Góc phố “Sám Tố” rực rỡ đèn lồng, một góc phần tư chiếc bánh Trung thu là những kỷ niệm mà nhiều người chỉ có thể hồi tưởng trong những ngày giãn cách xã hội năm nay. “Trung thu với tôi như đêm giao thừa. Mọi người đổ ra phố đi chơi, chụp ảnh, còn khu người Hoa nhà tôi nghi ngút hương khói cúng rằm”, Mỹ Thiên (29 tuổi) nhớ lại. Mùa trăng tháng 8 (âm lịch) năm 2021 rơi vào thời gian TP.HCM vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. Những điểm vui chơi mọi năm nhộn nhịp thì nay im ắng. Nhiều người trong lòng ít nhiều nhớ lại không khí Tết Trung thu đã qua. Hoài niệm một “Sám Tố” trong lòng phố Hoa Quang Mỹ Thiên sinh ra và lớn lên trong gia đình gốc Hoa ở quận 5. Đi dạo “Sám Tố” là một trong những truyền thống vui Trung thu của gia đình cô. Mỹ Thiên nghe người lớn kể, với người Hoa sinh sống ở TP.HCM, “Sám Tố” là cái tên quen thuộc họ gọi phố lồng đèn. Từ rất lâu con phố này có một rạp kịch hát Sám Tố nổi tiếng, sau này đóng cửa nhưng dân địa phương vẫn quen nói “đi chơi ở Sám Tố”. Hơn 20 năm nay, khu vực đường Lương Nhữ Học, Phú Định, Nguyễn Án (quận 5) trở thành phố lồng đèn với cả trăm hộ kinh doanh đèn Trung thu đủ loại, đặc biệt là các loại đèn truyền thống. Cận rằm tháng 8, những con phố này rực rỡ và tấp nập. Phố lồng đèn Lương Nhữ Học thu hút khách tham quan bởi nét cổ điển và đậm chất Việt từ những chiếc đèn giấy kiếng thủ công, bên cạnh đèn giấy xếp, đèn lồng vải và đèn điện tử. Ảnh: Ý Linh. “Trung thu thời thơ ấu, tôi cùng các anh chị em, bạn bè đi chơi phố lồng đèn sau bữa tối cùng gia đình. Phố hồi xưa không đông, chỉ thuần bán đèn, sau này có nhiều người đến thì nơi đây trở thành một địa điểm check-in đông đúc”, Mỹ Thiên kể. Quang Mỹ Thiên là thành viên sáng lập trang Facebook Chợ Lớn Downtown, nơi chia sẻ những thông tin về người gốc Hoa ở TP.HCM. Với tinh thần hướng về văn hóa gốc gác của mình, cô gái 29 tuổi ấp ủ 2 năm nay về việc phục dựng và truyền thông về khung cảnh Trung thu xưa cũ của Hoa kiều ở địa phương. “Giờ đây ở các khu phố có người Hoa sinh sống, cư dân vẫn tổ chức tiệc gia đình, phá cỗ, múa lân, rước đèn vào dịp Trung thu, nhưng quy mô không lớn. Tôi mong muốn tạo ra một sân chơi để nhiều người có thể tham gia, tìm hiểu lễ hội của chúng tôi, không chỉ người gốc Hoa mà cả người Việt”, Thiên cho hay. Dù đã làm mẹ, Thiên vẫn háo hức ra đường thưởng thức không khí Trung thu mỗi năm một lần. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, cô nàng dành thời gian sum vầy cùng gia đình. Gia đình Thiên đón Trung thu với ý nghĩa là tết đoàn viên, theo truyền thống Trung Hoa. Vài ngày trước đêm rằm, Thiên sẽ mua lồng đèn để đặt lên bàn thờ cúng rằm. Năm nay, gia đình Mỹ Thiên chưa mua được bánh Trung thu để cúng do những tiệm bánh quen của nhà cô đều đang đóng cửa. Sát ngày rằm, Thiên lướt mạng, chỉ hy vọng tìm mua được bánh, nếu may mắn cô mong mua thêm được một chiếc lồng đèn. Thèm hương vị bánh Trung thu truyền thống “Mới năm ngoái còn được ra phố xếp hàng mua bánh Trung thu đến nay ngỡ như lâu lắm rồi”, anh Tân Nhân (TP Thủ Đức) bồi hồi. Là một blogger ẩm thực, anh Nhân đã tìm và thưởng thức nhiều loại bánh Trung thu. Người đàn ông hơn 30 tuổi vẫn thích thú với hương vị bánh truyền thống từ thời bé. Những chiếc bánh Trung thu truyền thống có vị trí khó quên trong lòng anh Nhân. Ảnh: Tân Nhân. Nhớ lại những năm trước, anh còn tự mình đến tiệm, xếp hàng chờ mua bánh. Các tiệm sản xuất bánh có tuổi đời hơn nửa thế kỷ là nơi mỗi năm anh đều có mặt. “Cảm giác thật đặc biệt khi cầm trên tay hộp bánh nóng hổi vừa ra lò. Tôi cảm nhận lớp vỏ nhiều tầng xôm xốp, vị ngọt vừa phải của phần nhân hòa quyện cùng trứng muối, mang lại hương vị khó tả, đơn giản mà tinh tế”, anh Nhân mô tả chiếc bánh mua được ở tiệm có tuổi đời hơn 70 năm. Đó là bánh pía kiểu Hoa, được coi là đặc sản mùa Trung thu của người gốc Triều Châu, tương tự bánh nướng truyền thống của người Quảng Đông. Những Hoa kiều di dân đến TP.HCM đã mang theo tay nghề làm những loại bánh này, nay trở nên quen thuộc với người Việt. Song Trung thu năm nay anh Tân Nhân chỉ có thể xem lại ảnh và tưởng tượng lại hương vị của bánh. Theo anh tìm hiểu, hiện một số tiệm bánh nổi tiếng của người Hoa đang tạm ngưng sản xuất, vì là bánh tươi chỉ bán trong ngày, nên trong thời điểm này gặp khó. Trước rằm tháng 8 vài ngày, anh Nhân cảm thấy may mắn khi đã có trên tay một hộp 4 vị bánh từ một tiệm thâm niên hơn 50 năm ở TP.HCM. Bên cạnh đó, blogger ẩm thực này còn hứng thú với bánh Trung thu cách tân. Những chiếc bánh hiện đại đẹp mắt, đa dạng hương vị từ các thương hiệu trong và ngoài nước, các nhà hàng, khách sạn, cũng nằm trong danh sách “đặc sản mùa trăng” của anh. Không quên xóm lồng đèn thủ công lâu đời nhất Người dân quen đến các phố lồng đèn quận 5 để tham quan, nhưng không phải ai cũng biết nơi sản xuất phần lớn đèn lồng ở TP.HCM. Cư xá Phú Bình (quận 11) là xóm làm đèn thủ công đến nay đã hơn nửa thế kỷ, thu hút đông đảo tiểu thương lẫn du khách. “Tôi nhớ gần Trung thu năm 2019 vô tình lạc vào khu dân cư Phú Bình, thấy cả chục chiếc xe máy chất đống lồng đèn xanh đỏ, chạy ngang dọc trên đường. Tò mò đi theo, tôi đến được một căn nhà đang có những người mải mê tô vẽ chiếc đèn ông sao”, Ngọc Nhung (hướng dẫn viên du lịch, quận Bình Thạnh) nhớ lại. Đèn ông sao là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của người Việt Nam, đang có mặt ngày càng nhiều, góp phần tô điểm màu sắc Trung thu ở TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. Khoảng một tháng trước Trung thu là thời điểm nhộn nhịp nhất của xóm lồng đèn, dù chỉ còn hơn chục hộ giữ nghề. Nhưng từ khi đại dịch xuất hiện, không khí nơi đây không còn như trước. “Năm 2020 tôi quay lại xóm lồng đèn để chụp ảnh, vài hộ sản xuất gần đó đã đóng cửa. Tại căn nhà tôi từng đến 4 thành viên gia đình đang phân loại đèn từng kiểu ông sao, thỏ, gà, ngựa, bướm, chim công… Lượng đèn không chất cao kín sân như lần đầu tôi thấy”, Nhung kể. Nữ hướng dẫn viên dự định đưa làng nghề Phú Bình vào danh sách điểm tham quan cho du khách đến TP.HCM dịp Trung thu. Cô đã lỡ kế hoạch này từ năm ngoái đến năm nay. Nghề làm đèn thủ công đã dần mai một trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những loại đèn ngoại nhập đa đạng kiểu dáng và sắc màu. Qua 2 năm Covid-19 ở TP.HCM, không chỉ Nhung mà nhiều người khác lo lắng làng nghề Phú Bình sẽ chỉ còn là kỷ niệm của người dân. “Tôi mong cái xóm này được hỗ trợ và có động lực để duy trì. Vì còn đèn Trung thu tre giấy kiếng đỏ, là còn tuổi thơ trên đất Việt”, một thợ làm đèn ở xóm lồng đèn Phú Bình nói. Theo Zing News