Suốt mấy năm chăn trâu tại vùng Thủ Thiêm này, anh Tời sống cuộc sống không khác gì dân du mục. Toàn bộ tài sản của anh gói ghém trong chiếc xe gắn máy cà tàng. Người đàn ông 40 năm bán báo dạo, gặp được người bạn đời trong mơ Người đàn ông gần 20 năm săn rắn, bắt chuột ở Sài Gòn Buổi sáng, chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng bán đảo Thủ Thiêm thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). Công trường còn khá ngổn ngang. Nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên. Bên cạnh còn có nhiều vạt đất trống đầy cỏ dại, nhiều vũng nước lớn trong xanh. Một đàn trâu vài chục con nhởn nhơ gặm cỏ mặc cho công trình hối hả hoàn thành … Nghiệp… chăn trâu Giữa thành phố náo nhiệt, sự xuất hiện của đàn trâu bên trong một công trường rộng lớn như thế quả là một chuyện lạ. Chúng tôi đang ngơ ngác thì từ xa, một người đàn ông đi trên chiếc xe máy đang lùa một đàn trâu khác về nhập với bầy đang ăn cỏ. Đàn trâu của ông Tời trong công trường khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không dùng roi, chỉ có tiếng hò hét bầy trâu răm rắp nghe theo lệnh anh đi thành hàng dài băng qua vùng trũng đầy nước để tiến lên gò cao. Anh tách bầy theo đường tắt đón đầu chúng. 2 bầy trâu đã nhập làm một. Anh dựng xe tìm bóng mát ngồi nghỉ và quan sát chúng. “Bầy trâu này của anh?”, chúng tôi hỏi. Vâng của tôi đó. Nó có tất cả 32 con. Sau câu hỏi làm quen, chúng tôi được biết anh là Văn Đức Tời, 52 tuổi quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Gia đình anh gồm vợ và 4 con hiện sống và làm việc tại thị xã Dĩ An (Bình Dương). Anh Tời kể lại, năm 1995, anh vào làm việc tại một công ty ở Suối Tiên (Q.9). Được vài năm công ty chuyển về ngã tư 550 thuộc khu công nghiệp Sóng Thần 2 nên gia đình cũng chuyển theo. Hiện anh có nhà đất và cuộc sống ổn định ở Dĩ An (Bình Dương). Ông Tời ngồi trên xe máy lùa bầy trâu. Có cuộc sống ổn định, gia đình êm ấm nhưng theo lời anh – anh thích sống tự do không ràng buộc, xa lánh mọi phiền toái của cuộc sống hàng ngày. “Muốn được như thế thì không có gì hơn là … chăn trâu”, anh nói. Anh Tời kể tiếp, ở khu vực anh ở có nhiều đất trống đầy cỏ dại. Nhìn thấy mà tiếc nên anh đã vay vốn hùn hạp cùng vài người bạn ra tận Bình Thuận mua trâu về nuôi. Nuôi như thế nhưng có năm không lãi được một đồng, có năm được vài chục triệu chia ra thì cũng chẳng thấm vào đâu. Vậy là anh tách ra làm một mình. Anh lên tận Tây Ninh mua vài chục con trâu về thả. Những con trâu này có nguồn gốc từ Campuchia, vốn là trâu gầy nên anh chỉ cần vỗ béo trong vài tháng là có thể xuất bán được. Thế là anh theo nghiệp… chăn trâu từ đó. Hàng ngày anh theo đàn trâu lang thang qua hết cánh đồng này sang bãi đất khác. Cuộc sống an nhiên tự tại. Không bon chen, không đấu đá, cứ thế mà vui. Tuy nhiên ở khu vực anh sống chỉ đủ cỏ về mùa mưa. Mùa nắng phải đi cắt cỏ nhiều nơi rất xa, rất vất vả mới đủ cỏ cho trâu ăn. Anh muốn tìm một nơi có thể có đủ cỏ quanh năm. “Ai bảo chăn trâu là khổ” Năm 2014, anh tìm đến công trường xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án này có diện tích 657 ha. Mặt bằng đã giải tỏa xong. Công trình chưa khởi công. Cỏ mọc khắp nơi. Quan sát kỹ, anh Tời nhận thấy nơi đây cỏ rất nhiều, rất tốt. Có nhiều loại cỏ bổ dưỡng cho trâu. Vậy là anh quyết định đưa đàn trâu của mình về đây sinh sống. Nhìn kỹ bầy trâu anh sẽ thấy có khoảng 10 con mập ú, bụng to. Đó là những con trâu cái đang có thai. “Anh nghĩ xem, làm mãi rồi cứ đi trả lãi miết thôi. Đã nhiều năm nay tôi vẫn chưa có một số vốn nhất định. Mỗi lần mua trâu phải vay vốn. Bán trâu trả lãi chỉ còn lại một ít chẳng thấm vào đâu. Giờ đây, tôi đang tính đến chuyện cho trâu sinh sản thành một bầy trâu của mình mà không phải bỏ vốn ra mua. Cứ thế may ra mới sống được”, anh Tời bày tỏ với chúng tôi. Anh Văn Đức Tời với bầy trâu. Suốt mấy năm chăn trâu tại vùng Thủ Thiêm này, anh Tời sống cuộc sống không khác gì dân du mục. Toàn bộ tài sản của anh gói ghém trong chiếc xe gắn máy cà tàng. Ban ngày trâu đi tới đâu anh đi tới đó. Ban đêm, anh tập trung trâu lại đốt lửa vừa sưởi ấm vừa ngăn muỗi cho trâu. Anh không có chỗ ngủ nhất định. Khi thì vào ống cống, lúc thì nằm bờ đê thậm chí có lúc anh nằm ngay trên bãi cỏ. Trên xe anh lúc nào cũng có hộp nhang muỗi. Chỉ cần đốt khoanh nhang lên xua muỗi đi anh có thể đánh một giấc tới sáng rồi tiếp tục dẫn trâu đi. Chiếc xe máy là phương tiên di chuyển. Trên xe anh Tời mang theo nhiều vật dụng cá nhân. Hộp nhang muỗi (trong vòng tròn) luôn theo bên anh. Bữa ăn của anh cũng đơn giản. Anh góp gạo với những người bảo vệ công trình rồi anh đi đánh bắt cá. Những năm đầu tiên mới đến, mặt nước còn nhiều, có ngày anh đánh được cả vài chục kg. “Ăn không hết cá thì bán, tôi cũng có thêm đồng ra đồng vào”, anh nói. Cuộc sống cứ thế mà kéo dài hết năm này qua năm nọ. Bán lứa này anh mua ngay lứa khác. Anh Tời nói: “Cái nghiệp chăn trâu đã ngấm vào máu tôi lúc nào không hay. Tôi không ham cuộc sống thị thành đầy những toan tính. Bà xã và các con tôi nhiều lần bảo tôi trở về với gia đình nhưng tôi chưa muốn. Chỉ khi nào không còn đủ sức thì hẵng hay chứ bây giờ vui với đàn trâu trong không gian thoáng đãng trong lành, tránh xa mọi thị phi, ung dung tự tại không phải là một cuộc sống tốt đẹp sao anh”, anh bộc bạch. Theo vietnamnet