Không chỉ dừng lại ở mục tiêu phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành, TP.HCM đang muốn nối một dải đại lộ từ sông Sài Gòn tới sông Đồng Nai, kết nối toàn vùng Đông Nam bộ. Sông Sài Gòn kéo tới đâu, nối đô thị tới đó Vừa qua, tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kết nối khu vực Đông Nam bộ. TP.HCM định hướng tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn NGỌC DƯƠNG Trên quan điểm chung rằng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương, các tỉnh thống nhất giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM chủ trì, phối hợp đơn vị tư vấn và các địa phương trong vùng nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa…) với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn. Quy hoạch này sẽ được báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Trước đó, khi giao Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án tuyến đường ven sông Sài Gòn, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cũng đã lưu ý phạm vi nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn sẽ kéo dài đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh; nghiên cứu giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh để phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối vùng. Trả lời Thanh Niên sáng 11.8, ông Trần Quang Lâm cho biết: Định hướng chung là sẽ tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn (đã được đầu tư) để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông. Mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn kết nối giữa các tỉnh Đông Nam bộ, không những thuận lợi về mặt giao thông mà phải đảm bảo cảnh quan đô thị đẹp, phục vụ du lịch, tương xứng với tiềm năng của sông Sài Gòn. Sở GTVT đang phối hợp với Sở QH-KT TP.HCM và Sở GTVT các tỉnh để rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo các hướng tuyến bổ sung khả thi. Quan điểm là các tuyến đường bám theo bờ sông Sài Gòn. Tùy theo thực trạng đô thị dọc sông cũng như khả năng điều chỉnh quy hoạch, khả năng phát triển không gian để xác định vị trí của hướng tuyến. Không nhất thiết bố trí 1 dạng mặt cắt ngang trên toàn tuyến. Kiểu dáng, kết cấu của bờ kè cũng cần tính toán để linh hoạt xây dựng không gian ven sông. Có thể đoạn 4 làn đường nhưng cũng có đoạn làm 6 làn, 8 làn. Ngoài ra, sông Sài Gòn (từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2 km kéo dài thêm đến Bến Củi) có nhiều đoạn cong, khúc khuỷu nên tuyến đường ven sông không nhất thiết bám sát bờ sông. Quan trọng là đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án. “Việc đồng bộ hai bên bờ sông cũng như phát triển đô thị trên đoạn này đang có nhiều thuận lợi. Ở TP.HCM có đoạn từ khu công viên Mũi Đèn Đỏ dọc về cảng Nhà Rồng – Khánh Hội khi di dời cảng cũng sẽ là cơ hội để thực hiện ngay đô thị dọc sông với nhiều chức năng hỗn hợp như thương mại, logistics, hình thành cảng, bến thủy du lịch… Hoặc trên địa bàn Củ Chi hoặc Tây Ninh có những dự án phát triển đô thị, du lịch thì cũng có thể gắn cùng các dự án giao thông… Nghĩa là đô thị dọc sông sẽ được triển khai linh hoạt theo từng cơ hội. Không máy móc chờ làm 1 mạch tuyến đường dài mấy chục ki lô mét từ đây lên tận Tây Ninh”, ông Lâm thông tin thêm. TP.HCM đang muốn nối một dải đại lộ từ sông Sài Gòn tới sông Đồng Nai, kết nối toàn vùng Đông Nam bộ NGỌC DƯƠNG Dải đô thị từ TP.HCM đến Tây Ninh Theo một cán bộ thuộc Sở QH-KT TP.HCM, dự án đại lộ ven sông là một trong những ý tưởng được cân nhắc lựa chọn trong quy hoạch phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn mà đơn vị này đang được giao hoàn thiện. Cụ thể, giao thông gắn với bài toán khai thác đất đai, là một loại hạ tầng quan trọng gắn với chức năng sử dụng đất một cách hiệu quả. Trước đây, khi mở một con đường, người ta nghĩ tới khai thác khu đất, đó là đầu tư để phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện nay có thể cân nhắc để không cần mở đường to gấp 3, gấp 5 lần nhưng có thể dùng công nghệ, điều phối hợp lý để khai thác được tối đa công suất hạ tầng. Ngoài giao thông, dọc ven sông còn được gắn bài toán hạ tầng xanh, gồm kè sông, cầu tàu, cầu cảng, những diện tích kho bãi ven sông để phục vụ logistics. Bên cạnh đó, có một số khu vực có thể làm công viên cây xanh, chưa kể trường học, những trung tâm y tế sức khỏe cộng đồng, những hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ… Tính toán sơ bộ, với khoảng cách 100 – 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng 80 km sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dôi ra khoảng 3.100 – 5.000 ha, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha. Nếu tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảnh 60% quỹ đất trên thì TP có thêm 1.800 – 3.000 ha, tương đương với chỉ tiêu cây xanh 0,6 – 1,8 m2/người (tính với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân), cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh của nhóm theo quy chuẩn xây dựng VN và cao hơn gấp 1,22 – 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của TP. Với diện tích còn lại dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, chúng ta sẽ có 220 – 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm du khách, biểu diễn, sinh hoạt lễ hội… Một dải đô thị với nhiều chức năng kéo dài từ TP.HCM đến Tây Ninh sẽ mở ra không gian đô thị “đắt giá” cho toàn vùng Đông Nam bộ. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá chủ trương kết nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai, kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận là định hướng vô cùng đúng đắn. Nếu hình thành được tuyến đường này, TP.HCM sẽ có thêm con đường thứ 3 kết nối từ nội thành về phía tây bắc, xóa thế độc đạo cho QL22 hiện đang quá tải. Khi đó, QL22 từ ngã tư An Sương, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 (địa phận H.Hóc Môn) và đường ven sông từ chân cầu Sài Gòn sẽ trở thành 3 tuyến đường xuyên tâm kết nối TP.HCM với Tây Ninh. Khi đã về tới khu vực Q.Bình Thạnh tại ngã ba sông Vàm Thuật thì tại Q.12 (TP.HCM), tuyến ven sông còn đảm nhận chức năng như đường đô thị, hoàn thành tốt chức năng kết nối giao thông cả liên vùng và nội đô. Đa dạng phương án huy động vốn Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn đã được “thai nghén” từ năm 2017 bởi Tập đoàn Tuần Châu, trước khi chính thức chuyển giao ý tưởng cho Tập đoàn Đèo Cả vào tháng 5.2020. Theo thiết kế ban đầu, tuyến đại lộ này xuất phát từ cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đến cầu Bến Súc (H.Củ Chi) với tổng chiều dài khoảng 64 km, tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Chưa kể, theo tính toán của các chuyên gia, quy hoạch ven sông Sài Gòn cần tính lộ giới bờ sông từ ít nhất 50 – 200 m mới có đủ dư địa để phân khu chức năng cho nhiều loại hình hoạt động công cộng, văn hóa, kinh tế… Tuy nhiên, thực tế không hề đơn giản. Trong phụ lục Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM đã được UBND TP thông qua, các đồ án quy hoạch sông Sài Gòn đã kéo dài qua 8 quận, huyện, TP.Thủ Đức, chỉ còn 5 khu vực không có đồ án quy hoạch phân khu. Sở Xây dựng TP sau khi rà soát năm 2019 cũng ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó có 40 dự án hình thành trước khi Quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên. Để giải tỏa, di dời những công trình này không hề dễ dàng. Kế hoạch chỉnh trang đô thị ven các kênh rạch từ nay đến năm 2025 mà TP.HCM ban hành hồi cuối năm 2021 ước tính, ngân sách TP cần hơn 28.400 tỉ đồng (tương đương gần 1,3 tỉ USD) để di dời gần 14.000 hộ dân ven các kênh rạch. Với phương án mới kéo dài nối tới Bình Dương và Tây Ninh thì tổng mức đầu tư chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Ông Trần Quang Lâm nhận định muốn lên phương thức đầu tư thì phải có quy hoạch để xác định đoạn nào có thể thu hút xã hội hóa, đoạn nào gắn với dự án phát triển đô thị hoặc đoạn nào phải đầu tư bằng ngân sách. Về nguồn lực, hiện TP.HCM có nhiều phương thức. Hiện nay TP đã có cơ chế phát triển đô thị theo mô hình TOD (đô thị dựa theo hệ thống giao thông công cộng), sẽ có các loại hình khác như BT thanh toán bằng tiền, sắp tới xây dựng thêm đề án huy động nguồn lực từ trái phiếu… rất nhiều nguồn lực để làm. “Quan trọng nhất là phải có quy hoạch. Từ quy hoạch mới có kế hoạch triển khai chi tiết và xác định nguồn vốn để từng bước hình thành công trình này”, ông Lâm nói. Cũng bày tỏ lạc quan về tính khả thi trong phương án tài chính của dự án, ông Lê Hoàng Châu cho rằng làm đường ven sông, phần bồi thường, giải phóng mặt bằng ở mức thấp nhất vì tỉnh nào cũng đã quy định hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh, rạch, khu vực thi công chủ yếu ở các bãi bồi bờ sông. Ông Châu tự tin “giấc mơ” đại lộ ven sông Sài Gòn nối Đông Nam bộ hoàn toàn có thể làm được. TP.HCM tái khởi động 5 dự án BOT hơn 37.000 tỉ đồng Sở GTVT TP.HCM chuẩn bị trình UBND TP đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98. Theo đó, có 5 dự án khơi thông các cửa ngõ với tổng vốn hơn 37.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức BOT trong giai đoạn 2023 – 2030 được sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên gồm: QL1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An dài 9,6 km, được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng mức đầu tư gần 12.900 tỉ đồng); QL22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 40 m với kinh phí khoảng 3.609 tỉ đồng); QL13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu dài gần 5 km, được mở rộng lên 53 – 60 m, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng); trục đường Bắc – Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm dài 7,5 km, được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng) và cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và H.Bình Chánh dài 3,2 km, rộng 30 – 40 m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng). Theo Sở GTVT TP, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 vừa ban hành cho phép TP.HCM triển khai các dự án BOT trên đường hiện hữu. 5 dự án trên nếu được UBND TP thông qua sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong tháng 9 tới. TP.HCM cùng các tỉnh đang thực hiện quan điểm của quy hoạch mở rộng không gian kết nối, quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch vùng, bao gồm cả các đô thị vệ tinh. Tuyến đường ven sông cùng Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài không chỉ kết nối thuận tiện về giao thông mà còn mở ra tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, kéo theo nhiều lợi thế của vùng Đông Nam bộ gắn với đặc thù sông nước .- Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm Hình thành đô thị ven sông Có đường, quỹ đất hai bên sẽ được khai thác, chuyển đổi mục đích tạo ra những dự án đô thị, dân cư. Đô thị ven sông sẽ hình thành, tạo nguồn thu, kích thích các hoạt động kinh tế, du lịch. Bên cạnh đó, khu đô thị Tây Bắc cũng sẽ bắt đầu được khai phá, phát triển. Hai động lực này sẽ tạo nên đột phá cho nền kinh tế TP.HCM cũng như toàn vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới. Ngoài ra, tuyến đường còn giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm bờ sông và hình thành tuyến kè chống xói lở đôi bờ sông Sài Gòn cũng như sông Đồng Nai. Trước đây, các công trình thủy lợi làm lẻ mẻ, không đồng bộ, giờ có thể nắn dòng chảy, giải quyết hiệu quả sạt lở đôi bờ. – Ông Lê Hoàng Châu Theo Thanh Niên Online