(2SaiGon) – Sau Thương xá Tax, đến cầu Nhị Thiên Đường rồi bây giờ là Công Trường Quách Thị Trang… sẽ không còn nữa. Có lẽ đã là người Sài Gòn chắc không ai không có một chút ngậm ngùi trước những cuộc chia ly như thế. Cầu Nhị Thiên Đường – thiên đường tuổi thơ tôi Câu chuyện về những cuộc chia ly trong ngày Sài Gòn cuối năm Tôi có thói quen đi làm từ rất sớm để nhìn Sài Gòn tinh mơ vắng vẻ, thoáng đảng và yên bình. Bởi vì đó mới chính là Sài Gòn của tôi, của những người Sài Gòn mà giọt máu từ cuống nhau thai đã hòa tan vào mảnh đất này. Tuột xuống xe buýt, công việc đầu tiên của tôi là nhìn về phía cái vòng xoay (đơn giản là để canh xe đặng băng qua đường). Nói vậy cho vui, cho bớt nỗi niềm trước một cuộc chia ly. Cái vòng xoay (chứ không phải vòng xuyến) ấy cho đến hôm nay có thể được xem như địa chỉ cuối cùng còn giữ được cái nét rất riêng của Sài Gòn mà tôi đoan chắc rằng không có người Sài Gòn nào không đặt chân hoặc ít nhất là một lần đi ngang qua nơi đây. Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, đây còn là điểm dạo chơi vào dip Tết, ngày lễ hay đơn giản chỉ là để ngồi đó, ngắm người ta qua lại, ngắm những con đường hun hút bóng cây, những tòa nhà xưa cũ mang đậm dấu ấn của một dòng kiến trúc phương Tây. Còn trong ký ức tuổi thơ tôi thì khoảng không gian dưới chân tượng đài Trần Nguyên Hãn và tấm thảm hoa rực rỡ kia… luôn luôn trỗi dậy mỗi khi qua đây. Cũng giống như rất nhiều tượng đài được đặt giữa các vòng xoay ở Sài Gòn dùng để tôn vinh các vị anh hùng dân tộc nhưng tượng đài Trần Nguyên Hãn uy nghi lẫm liệt, trên tay cầm con chim bồ câu, mặc áo giáp sắt phi ngựa giữa sa trường với tôi còn có một tình cảm đặc biệt. Hồi đó, ba tôi vốn là một quân nhân thuộc binh chủng Truyền tin. Nhiều lần, ba đã kể cho tôi nghe chuyện về ông Trần Nguyên Hãn được lấy làm thủy tổ của binh chủng Truyền tin. Ba kể chuyện ông bị quân Minh vây hãm tại thành Võ Ninh. Nhờ có con chim bồcâu mang thư cầu cứu đến Bình Định Vương Lê Lợi mà ông và binh lính được quân tiếp viện đến phá vỡ vòng vây giải cứu. Mặc dù chi tiết này tôi đã được học trong môn Lịch sử ở nhà trường nhưng tôi vẫn thích thú, say sưa ngồi nghe ba kể. Cuối năm 2014, trong khi tượng đài Trần Nguyên Hãn được đưa về công viên Phú Lâm, thì pho tượng nữ liệt sĩ Quách Thị Trang được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp. Khi đó cơ quan tôi nằm kề sát bên Bách Tùng Diệp, mỗi ngà y qua đây cà phê, nhìn bức tượng bán thân nằm trong một góc công viên giữa hanh hao nắng gió, tôi vẫn hay nghĩ về thân phận, về lòng bao dung… Lẩn thẩn mà rằng nhờ có lòng bao dung của người Sài Gòn, bức tượng mới được tạc nên. Và không biết ở thiên đường ( tôi tin những người còn trinh trắng sẽ được lên thiên đường), chị sẽ nghĩ gì về thân phận của một… tượng đá. Sài Gòn mất đi tượng đài Trần Nguyên Hãn, mất đi tượng Quách Thị Trang là mỗi người Sài Gòn như mất đi một phần đời , một hình ảnh đầy ắp kỷ niệm, khiến cho hàng triệu con tim người Sài Gòn thổn thức, huống hồ nay cả một cái công trường Quách Thị Trang – cái bùng binh Sài Gòn – cái vòng xoay Bến Thành – cũng phút chốt mà biến mất. Từ cuối năm 2014, tượng Quách Thị Trang được dời về công viên Bách tùng Diệp Trước một cuộc chia ly, người ta thường tự an ủi mình: Đó là quy luật cuộc sống. Thôi thì cứ xem như đây là quy luật khắc nghiệt của sự phát triển. Hãy nhìn vềviễn cảnh một bộ mặt Sài Gòn đổi mới với một nhà ga ngầm hiện đại để nguôi ngoai . Cuối cùng, cũng giống như mọi khi, tôi thường hay mượn lời một ai đó để kết thúc câu chuyện của mình vì tôi chỉ giỏi lan man dây cà dây muống. Lần này tôi xin mượn câu nói của một đồng nghiệp để nói lên nỗi lòng của người Sài Gòn với công viên Quách Thị Trang: “tình cũ – làm sao quên?”. Ừ! Tình cũ làm sao quên. Mà người Sài Gòn thì nhiều tình cũ lắm. NGÔ THỊ THU VÂN