Giám đốc, ông chủ ở TP.HCM nghỉ việc đi bốc vác hàng cứu trợ


Sau khi hoàn thành mỗi chuyến xe chở cơm, rau củ quả miễn phí đến cho người nghèo, điều các chủ cửa hàng, giám đốc này mong nhận về chỉ là nụ cười, cái vẫy tay, lời cảm ơn bình dị.

Sau khi test nhanh Covid-19 theo lịch trình 3 ngày/lần và có kết quả âm tính, anh Dương Đức Định (sinh năm 1987), giám đốc một khách sạn ở TP.HCM, yên tâm trở về nhà.

Vừa tắm rửa, ăn cơm xong, anh thấy trưởng nhóm “Phản ứng nhanh Sài Gòn, chống Covid-19” (PUN Sài Gòn) thông báo có xe rau củ hơn 20 tấn từ Đà Lạt tiếp tế cho người dân TP.HCM cần được dỡ xuống gấp để hôm sau chở đi phân phát cho các bếp ăn, khu cách ly.

Dù đã hơn 23h, anh Định nhanh chóng lái xe đi. Tại điểm tập kết, khoảng 20-25 thành viên khác của nhóm cũng có mặt. Không ai bảo ai, tất cả khẩn trương bốc hết số hàng.

Đồng hồ chỉ 1h sáng, cả nhóm về nghỉ ngơi để 6h trở lại, hoàn thành nốt khâu vận chuyển.

 Các thành viên nhóm PUN Sài Gòn dùng xe cá nhân để vận chuyển hàng trăm chuyến hàng miễn phí mỗi ngày ở TP.HCM.

Không riêng anh Định, hầu hết thành viên của nhóm PUN Sài Gòn đều là giám đốc doanh nghiệp, chủ cửa hàng. Khi dịch bùng phát trở lại ở TP.HCM, những ông chủ này dùng xe cá nhân, tự bỏ tiền túi lo xăng, dầu để tình nguyện vận chuyển hàng cứu trợ bất kể ngày đêm.

Tất cả cùng chung một mục đích: “Góp sức để Sài Gòn sớm khỏe lại”.

Ăn nhanh, nghỉ vội

Chia sẻ với Zing, anh Minh Hải (28 tuổi), chủ doanh nghiệp kinh doanh sơn nước, trưởng nhóm, cho biết PUN Sài Gòn được thành lập từ tháng 4, dưới sự cho phép của Thành Đoàn TP.HCM.

Từ khoảng 10 người tham gia ban đầu, nhóm hiện có 93 thành viên, đa phần dùng xe cá nhân.

Bên cạnh đội xe hỗ trợ chở hàng hóa, nhu yếu phẩm do mạnh thường quân ủng hộ tới bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, nhóm còn có đội phun khử khuẩn miễn phí và bếp cơm từ thiện.

Đều đặn 22h, ban điều hành nhóm đăng kế hoạch vận chuyển hàng cho ngày mai để các thành viên “chốt đơn”. Có người đăng ký chở 4-5 chuyến/ngày vì tiện đường.

Với tư cách là trưởng nhóm, anh Hải chịu trách nhiệm quản lý chung, lo giấy tờ cho anh em di chuyển trên đường và giám sát bếp ăn. Những ngày cao điểm, anh làm việc từ 7h tới 2h sáng hôm sau, nhận hàng trăm cuộc điện thoại xin rau củ quả mỗi ngày.

Sau 4 tháng đi vào hoạt động, nhóm hiện có 93 thành viên, đa phần dùng xe cá nhân để vận chuyển hàng.

Khi cảm thấy quá căng thẳng, anh Hải lái xe qua bếp PUN để điều phối công việc cho mọi người. Nếu có đơn hàng, anh sẽ chở tới khu cách ly hoặc đi phát cho bà con.

“Mỗi ngày, riêng bếp của nhóm tôi nấu 3.000 suất ăn miễn phí. Cộng thêm các phần lấy từ nhiều bếp từ thiện khác, chúng tôi vận chuyển khoảng 10.000 suất cơm/ngày tới những bệnh viện dã chiến và địa điểm do Thành Đoàn cung cấp”, anh thông tin.

Để đảm bảo an toàn cho các thành viên khi thường xuyên ra vào bệnh viện, khu cách ly có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, tiêu chí của nhóm là không chở người lạ, tất cả tài xế đều mặc đồ bảo hộ đủ 6 món và phun khử khuẩn trước khi lên xe.

“Những ngày đầu, thấy chúng tôi mặc đồ bảo hộ kín mít đi vào các con hẻm, mọi người rất sợ. Sau đó, nhóm dán thêm logo trên xe, bà con rất vui mừng vì biết chúng tôi tới để mang cho họ những nắm rau, buồng chuối, củ quả. Nhìn mọi người cầm trên tay thực phẩm trong lúc đang thiếu thốn, anh em rất vui, quên hết mệt mỏi”, anh Hải nói.

Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, không nơi nào nhận nấu và bán cơm, các thành viên đội xe tự ăn sáng ở nhà bằng mì tôm, phở gói, bánh ngọt, uống sữa xong lên đường. Buổi trưa, họ không có giờ nghỉ, tranh thủ ăn ở bếp PUN rồi có đơn hàng lại đi tiếp.

Theo anh Hải, nhiều anh em thương bà con đói khổ nên chạy không biết mệt mỏi, quên cả ăn uống. Chuyện họ kiệt sức, phải dừng xe, nằm nghỉ tạm ở gốc cây, vệ đường rất bình thường. Có hôm trời mưa to, anh em mặc nguyên đồ bảo hộ, tập trung trên xe ngồi ăn suất cơm hộp một cách ngon lành dù đã nguội ngắt từ lâu.

Tài xế nhóm PUN Sài Gòn luôn ăn nhanh, nghỉ vội trong những ngày này.

Vì tính chất công việc khá nguy hiểm, anh Hải yêu cầu tất cả thành viên khi tham gia phải xin phép gia đình đồng ý. Một số anh em nhà có con nhỏ, vợ đang mang bầu chọn giải pháp tới khách sạn của một thành viên trong nhóm để cư trú.

Vốn là chủ doanh nghiệp, không mấy khi làm việc nặng nhọc, anh Hải thừa nhận những ngày đầu khá mệt và mỏi người.

“Do khi đó lượng xe ít, vừa nghe điện thoại, vừa đi bốc vác, nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, nhìn lại những gì mình đang cố gắng làm cho cộng đồng, tôi có động lực để tiếp tục. Giờ có sức tới đâu, tôi sẽ làm đến đó, có thể là khi Sài Gòn hết dịch hoặc đến khi nào mệt quá, không cõng nổi chi phí sẽ xin phép mọi người trước để nghỉ”, anh tâm sự.

Quên nghĩ tới bản thân

Thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện từ nhiều năm nay, anh Dương Đức Định lập tức đăng ký khi biết nhóm PUN Sài Gòn tuyển thành viên.

2 tháng nay, đều đặn 6h sáng, anh lái chiếc xe bán tải của mình đi vận chuyển rau củ quả, vật dụng cho bà con ở khu cách ly. Giống như hầu hết thành viên trong nhóm, anh di chuyển trên đường chỉ có một mình, đến nơi cũng tự bốc, tự xuống hàng.

Những ngày đầu, khi TP.HCM chưa giãn cách xã hội, anh Định có nhiều chuyến xe xuống Tiền Giang chở gạo. Do chưa bắt nhịp được với công việc mang vác nặng, anh khá mệt mỏi, uể oải.

“Nhưng đến giờ, việc ‘ăn sáng’ vài tấn rau củ quả, ‘ăn trưa’, ‘ăn tối’ vài tấn hàng nữa cũng trở nên bình thường”, anh cười nói.

Bên cạnh đó, việc mặc đồ bảo hộ kín mít cũng gây cho anh Định không ít khó khăn lúc ban đầu. Đó là cảm giác khó chịu, bật điều hòa trên xe số lớn nhất vẫn đầm đìa mồ hôi và bất tiện khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, hiểu rằng đó là cách giữ an toàn cho bản thân và mọi người, anh tập quen dần.

Anh Định một mình vận chuyển, bốc vác hàng lên và xuống xe.

Lo bà con phải chịu đói, khổ, mỗi khi nhận đơn, anh Định cố gắng di chuyển nhanh nhất để mang thực phẩm đến cho họ. Bởi vậy, anh quên cả việc chăm sóc bản thân.

“Thường tiện trên đường có mì gói, xin được nước ở điểm bốc hàng, tôi ăn tạm mì tôm úp hoặc bánh mì, hộp sữa, lương khô. Những hôm có cơm của bếp PUN hay các bếp từ thiện khác, tôi xin một suất bỏ lên xe, khi nào di chuyển đến điểm tập kết thì ăn vội vàng, chứ nhận đơn rồi thì không nghĩ phải ăn đã rồi mới đi”, anh kể.

Nhiều khi, trên đường di chuyển thấy kiệt sức, anh Định không cố chạy mà tấp vào lề chợp mắt để đảm bảo an toàn. Ở một số điểm lấy hàng có băng chuyền và người hỗ trợ, anh tranh thủ ra công viên, vỉa hè nghỉ tạm trong lúc chờ bốc lên xe.

“Chúng tôi chủ yếu là giám đốc doanh nghiệp, chủ cửa hàng, tự bỏ tiền túi ra mua xăng, dầu chạy xe không nghĩ gì. Nhưng đến nơi, chỉ cần bà con mang ly nước mát ra mời, vẫy tay chào khi về hay nhắn tin cảm ơn cũng đủ khiến chúng tôi thấy vui và tiêu tan mọi mệt mỏi. Khi đi qua các chốt kiểm soát dịch, các chiến sĩ cũng vẫy tay chào, cho xe đi. Mọi người đồng lòng như thế, anh em thấy rất khỏe”, anh nói.

Với anh Định, những giấc ngủ tranh thủ ở công viên, vỉa hè đã trở nên quen thuộc. Việc cả người ướt đẫm mồ hôi vì mặc đồ bảo hộ, bốc vác hàng nhiều tiếng cũng không phải vấn đề lớn với giám đốc 34 tuổi.

Nhà có khách sạn, anh Định mời thành viên trong nhóm có nhu cầu đến ở để cách ly với gia đình. Anh nói công việc kinh doanh bị ảnh hưởng suốt 2 năm qua nên thêm vài tháng nữa cũng không phải là vấn đề quá lớn.

“Tôi chỉ mong góp chút công sức để bà con bớt khó khăn, cả nước sớm chiến thắng dịch để trở về cuộc sống bình thường. Tôi sẽ đồng hành với mọi người đến khi nào chiến dịch kết thúc. Nếu không vì lý do sức khỏe, cá nhân thì chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dừng lại”, giám đốc 34 tuổi nói.

Anh em đều sút cân

Trong số thành viên của PUN Sài Gòn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Linh và anh Nguyễn Thanh Vân (cùng sinh năm 1985), kinh doanh ngành may mặc, được gọi là “cặp đôi đặc biệt nhất nhóm” khi cả 2 đều tham gia hỗ trợ chở hàng miễn phí.

Trước dịch, anh chị điều hành nhóm thiện nguyện chuyên giúp đỡ người khó khăn, trẻ em mổ tim ở các tỉnh phía Nam. Khi Sài Gòn “đổ bệnh”, họ thấy khó chịu khi ngồi yên một chỗ.

“Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tôi cùng anh chị em hay làm thiện nguyện trăn trở làm gì để giúp quê hương. Sau đó, chúng tôi lập nhóm, liên kết với bạn Minh Hải. Hơn 1,5 tháng nay, hôm nào vợ chồng tôi cũng đi chở hàng với hội”, chị Linh nói với Zing.


Vợ chồng anh Thanh Vân – chị Mỹ Linh tình nguyện chở hàng đi khắp nơi ở TP.HCM.

Mỗi khi trưởng nhóm đăng bài, chị Linh ưu tiên “chốt” các đơn hàng đưa quà đến trẻ em mồ côi, người già neo đơn. Nhiều hôm, vợ chồng chị cũng nhận chở thiết bị y tế cho bệnh viện.

Trong khi các thành viên trong nhóm thường đi một mình, xe anh Vân – chị Linh đặc biệt nhất vì hai người đồng hành suốt 45 ngày qua.

Khi chưa có lệnh giới nghiêm, đôi vợ chồng thường đi từ 6h và trở về nhà lúc 21h-22h, có hôm 0h. Giờ tuân thủ theo quy định mới, khoảng 17h-18h, anh chị kết thúc công việc.

“Khi đi chở hàng, vợ chồng tôi hạn chế tiếp xúc gần với mọi người để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo và luôn bảo hộ kỹ càng, xịt khuẩn xe. Hầu hết chuyến hàng, chồng là người bốc vác chính, tôi phụ anh ấy. Vì dịch căng thẳng, lực lượng khuân vác ở nhiều nơi thiếu do tập trung cho các chốt trực phong tỏa”, chị Linh nói.

Càng đi nhiều, vợ chồng anh Vân – chị Linh càng có nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là những ngày TP.HCM chưa giãn cách xã hội, hai người chở 20-30 chuyến gạo từ Tiền Giang về cho bà con thành phố. Khi ấy, hàng quán không mở bán, việc ăn uống của họ khá vất vả, khi chỉ lót dạ bằng mì tôm sống, lúc là ổ bánh mì, cá hộp mang theo từ nhà.

Đó là khi anh chị xuống Phan Thiết chở hơn nửa tấn thanh long mang cho hàng nghìn bà con cách ly ở quận 8, cả đi và về chỉ trong vòng 6 tiếng.

Hai vợ chồng đồng hành trong mọi chuyến xe suốt 45 ngày qua.

45 ngày rong ruổi đi chở hàng, anh Vân – chị Linh đã thấm mệt. Tuy nhiên, thấy niềm vui hiện lên gương mặt bà con mỗi khi nhận mớ rau, túi gạo, trái cây mà mình mang đến, họ lại cố gắng tiếp tục.

Do không có thời gian nấu cơm ở nhà, đôi vợ chồng thường ăn ở bếp từ thiện. Nhiều khi làm việc vất vả, họ không nuốt nổi cơm.

“Anh em cả đội đều sụt ký vì khiêng vác, mặc đồ bảo hộ nhiều tiếng mỗi ngày. Chồng đã giảm 5 kg, còn tôi cũng sụt 3 kg”, chị kể.

Anh Vân – chị Linh có 2 con. Các em hiểu tính cha mẹ, ngày trước cũng nhiều lần đi theo làm thiện nguyện. Hiện, do dịch diễn biến phức tạp, anh chị không dám cho các con đi cùng, khi về nhà cũng hạn chế tiếp xúc.

“Anh em trong đội vẫn nói với nhau rằng khi nào Sài Gòn khỏe lại thì mới ngừng đi. Còn giờ có sức thì chưa thể dừng lại”, chị khẳng định.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: