Phiên tòa nước mắt


 Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Hoàng Văn Khải, bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố Hồ Chí Minh truy tố về hành vi “vi phạm các quy định về an toàn lao động…”, có thể gọi là phiên tòa của nước mắt. … 

Rơi nước mắt trước chuyện tình “lệch đũa” giữa Sài Gòn

Rớt nước mắt hình ảnh bà cụ ngồi giữa mưa nắng bán hoa mưu sinh

Nước mắt của vợ chồng bị cáo, nước mắt của các bị hại, và cả nước mắt của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, sau khi tuyên án…

Theo cáo trạng, thì Khải là chủ của một cơ sở chuyên sản xuất phân bón vô cơ tại quận 12. Để sản xuất được loại sản phẩm này, phải tiếp xúc với một số hóa chất nguy hiểm, dễ cháy nổ.

Do cẩu thả và thiếu hiểu biết, nên trong quá trình điều hành sản xuất, Hoàng Văn Khải đã mắc các lỗi về lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, dẫn đến việc không có các biện pháp để loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm cho người lao động trong môi trường làm việc có các hóa chất dễ cháy nổ, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động tại môi trường làm việc có yếu tố nguy hiểm.

Phiên ròa nước mắt...

Phiên ròa nước mắt…

Bản thân Khải chưa tham gia một khóa huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động nào. Cơ sở sản xuất của Khải không có người chuyên về an toàn, vệ sinh lao động. Những công nhân làm việc trong đó cũng không một ai được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Khải đã vi phạm các điều 138, 149 và 150 của Bộ luật Lao động.

Hậu quả là ngày 16/10/2014, đã xảy ra một vụ nổ tại cơ sở sản xuất, khiến chị Hoàng Thị Tươi, cháu gọi Khải bằng cậu ruột, và chị Nguyễn Thị Như Thơ, gọi Khải bằng dượng, chết tại chỗ.

Con của chị Tươi chết trên đường đi cấp cứu, ngoài ra, vụ nổ còn làm 5 người khác bị thương, tài sản của cơ sở sản xuất và của các hộ dân xung quanh bị hư hại, tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng.

Chủ tọa phiên tòa hỏi Khải:

– Bị cáo cho Hội đồng xét xử biết, sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã làm gì để khắc phục hậu quả?

Khải nức nở:

– Thưa quý tòa, sau khi vụ nổ xảy ra, bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra 120 triệu đồng, và giao nộp toàn bộ tài sản gồm nhà, đất, xe cho cơ quan điều tra kê biên, chờ sau khi tòa phán quyết, sẽ bán đi để thi hành án phần dân sự, và bồi thường cho các nạn nhân. Hiện tại bị cáo đang nuôi con của các nạn nhân.

Được Hội đồng xét xử hỏi, vợ Hoàng Văn Khải cũng khóc lóc, trình bày nguyện vọng của mình là muốn được đem toàn bộ tài sản để bồi thường cho các nạn nhân, dù sau vụ nổ, gia đình chị cũng rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Đại diện của các nạn nhân nghẹn ngào trình bày tại tòa: Hoàng Văn Khải là người thân của họ, là người đã tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân. Vụ án xảy ra là một điều không may. Vì vậy, họ tha thiết xin tòa giảm nhẹ hình phạt, cho Khải được hưởng án treo, để ông ta có điều kiện tiếp tục khắc phục hậu quả.

Trình bày quân điểm của mình về vụ án tại tòa, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo cho rằng lỗi phạm tội của bị cáo là lỗi vô ý. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã hết sức tích cực để khắc phục hậu quả. Tại tòa, bị cáo đã tỏ ra ăn năn. Đại diện của các bị hại cũng xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, đề nghị tòa khoan hồng, cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất.

Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Hoàng Văn Khải mức án từ 3 đến 5 năm tù.

Phần tuyên án, HĐXX nhận định Hoàng Văn Khải phạm tội lần đầu, do vô ý, do thiếu hiểu biết về pháp luật, nhưng đã không được chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tích cực khắc phục hậu quả, đã tự nguyện mang tài sản giao nộp cho cơ quan điều tra để bồi thường tiếp theo cho các nạn nhân và hiện tại đang nuôi con của họ.

Tại tòa, bị cáo đã ăn năn hối lỗi. Đại diện của các bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Từ những nhận định trên, tòa tuyên phạt bị cáo 3 năm tù, là mức thấp nhất trong đề nghị của Viện kiểm sát.

Trả lời báo chí sau phiên tòa, vị thẩm phán chủ tọa cho biết, những lời khai của bị cáo tại tòa cùng lời xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo của đại diện các bị hại khiến ông xúc động, trăn trở. Tuy đã vận dụng hết các quy định mà pháp luật cho phép, nhưng hậu quả của vụ án vô cùng nặng nề, nên không thể áp dụng mức án treo cho bị cáo được. Mắt ông đỏ hoe khi nói những lời này.

Vụ án là một bài học lớn cho cả lãnh đạo cũng như người lao động tại các cơ sở sản xuất có sử dụng hoặc tiếp xúc với những hóa chất và vật liệu nguy hiểm, dễ gây ra cháy nổ.

Trong những cơ sở này, việc đảm bảo an toàn lao động nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người lao động phải được đặt lên hàng đầu, bởi tính mạng và sức khỏe con người là vô giá.

Với Hoàng Văn Khải, chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật, vô ý trong việc đảm bảo an toàn lao động mà chỉ trong phút chốc, người chết, cả cơ nghiệp lẫn sự nghiệp đều sạch không, bản thân mắc vòng lao lý, thật là đau xót.

 Theo nongnghiep.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: