Có một nơi mà tiếng lèo xèo chiên bánh làm nhịp để cô chủ quán ngân nga những tình khúc vượt thời gian, mặc cho những bất hạnh mà cô đã từng gánh. Nơi độc nhất ở Sài Gòn bà chủ quán đọc rap tính tiền siêu đúng Xe bánh mì phá lấu 60 năm tại góc phố Sài Gòn Khi mà âm thanh ồn ào của khu chợ, tiếng lách tách của bếp lửa và tiếng lèo xèo của chảo chiên bánh được hòa chung với tình khúc nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh… trong phút chốc khách hàng ngỡ như mình đang ngồi trong một phòng trà thay vì một hàng quán vỉa hè. “Ô hay mắt tình lại buồn hay sao Khi anh đã nguyện một đời yêu em Dù cho nét son môi phai mờ Dù cho mắt xanh kia hững hờ Và dù năm tháng phôi pha…” Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và cô Lưu Thị Bạch Tuyết (53 tuổi) được gọi vui là “nữ danh ca” của quán bánh xèo được bắt đầu bằng những giai điệu ngân nga của ca khúc “Chờ Đông” (sáng tác Trần Thiện Thanh) ngay giữa những chen chúc ồn ào của khu chợ Gò Vấp đã về chiều. Quán vỉa hè có cái tên rất “thơ”: Bánh xèo, bánh cóng “Văn nghệ” Cứ đến khu chợ Gò Vấp hỏi thăm quán bánh xèo Văn Nghệ nức tiếng của cô Tuyết thì người dân quanh đây chẳng ai còn xa lạ. Quán có tuổi đời ngót nghét 22 năm, nhưng bao năm qua chưa khi nào vắng khách. Kể về góc quán nhỏ của mình, cô Tuyết bộc bạch: “Ngày trước cũng đâu ai dạy nghề, chỉ là ăn thấy sao rồi về làm lại. Nhờ khách ăn góp ý sửa đổi, rồi từ bán bánh xèo cô bán thêm bánh khọt, bánh cóng như ngày hôm nay”. Ở cả 3 loại bánh đều được chiên vàng giòn, nhân bánh đầy đặn, rau và nước chấm ăn kèm được cho thêm thoải mái. Bánh của cô chưa hẳn là ngon nhất Sài thành nhưng cách chế biến luôn được chăm chút tỉ mỉ, điều này người ăn dễ dàng cảm nhận được. Đều đặn mỗi ngày, quán mở bán từ 1h trưa đến 9h tối, cao điểm nhất là khoảng 5h chiều, khách đến ăn nườm nượp, người mua mang về tấp nập cả một khúc đường. Theo bật mí của cô Tuyết mỗi ngày quán bán 500 – 600 bánh xèo, hơn 100 bánh cóng, còn về bánh khọt, chúng tôi buộc miệng hỏi thăm: “Chắc cũng phải lên đến 1.000 cái hả cô”,nghe vậy cô Tuyết chỉ cười cười. Ngoài bột và tôm thì bánh khọt còn được cho thêm trứng, thịt để hấp dẫn thực khách. Dù là khi bận tay chiên bánh hay khách đã thưa dần thì chẳng hôm nào quán vắng đi tiếng say sưa đàn hát. “Cả nhà ai cũng có máu văn nghệ: Mẹ của cô trước kia cũng biết chơi đàn Mandolin, anh Ba thì mê guitar, cô thỉnh thoảng cũng có sinh hoạt văn nghệ cho phường. Hễ cứ rảnh là anh em đàn hát, nhiều khách thấy vậy cũng vào hát chung luôn, vui lắm”. Khách đến quán vì thích vị bánh xèo bánh cóng rồi cũng từ từ sinh “nghiện” giọng hát ngọt ngào truyền cảm của cô chủ quán. Vậy mà khi chúng tôi đặt câu hỏi, có định tham gia các cuộc thi hát hay biểu diễn ở các phòng trà, cô Tuyết chỉ bật cười: “Ngày còn trẻ thì không có điều kiện, đến giờ cũng lớn tuổi rồi. Chủ yếu hát hò lúc rảnh tay cho thấy đời thêm thi vị mà thôi”. Mọi người hay gọi vui cô Tuyết là Khánh Ly của khu chợ Gò Vấp. Trong một lần nghe đàn hát, một vị khách Tây dẫu đang ăn vẫn đứng dậy bỏ 20.000 đồng vào chiếc hộp vì tưởng đâu anh em cô đang biểu diễn văn nghệ đường phố. Hạnh phúc giản đơn đằng sau chảo dầu bếp lửa Hết nhanh nhẹn làm bánh lại đon đả chào mời, vậy mà ít ai biết rằng cô chủ quán bánh xèo Văn Nghệ luôn đông khách mỗi ngày lại từng bị sốt bại liệt từ năm lên 2. “Cô chỉ nghe mẹ kể rằng, sau cơn sốt ấy thì tay trái và chân phải cử động yếu đi thấy rõ. Mọi sinh hoạt từ đó trở nên khó khăn hơn. Nhưng trời cũng còn thương, di chứng để lại không nhiều, mình vẫn còn có thể đi lại cầm nắm”. Hơn 10 năm nay, cô Tuyết đã dành nhiều thời gian để dạy nghề cho một nhân viên chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Hiện cô gái này đang là bếp chính của quán. Cũng vì mang trong mình mặc cảm di chứng, nên mãi đến khi xuân sắc đã bước qua “hàng băm” thì chuyện hạnh phúc lứa đôi mới thật sự mỉm cười. Cô lúc đó là một người phụ nữ ngoài 30 làm nghề buôn bán nhỏ. Còn chú có công việc ổn định với tấm bằng danh giá của Đại học tổng hợp TP HCM. “Ban đầu cô cũng e dè về di chứng, về học thức. Giai đoạn đó tốt nghiệp Đại học là điều quý lắm, trong khi cô chỉ có điều kiện học hết lớp 10 thôi. Vậy mà, cũng gắn bó nhau hai mươi mấy năm nay”. Rồi trong ánh mắt lấp lánh hạnh phúc khi kể về người đàn ông của cuộc đời mình, cô Tuyết bật cười giòn tan “khoe” với chúng tôi về ngôi nhà được cả hai gom góp cùng mua, về đám cưới do một tay chú lo liệu, về tình cảm vẹn nguyên ngay từ lúc mới cưới đến mấy mươi năm sau vẫn ngọt ngào tròn đầy. 22 năm cần mẫn bên quán bánh xèo vỉa hè với tấm bạt tạm bợ lắm lúc xiêu vẹo vì giông gió, cũng là ngần ấy thời gian cô Tuyết đứng đằng sau vun vén cho sự nghiệp ổn định của người bạn đời và chăm lo ăn học đủ đầy cho 2 cậu con trai: chồng cô hiện tại đang làm việc cho một hãng ô tô lớn của Nhật, cậu con trai lớn đã bước sang năm cuối đại học, con trai nhỏ lanh lợi cũng đã bắt đầu lớp 3. Nguồn thu từ quán ăn vỉa hè còn giúp gia đình có của ăn của để và “tậu” thêm vài căn nhà. “Nhìn cô vậy thôi chứ chồng con lúc nào cũng tươm tất” – cô cười hề hề rồi cởi vành nón lá, quẹt vội những giọt mồ hôi lấm tấm rơi. Quán bánh xèo, bánh khọt, bánh cóng theo kiểu miền Tây chưa hẳn đã hợp khẩu vị của nhiều người, không gian phố chợ ồn ào tiếng còi xe cũng chẳng phải nơi lí tưởng để thưởng thức những bản tình ca. Thế nhưng cứ mỗi lúc chiều buông người ta lại thấy cô chủ quán thỉnh thoảng tạch lưỡi vì quên lời, trách hờn anh trai đàn sai tông, vậy mà mấy mươi năm qua những giai điệu tình ca vẫn đều đặn vang lên như cách cô kể về chính cuộc đời mình. “Ta quen biết nhau khi tàn xuân Ta yêu thiết tha khi hè sang Và khi thu đến anh gom ánh sao Cho đêm đêm kết thành vương miện Để mùa đông đám cưới đôi mình…” Theo Saostar