi thực phẩm. Chị cho biết đa phần ở đây đều là người bán vé số, thợ làm hồ. Mấy tháng qua, không có việc làm, phải trang trải đủ các chi phí nên “rất khổ”. Vợ chồng chị phải nuôi 2 con nhỏ cùng đứa cháu, giờ không có việc nên khó khăn chồng chất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, chính quyền địa phương mà mọi người mới có thể sống được những ngày qua. Trời đã chiều, anh Trung vội vã rời đi, chỉ kịp gửi lại lời động viên: “Tụi em có nhiêu đó à, không có nhiều để cho. Anh chị giữ sức khỏe!”, chị Châu nói: “Quá mừng anh ơi! Các anh không ngại đường xa xôi tới đây, chúng tôi thiếu thốn nên có là mừng lắm rồi, không dám chê…”. Cả xóm vẫy tay chào tạm biệt, ai cũng giữ nụ cười sau lớp khẩu trang. Hơn 18 giờ, 9 đơn hàng cũng đã xong, ai cũng có phần rệu rã. Trên đường trở về để tiếp tục chở chuyến hàng tiếp theo, anh Trung tâm sự những chuyến xe của mình vẫn sẽ tiếp tục lăn bánh, đến khi không còn ai cần nữa thì thôi… Theo Thanh niên Online