“Ngày xưa chợ này nhiều người bán trầu cau, tụ hội thành một dãy dài, vui lắm. Mấy người đó già, chết gần hết trơn rồi, con cái không ai theo nghiệp nữa”, bà Nguyễn Thị Minh Nương tâm sự. Phố bán trầu cau hơn nửa thế kỷ còn sót lại của Sài Gòn Ngồi đợi khách mua trầu ở đầu ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn, bà Nương hồi tưởng: “Tui theo má ra ngồi ở ở đây bán trầu cau từ lúc là con bé mới 9 tuổi, lúc Sài Gòn còn xe ngựa, nhà cửa không cao tầng như bây giờ. Bà già tui bán buổi sáng, tui thay phiên bán buổi chiều. Năm nay tui 61 tuổi, tính ra tui ngồi góc chợ này cũng ngót nghét 52 năm rồi đó. Bà già tui cũng gần 90 tuổi, không còn buôn bán gì nổi nữa”. Trên nửa thế kỷ bà Nương gắn bó với miếng trầu, trái cau ở đầu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) iọng buồn buồn đầy tiếc nuối, bà Nương nhớ về thời hoàng kim của nghề bán trầu, cau: “Cách đây chừng ba chục năm thôi, mấy bà già vẫn có thói quen ăn trầu, xỉa thuốc. Răng người nào cũng đen mun, không trắng bóc như bây giờ. Miếng trầu là đầu câu chuyện nên những người bán trầu khấm khá lắm”. “Giờ cũng ít còn ai ăn trầu. Cả chợ Bà Chiểu này, hiện chỉ còn 4 người còn bán trầu cau thôi”, bà Nương nói. Người phụ nữ này bán trầu từ lúc tục ăn trầu là nét văn hóa của Nam Bộ, cho đến lúc mai một, dần như biến mất Bà Nương cho biết, hơn nửa thế kỷ trôi qua, hằng ngày bà lấy trầu, cau, vôi… ở vườn trầu Bà Điểm, Hóc Môn, từ sáng sớm mang ra đầu chợ này bày bán. Hiện nay, bữa nào buôn may bán đắt, bà bán được 5 ký trầu, vài trăm trái cau. Giá trầu bà Nương bán trung bình 150 ngàn/ký, tùy loại. Cau bán theo chục, giá từ 30 ngàn-50 ngàn/chục. Khách hàng chủ yếu mua trầu, cau để làm thuốc (theo lời bà Nương dùng hãm nước sôi uống để trị bệnh Gút), làm sính lễ trong cưới hỏi, cúng chùa… “Đám cưới thì không thể nào thiếu được miếng trầu, miếng cau nên tui vẫn còn bán được. Trầu cau bây giờ chủ yếu chỉ là vật mang tính lễ nghĩa, chứ hiếm có người ăn”, bà Nương cho biết. Trời đứng bóng, chợ lưa thưa người, bà Nương chuẩn bị về nhà ăn cơm. Chị My, con gái út của bà Nương ra chợ thay má ngồi bán. Cũng như má mình, chị Nương cho biết cũng theo “nghiệp” bán trầu từ lúc còn nhỏ xíu. Xấp tiền lẻ bán trầu cau trên tay bà Nương cuối phiên chợ sáng Một cơn mưa bất ngờ ập đến, chợ trưa vắng người, càng đìu hiu hơn. Bà Nương nán lại, co ro trong góc nhỏ, chờ mưa dứt hạt. Bà Nương cười, nói đầy tự tin: “Coi vậy chứ bán trầu không phải dễ đâu nghen. Phải có duyên mới bán được. Không tin chú ngồi thử bán coi có ai mua không?”. Bà Nương gọi nghề bán trầu cau là “duyên”, còn con gái bà gọi là “nghiệp” Chia tay má con bà Nương, chúng tôi qua sạp trầu cau kế bên của chị Võ Thị Mai. Chị Mai cho biết mình quê gốc ở Bình Dương, theo ba má vào Sài Gòn lập nghiệp từ nhỏ. “Tui theo nghề này lúc 16 tuổi. Năm nay tui đã 57 tuổi, hơn nửa đời người rồi đó. Tính ra tui cũng là dân kỳ cựu bán trầu cau của cái chợ này”, chị Mai cười đùa. Tay nâng niu từng lá trầu xanh, trái cau tròn sắp xếp vào chiếc khay đan bằng tre, trang trí thêm vài bông cúc phía trên, chị Mai nói: “Mỗi lẵng trầu cau đẹp như vậy, giá chỉ 80 ngàn thôi, nhưng chỉ bán chạy vào những ngày rằm, mùa cưới, dịp tết. Còn những ngày thường chỉ vài lẵng”. Chị Mai cười buồn: “Hiện nay 10 bà già, chắc chỉ còn 1 bà ăn trầu. Thế hệ đó rơi rụng hết, chắc không còn ai ăn nữa”. Nghe chị Mai nói vậy, chúng tôi hỏi: “Vậy chị có tính chuyển nghề không? Hay tiếp tục bán đến khi nào?” Chị Mai cười giòn: “Tui bán khi nào không còn sức nữa thì thôi. Lá trầu, trái cau, miếng vôi… đã nuôi sống gia đình tui, bao năm nay. Tui mang ơn nó. Dù người ta có xao lãng tục ăn trầu thì tui cũng không bao giờ dám coi thường, có ý từ bỏ nghề đã gắn bó suốt mấy chục năm nay đâu”. Chợ Bà Chiểu là ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn, thứ gì cũng có bán. Những người bán trầu, cau chỉ còn lác đác, đếm được trên đầu ngón tay Chị Mai bùi ngùi: “Thế hệ ăn trầu đã già yếu, đa phần đã ra đi. Người bán trầu cũng trong tình cảnh tre già, măng chưa mọc. Tui chỉ sợ đến một lúc nào đó sẽ không còn ai bán trầu, cau nữa. Điều đó đang diễn ra. Không tin anh cứ thử đi một vòng các chợ ở Sài Gòn đi. Muốn mua miếng trầu, miếng cau, không phải chợ nào cũng có bán đâu. Chợ Bà Chiểu gần như lớn nhất Sài Gòn mà chỉ còn lác đác vài người theo nghề, số lượng còn đếm được trên một bàn tay”. Hai người phụ nữ còn sót lại ở chợ Bà Chiểu lưu giữ tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” Chị Võ Thị Mai đang nâng niu từng lá trầu, trái cau cho vào giỏ, trang trí bán cho khách Khách mua trầu cau ngày càng thưa vắng trong thời buổi công nghệ. Tục ăn trầu gần như biến mất, cùng nhiều giá trị tinh thần khác Trầu được têm sẵn chờ người mua Vài năm nữa, có khi nào những hình ảnh này chỉ còn là dĩ vãng? Thế hệ trẻ chỉ còn biết vôi trắng, đỏ và lá trầu miếng cau qua sách vở? Theo news.skydoor