Cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam: Trở lại sân khấu hát lô tô đầy hạnh phúc!


Sau chục năm ngậm ngùi giã từ sân khấu vì tai biến, chật vật với cuộc sống khó khăn, cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam được một lần trở lại hát những câu ‘cờ ra con mấy’ trong hạnh phúc.

“Cô đào” chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam – Kỳ 2: Chích đại silicon thập niên 80

“Cô đào” chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam – Kỳ 3: Qua đường phận “đào” lô tô

Ước mơ một lần trở lại sân khấu cất câu hát “cờ ra con mấy” của Trang Kim Sa đã trở thành hiện thực
NGỌC DƯƠNG

Cách đây ít lâu, loạt bài viết về Trang Kim Sa (tên thật là Ngô Văn Sang, 75 tuổi), cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam, được đăng tải trên Báo Thanh Niên, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là giới nghệ sĩ lô tô.

Nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ sau đồng cảm cùng cuộc sống khó khăn của “bà hoàng” lô tô năm xưa và biến ước mơ được một lần trở lại sân khấu của Trang Kim Sa thành hiện thực.

Trang Kim Sa – “bà hoàng” trên các sân khấu lô tô Mây Xanh, Thanh Tuyền, Tố Quyên,… những năm cuối thế kỷ trước. Nửa đời người, bà rong ruổi cất tiếng hát khắp nơi, từ các tỉnh miền Tây cho đến Tây Ninh, Nha Trang, ngược ra tận Sơn La, Điện Biên, Bắc Ninh,…
HOÀI NHÂN

Bán vé số mỗi ngày, sống chật vật trong căn trọ ở đường số 13 (Q.Thủ Đức), bên cạnh Kim Sa chỉ còn bà Hai (tên thật là Lê Thị Kim Ngân, 66 tuổi), người bạn tri kỷ trong những năm tháng cuối đời
HOÀI NHÂN

Từng một thời, sân khấu lô tô nào có Trang Kim Sa trên những tấm áp phích quảng cáo là y như rằng đêm đó “cháy” vé. Nhưng chỉ sau một cơn tai biến ở tuổi 65, “bà hoàng” ngày nào đành ngậm ngùi giã từ sân khấu, sống không nhà cửa, không gia đình, không tiền bạc.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Kim Sa vẫn đẹp với nước da trắng ngần, sống mũi cao và đôi môi trái tim chúm chím. Người ta chỉ nhận ra đó là một “người đàn ông” khi bà cất giọng nói có phần trầm đục, kể về câu chuyện đời mình đã chôn vùi hàng năm tháng.

“Đang là chính mình, đang sống với cái nghiệp tổ đãi, tự dưng phải bỏ ngang, sao không tiếc, không buồn cho đặng… Trước khi nhắm mắt, tôi chỉ mong một lần được điểm phấn tô son, trở lại sân khấu, đứng kêu câu “cờ ra con mấy” là mãn nguyện rồi”, Kim Sa từng chia sẻ.

Đêm 28.11, ước mơ của Trang Kim Sa thành sự thật. Bà trở thành nhân vật chính trong show lô tô chủ đề “Đêm hội ngộ” của đoàn lô tô Hương Nam (TP.HCM). Trang Kim Sa sống lại cảm giác mình đã từng “làm mưa làm gió” trên các sân khấu lô tô từ Nam chí Bắc.

Đêm 28.11, Trang Kim Sa nghẹn ngào được các “hậu bối” đưa trở lại sân khấu sau chục năm giã từ “kiếp cầm ca”
NGỌC DƯƠNG

“Khoảng 3 giờ chiều, Su Su (trưởng đoàn lô tô Hương Nam) và 2 người khác trong đoàn đã đến tận nhà đón tôi sang nơi biểu diễn. Trước đó, nhiều đồng nghiệp thế hệ sau cũng nhiều lần tìm đến thăm hỏi, động viên tôi. Tôi vui vì các lớp đàn em, đàn cháu sau này vẫn trân quý cái nghề và những người làm nghề”, Trang Kim Sa xúc động.

17 giờ, Trang Kim Sa đến sân khấu, nằm trong một quán cà phê ở đường Đồng Nai (Q.10, TP.HCM) để chuẩn bị cho đêm diễn
NGỌC DƯƠNG

Đúng 19 giờ, buổi biểu diễn bắt đầu. Bà Sa ngồi tâm sự về câu chuyện thăng trầm của phận đời “thân sâu hồn bướm”, về nghề hát lô tô cùng trưởng đoàn Su Su (trái) và nghệ sĩ lô tô BB Phụng (phải)
NGỌC DƯƠNG

Kim Sa được các “hậu bối” trang điểm, làm tóc,… trước khi lên sân khấu. “Đêm hội ngộ” không có một nghệ sĩ nào khác cùng lứa với bà. Bà cho biết, họ đa phần đã mất hoặc không liên lạc được
NGỌC DƯƠNG

‘Cô đào’ Trang Kim Sa chia sẻ, bà chưa bao giờ quên cái lần đầu mặc đồ con gái, trát phấn tô son và nhìn mình trong gương. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, bà thấy mình hạnh phúc
NGỌC DƯƠNG

Đêm diễn có sự góp mặt của các ca sĩ nhiệt huyết trong đoàn lô tô Hương Nam như Tâm Thảo, Phạm Phương, Bội Nhi, Quang Thịnh,… Trên sân khấu nhỏ, điệu đàn và tiếng hát của những cô đào chuyển giới nhiều thế hệ ngân vang. Họ bước đi kiêu sa dưới ánh đèn màu trong sự tán dương của khán giả. Ít người hiểu được, họ đang mang trong mình biết bao nhiêu nỗi niềm của kiếp người “bóng gió”.

Trở lại thập niên 80, Trang Kim Sa chia sẻ, giới “bê-đê” như bà bắt đầu truyền tai nhau về những cuộc chuyển giới từ những người đồng tính sống ở nước ngoài. Nhưng hành trình thay đổi vào thời đó gian nan hơn bội phần: “Ai trong chúng tôi mà không khao khát có cơ thể của con gái. Vậy nên khi được bạn bè chuyển silicon từ nước ngoài về, chị em chúng tôi tự “làm” cho nhau hết. Có học cái gì đâu, chỉ có cái liều. Cứ mua kim về bơm đại vô, ngực rồi mông, rồi môi, má. Một là được sống đúng, hai là chết”.

Bà cũng nghẹn ngào bộc bạch: “Rồi chết, chết nhiều chứ. Chắc cũng… 20 chị em, kẻ đi trước, kẻ đi sau. Có người sốc thuốc chết ngay, có người vì xuống sức chết, cũng có người vì “ham to” mà chết. Tôi cũng thấy mệt, lâu lâu khó thở, sau đó đi khám thì thấy silicon đã chạy khắp người. May mà trời thương chưa bắt chầu Diêm Vương, để còn cống hiến cho nghề”.

Ca sĩ lô tô Hương Nga (áo hồng) tâm sự về nghề hát lô tô và nỗi niềm người chuyển giới
NGỌC DƯƠNG

Trang Kim Sa vui mừng khi thấy lô tô vẫn tồn tại trong thời hiện đại. Từ hình thức gõ song loan kêu cờ, lô tô đi vào các đoàn hội chợ, sau trở thành những gánh hát riêng, cho tới ngày hôm nay đã “thay hình đổi dạng” với các đêm diễn chuyên nghiệp, có chủ đề hẳn hoi
NGỌC DƯƠNG

Không quá nhiều khán giả, nhưng không ai bỏ về ngang trong suốt “đêm hội ngộ” kéo dài gần 5 giờ đồng hồ. Trang Kim Sa, Bích Thủy và thế hệ ca sĩ lô tô đàn em đã mang đến một không gian thực sự thu hút người xem
NGỌC DƯƠNG

“Tôi hát 3 ca khúc, trong đó có 2 bản “Aline”, “Man” bằng tiếng Pháp và bản nhạc chế “Cuộc đời bê-đê”. Rồi tôi cũng kêu cờ, tự thấy giọng mình vẫn còn tốt lắm! Tôi nhìn xuống khán giả, thấy họ đang chăm chú nhìn tôi và say sưa lắng nghe. Một vài người đưa tay lau nước mắt… Tôi tin rằng, càng ngày càng có nhiều người đồng cảm với những thân phận phải chịu nhiều thiệt thòi, nhiều sự kỳ thị của đời như chúng tôi, và yêu thích những đêm lô tô đầy màu sắc”, Trang Kim Sa bộc bạch.

Bà cho biết, trò lô tô đã ra đời trước đó rất lâu, nhưng chỉ dưới hình thức gõ song loan để kêu cờ. Các nhóm nhỏ lẻ ban đầu chỉ loanh quanh chơi nơi làng xóm, gia đình với nhau. Còn các đoàn hội chợ chỉ mở vào dịp Tết với trò chơi có thưởng lớn nhất là đuổi bọ cùng các trò thông thường khác. Về sau, lô tô mới được đưa vào các đoàn hội chợ này và nhanh chóng trở thành trò chơi hấp dẫn mọi người.

“Tôi thực sự trân trọng và biết ơn các bạn trẻ đang làm sống lại không gian lô tô giữa Sài Gòn, nhưng bằng một cách đầy hiện đại. Các bạn giờ đây chỉ diễn vào cuối tuần hoặc một tuần hai ba hôm, còn xưa chúng tôi đêm nào cũng hát, nên không thể có chủ đề cụ thể và luôn làm mới như các bạn được. Bù lại, chúng tôi lang bạt khắp nơi, không ngại bất cứ vùng sâu, hẻm xa nào. Điều kiện mỗi thời mỗi khác, hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, nhưng tất cả thế hệ nghệ sĩ lô tô đều có một điểm chung, đó là cái “máu” nghề, hết mình làm vui cho đời bằng lời ca tiếng hát. Và hơn cả, là không bao giờ để nghệ thuật lô tô mai một hay chỉ còn trong ký ức”, Trang Kim Sa bộc bạch.

Trang Kim Sa bồi hồi xem lại những khoảnh khắc mình cất tiếng hát trên sân khấu. Sau “Đêm hội ngộ”, bà tiếp tục hát trong “Đêm gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ lô tô Trang Kim Sa” của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời 
HOÀI NHÂN

Hai đêm diễn cũng đã quyên góp được một số tiền giúp cô đào trang trải cuộc sống khó khăn
HOÀI NHÂN

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: