Cô bé 12 tuổi bỏ học bán phá lấu nuôi mẹ ung thư ở Sài Gòn


Hỏi em về một ước mơ trong tương lai, em thỏ thẻ: “Giờ em và anh hai chỉ cố gắng bán để có tiền chữa bệnh cho mẹ, và đi học lại”.

Gần đây, người dùng mạng xã hội đang nhắc đến một cô bé phải nghỉ học để bán phá lấu kiếm tiền nuôi mẹ bị bệnh, những người biết đến cô bé này đều không tiếc lời khen ngợi. Để biết thêm về câu chuyện của em, chúng tôi đã đến thăm và được biết mẹ em mắc bệnh ung thưbàng quang. Em và người anh trai phải thay mẹ gánh vác gia đình, vì vậy bé gái ấy nghỉ học để cùng anh trai của mình đi bán phá lấu, nghề gia truyền của mẹ.

Cô bé ngoan hiền đó là Huỳnh Thanh Thảo (SN 2003, quê Củ Chi, TP. HCM), theo mẹ bán phá lấu bò từ bé, nên em làm việc khá lành nghề. Khách vừa đến Thảo đã thoăn thoắt chạy vào bàn hỏi thăm, múc nước súp và mang ra bàn, kiêm luôn công việc thu tiền khi khách ăn xong. Ai đến quán cũng ấn tượng với Thảo, một cô bé dáng tròn trĩnh, gương mặt bầu bĩnh mũm mĩm, luôn nở nụ cười với khách đến ăn.

Thường ngày, cứ 13h trưa Thảo cùng mẹ đến bán trong một con hẻm đường Nguyễn Thành Ý (đối diện Trường THCS Nguyễn Văn Ơn, Q.1, TP. HCM). Khoảng một năm trước, mẹ của Thảo là bà Trần Thị Tư (56 tuổi) thường xuyên đau yếu, mệt mỏi, nhưng vẫn cố gắng đi bán. Gắng gượng không nổi, bà được gia đình đưa đến bệnh viện khám bệnh và biết được bà bị tiểu đường, có khối u bàng quang nhưng không được chữa trị kịp thời nên đã chuyển sang ung thư

phu-me-1

Từ khi biết mẹ bị ung thư, Thảo cùng anh ruột của mình thay mẹ đi bán.

phu-me-2

Vì thấy anh Tài lạ nên mọi người ít ghé qua, nhưng biết được bà Tư bị ung thư, biết Thảo phải nghỉ học để đi bán với anh, ai cũng cảm động.

Gia đình gom hết tiền dành dụm, mượn thêm những người xung quanh để đưa bà Tư đi nhập viện. Thế nhưng vài tháng trước, do sức khỏe quá yếu, gia đình cũng đã không còn chi phí nên bà Tư xin bệnh viện cho về nhà. Chủ trọ biết được bà Tư bị bệnh viện “trả về” nên sợ bà chết trong phòng trọ, ảnh hưởng việc cho thuê phòng sau này nên đã đuổi gia đình bà ra khỏi nhà.

Anh Huỳnh Anh Tài (SN 1981, con bà Tư) ngậm ngùi: “Vì chủ đuổi quá bất ngờ nên cả nhà gồm 7 người, tôi, vợ tôi, hai đứa con, đứa em gái, mẹ và dì ruột kéo nhau đi hết nhà trọ này đến nhà trọ khác gần đó, nhưng ai cũng biết bệnh tình của mẹ nên không cho thuê, có người cho vào thuê rồi lại đuổi. Hơn 3 lần như thế chúng tôi mới được người ta thương tình, cho mướn căn nhà ở quận 4, để qua đây bán, tôi và đứa em gái phải tranh thủ từ sáng sớm mới kịp”.

phu-me-3

Mỗi tô phá lấu giá 20.000 đồng, được nấu bằng nước dừa và gạch tôm nên thơm phúc và rất nổi tiếng.

Theo anh Tài, bà Tư lúc xưa làm công nhân, sau đó được một người chị ruột truyền nghề nấu phá lấu bò, bà Tư học hỏi rồi đến Sài Gòn buôn bán. Thường ngày, cứ 4h sáng bà Tư đi chợ, mua lòng bò còn nóng hổi về thả chung với nước dừa, gạch tôm, ninh từ sáng đến trưa, và khi bán bếp cũng luôn đỏ lửa. Nhờ cách nấu này mà phá lấu của bà thơm ngon nức tiếng, lòng bò không dai cũng không quá nhừ, gạch tôm hòa quyện với nước dừa thơm phúc một góc phố.

Ban đầu bà Tư đẩy xe đi khắp các con đường ở Q.1, TP. HCM để bán, sau được người ta thương tình, cho bà để nhờ gánh hàng trước nhà. Từ đó bà bán tại một con hẻm trên đường Nguyễn Thành Ý đã hơn 20 năm nay, và mọi người quen gọi bà là bà Lấu, Tư Lấu.

Nhờ bán ngon và nhiệt tình, quán phá Lấu của bà Tư vừa mở ra đã kín khách, thế nên biết mình bị ung thư bà cũng không muốn nghỉ. Thấy mẹ mình cơ cực, anh Tài đang làm phụ hồ thì bỏ ngang để về kế nghiệp. Mấy tháng nay, anh cùng bé Thảo đi bán cho mẹ yên lòng.

phu-me-4

Bé Thảo tranh thủ dọn dẹp mỗi khi khách ăn xong.

Về bé Thảo, em phụ mẹ từ năm 8 tuổi nên đã khá quen thuộc với nghề, từ lúc bà Tư bệnh, Thảo đang học lớp 6 cũng bỏ ngang để phụ anh đi bán. Thảo xúc động: “Em và anh hai phải ráng bán để có tiền trị bệnh cho mẹ, em thích đi học và nhớ lớp, nhớ bạn bè, buồn lắm. Nhưng mỗi lần mẹ lên cơn đau em càng buồn hơn, hiện tại em muốn bán được thật nhiều phá lấu để giúp mẹ mua thuốc, khi mẹ đỡ bệnh em sẽ xin đi học lại”.

phu-me-5

Em cho rằng vì không đi học, không có nghề ổn định nên cuộc sống của mẹ mới rơi vào bế tắc khi bệnh tật kéo đến.

phu-me-6

Nhiều khách đến trễ không thưởng thức được phá lấu nhưng vẫn ân cần hỏi thăm, và vui vẻ chào em để ra về.

Cuộc sống của cả gia đình đều trông chờ vào nồi phá lấu gia truyền, ngày bán thì trông cậy vào ngày đi làm đi học của khách đến ăn, nên anh Tài chỉ bán được từ 13h trưa đến khoảng 18h30 các ngày trong tuần, thu nhập trung bình 300.000 đồng/ngày, nay bà Tư lại bị bệnh khiến cả nhà càng vất vả hơn.

phu-me-7

Nụ cười dễ mến của cô bé hiếu thảo.

Thương bà Tư ngày ngày cố gắng nén những cơn đau để tiết kiệm tiền thuốc, thương bé Thảo phải nghỉ học, ngày ngày cùng anh trai đi bán phá lấu để nuôi mẹ, khách quen của bà Tư ngoài việc hỏi thăm còn chia sẻ với bà chút ít chi phí để uống thuốc. Với bé Thảo, đó là cái ơn, cũng là cái nghĩa mà em nhận được. Em luôn ý thức được mọi người yêu thương thì em càng phải cố gắng hơn nữa để khách đến ăn luôn cảm thấy ngon lành và vui vẻ.

Nguồn: Kênh 14/Trí thức trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: