(2SaiGon) – Vừa rồi thằng em tôi ở quê trèo cây vú sửa hái trái, chẳng may bị té chấn thương khá nặng được đưa từ quê thẳng lên Sài Gòn nhập viện. Nghe tin, tôi hỏi thăm “nó nằm đâu”. Vợ nó trả lời : “nhà thương Chợ Rẫy”. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại hai chữ Nhà thương. Những bệnh viện hơn 1 thế kỷ ở Sài Gòn ngày ấy – bây giờ TP.HCM công bố 10 bệnh viện tốt nhất và tệ nhất Bệnh viện nhi hiện đại nhất nước bắt đầu hoạt động Thời Pháp thuộc bảng hiệu treo trước cổng các bệnh viện thường được ghi bằng tiếng Pháp là hospital. Sau đó được thay bằng tiếng Việt là bệnh viện. Tìm mãi không thấy bảng hiệu nơi nào ghi là nhà thương. Nhưng người Sài Gòn đã có hằng trăm năm (bây giờ vẫn có người còn gọi) cái nơi để điều trị bệnh là nhà thương. Vì sao? Vì đó là cái nhà “chứa đựng” tình thương thứ hai sau ngôi nhà riêng của mỗi người. Vì ở nơi đó con người ta đối xử với nhau bằng tình thương. Mới hay khi đau ốm bênh hoạn, ngoài việc điều trị bệnh lý, cái người ta cần chính là tình thương. Nhà thương trước đây gồm có hai hệ thống chính là nhà thương công và nhà thương tư. Nhà thương tư do tư nhân lập ra, tất nhiên là có thu tiền. Còn nhà thương công là nơi bình đẳng cho mọi người, bệnh nhân vào khám và điều trị bệnh không tốn đồng xu nào nên nơi này còn được gọi là nhà thương thí. Chữ thí hiểu theo nghĩa “bố thí” của nhà Phật chứ không hề mang ý nghĩa miệt thị người nghèo. Cũng như nhà thương chuyên trị bệnh tâm thần Chợ Quán thường được người dân gọi là nhà thương điên với đầy đủ sự triều mến, san sẻ chứ không phải do thiếu tế nhị hay phân biệt đối xử gì cả. Nhà thương thí tuy có chật chội, thiếu tiện nghi một chút, nhưng bù lại nơi đây thường tập trung các giáo sư, bác sĩ ưu tú, trang thiết bị hiện đại, thuốc men đầy đủ phong phú nên các ca bệnh nặng ngặt nghèo cuối cùng cũng phải vô đây Những bệnh viện mà không người Sài Gòn nào không biết: 1 – Bệnh viện Chợ Rẫy 2- Bệnh viện Hồng Bàng 3- Bệnh viện Chợ Quán 4- Bệnh viện Nhi Đồng 5- Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất) 6- Bệnh viện Hùng Vương 7- Bảo sanh viện Từ Dũ Ngày nay, ngay cả dân Sài Gòn cũng ít người còn gọi bệnh viện là nhà thương. Hy vọng rằng đó chỉ là sự thay đổi về thói quen ngôn ngữ chứ không phải do nhà thương đã trở thành “nhà ghét” như dân gian vẫn hay trào phúng. Lương Gia Cát Tường