Những thợ chụp ảnh dạo ở TP.HCM như ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi) không còn nhiều, bản thân ông cũng gặp khó khăn khi cố bám trụ với nghề, nhất là trong đại dịch. Buổi chiều ngày thứ 5, ông Nguyễn Văn Diên – thợ chụp ảnh dạo trước Bưu điện TP.HCM – khá bất ngờ khi nhiều phóng viên tìm đến hỏi chuyện. Cứ 20-30 phút, chiếc điện thoại “cục gạch” của ông lại rung chuông một lần vì những cuộc gọi hỏi thăm. Câu chuyện về người đàn ông U80 đã có hơn 30 năm chụp ảnh dạo ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố bất ngờ được chú ý sau một bài chia sẻ mới đây trên mạng. Từ đây, nhiều người biết đến và muốn trở thành khách hàng của ông Diên. “Hàng chục năm qua, tôi đều ngồi ở đây. Nhiều người đi qua nhưng ít người chú ý. Nay bất ngờ có đến 5-6 người hỏi thăm rồi chụp ảnh. Có thêm khách, thêm người đến nói chuyện cùng, tôi thấy vui lắm”, ông Diên vui vẻ kể với Zing. Ép sát chiếc xe Honda Dream Thái trên vách tường vỉa hè, thợ chụp ảnh 79 tuổi căng tấm bìa carton có viết dòng chữ “xe bán” rồi tiếp lời: “Chỉ mong khách đông được thêm vài ba hôm nữa để còn giữ được món ‘bảo bối’ này”. Ông Diên chụp ảnh tại Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố từ 8-11h và 15-17h tất cả ngày trong tuần. Qua rồi thời vàng son Cứ 8h sáng hàng ngày, ông Diên lại đánh xe từ khu nhà trọ ở quận 8 vào trung tâm thành phố. Bộ đồ nghề cũng là món tài sản giá trị nhất của ông chỉ gồm máy ảnh Canon 30D, máy in ảnh và một tập giấy in. Chiếc máy ảnh và máy in cũng hơn chục năm tuổi, đã sờn và xước nhiều nhưng theo thợ chụp hình thì vẫn còn xài tốt. Trong chiếc cặp xách cũ của ông Diên còn có khoảng 20-30 tấm ảnh của khách đã trả tiền song không thấy đến lấy. “Nhiều tấm chụp đã 10 năm nay tôi vẫn giữ lại và mang theo mỗi ngày, phòng khi có người hỏi đến”. Ông Diên kể mình theo nghề chụp ảnh từ những năm 1960-1970. Trước đó, ông cũng làm đủ nghề, buôn ba từ quê nhà ở Bình Định cho đến Phú Quốc rồi cuối cùng lại quyết định gắn bó với mảnh đất Sài thành. “Trong khoảng những năm 1990, tôi theo học nhiếp ảnh ở hội nhiếp ảnh thành phố. Ban đầu cũng chụp từ đám cưới cho đến đám tang rồi mới chuyển về chụp ở Nguyễn Huệ, Bưu điện thành phố và Nhà thờ Đức Bà khoảng 20-30 năm trước cho đến hiện tại”. Theo nghề nhiều năm, ông Diên kể mình đã trải qua thời hưng thịnh nhất cho đến ngày mai một của những “phó máy dạo”. Khoảng 10-20 năm trước, thợ ảnh nhiều mà nhu cầu của khách hàng cũng lớn. Đó là lúc những người như ông Diên vẫn còn có thể sống tốt với nghề. Đa số khách đều hài lòng với những bức ảnh ông Diên chụp. Thế nhưng, thời vàng son cũng qua mau. Sự bùng nổ của các loại smartphone, máy ảnh trong những năm gần đây đã dần thu nhỏ “nồi cơm” của những người chụp hình dạo. Thu nhập bấp bênh cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cũng chẳng còn thiết tha, mặn nồng gì với cái nghiệp này. “Cứ mỗi năm lại thấy bớt đi vài người. Đam mê mấy thì cũng phải đủ sống mới làm nổi, nghề gì cũng vậy”, ông Diên nói. Vài người còn sót lại như ông Diên vốn đã khó kiếm sống nay càng chật vật hơn trong mùa Covid-19. “Từ khi đạt dịch bùng phát, mỗi ngày chỉ có khoảng 1-2 khách. Họ đi qua thấy thương thì mới gọi lại chụp thôi”. Tiền chụp 20.000 đồng/tấm cũng không đủ để mua dụng cụ in hình, lo sinh hoạt phí nên ông Diên phải nghĩ đến chuyện bán đi tài sản quý nhất là chiếc xe máy. Thấy thương cho hoàn cảnh khó khăn của người đàn ông gần 80 tuổi, chủ nhà ở quận 8 đã miễn tiền trọ cho ông Diên trong nhiều tháng qua. “Vẫn còn những người tốt lắm. Tất cả những sự giúp đỡ đó tôi đều ghi nhớ và trân quý đến hết cuộc đời này”. Bộ đồ nghề gói gọn trong một chiếc cặp xách của ông Diên. “Ảnh có nét hoài cổ rất riêng” Ông Đặng Văn Tuấn (sinh năm 1968) quen biết ông Diên từ năm 2000 khi còn theo nghề chụp hình dạo khu vực Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà. Ông Tuấn kể ông Diên vừa là người thầy đầu tiên vừa là người anh mà ông rất quý trọng lúc mới vào nghề. “Tôi quý anh ấy bởi cái tình hiền lành, thật thà. Tôi nhớ giai đoạn đó có rất nhiều thợ ảnh tập trung về khu này. Khách không nhiều nhưng thợ ảnh thì lắm. Thế mà, chưa bao giờ tôi thấy anh Diên chụp giật hay tranh giành khách với ai cả”, ông Tuấn kể. Khi nghề chụp dạo bắt đầu mai một, giống như nhiều người khác, ông Tuấn cũng tìm kiếm cơ hội làm ăn tốt hơn. Dù vậy, sau hơn 20 năm, ông và ông Diên vẫn giữ được tình bạn, tình anh em gắn bó. “Cứ lâu lâu có dịp là tôi lại ghé sang khu này thăm lại ông bạn cũ. Mấy năm qua, thợ chụp ảnh cứ người này vào nghề rồi người khác lại bỏ nghề, riêng chỉ có anh Diên là vẫn vậy, vẫn bám trụ ở đây”. Ông Đặng Văn Tuấn (bên phải) hàn huyên với ông Diên trước Bưu điện thành phố. Chị Trần Thị Hoài Thơ (sinh năm 1982) tự nhận là một trong những “khách mối” của ông Diên. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua khu vực Bưu điện thành phố, chị lại ghé vào ủng hộ thợ ảnh 1-2 tấm. Những dịp lễ tết, chị Thơ còn dẫn theo cả chồng con hoặc bạn bè đến chụp. “Mình rất ưng ý những tấm ảnh chú Diên chụp. Chú chụp canh góc, bố cục rất chuẩn. Đôi lúc còn chỉ mình cách tạo dáng để đẹp hơn. Chiếc máy in ảnh khá cũ rồi nên màu không được tươi tắn lắm nhưng lại mang một nét gì đó rất riêng, rất hoài cổ”, chị Thơ cho biết. Biết đến ông Diên thông qua bài chia sẻ trên mạng xã hội, anh Trần Nguyễn Anh Tân đã đưa theo thú cưng đến với mong muốn lưu lại khoảnh khắc đặc biệt trên đường phố Sài Gòn vắng vẻ mùa dịch. “Mình cũng hay đi qua khu này nhưng trước đây lại không để ý thấy chú. Sau khi biết được hoàn cảnh của chú, mình cũng muốn ghé qua ủng hộ. Bây giờ có sẵn điện thoại muốn chụp sao cũng được, nhưng những tấm ảnh này có ý nghĩa hơn rất nhiều vì câu chuyện đặc biệt đằng sau đó”, anh Tân nói. Theo Zing News