Dân văn phòng khốn đốn vì combo tăng giá và thời tiết thất thường


Những ngày đầu tháng 6, nếu Hà Nội không mưa lớn gây ngập úng thì cũng nắng nóng khiến dân văn phòng khổ sở vì di chuyển, nhất là trong giờ tan tầm.

khon don vi bao gia anh 1

Đến công sở trong nhiệt độ thời tiết nắng nóng, Nguyễn Phương Huệ (27 tuổi, Hà Nội) ngán ngẩm vì lưng áo ướt sũng, đầu óc quay cuồng.

Nhà cô ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), trong khi nơi làm việc ở Ngã Tư Sở (quận Đống Đa). Quãng đường di chuyển không quá xa nhưng phải qua nhiều điểm tắc nghẽn. Đối với cô, đi làm vào mùa hè Hà Nội chẳng khác gì cực hình.

Thế nhưng, thời tiết Huệ sợ nhất vẫn là khi mưa lớn. Một lần, cô trên đường từ công ty về nhà thì trời mưa như trút nước. Không kịp tìm nơi tránh trú, Huệ mắc kẹt trên con đường ùn tắc, nước ngập ngang thân xe.

“Sau hôm dầm mưa, tôi ốm mất 2 ngày. Tôi ước được công ty cho làm từ xa”, cô chia sẻ với Zing.

Khốn đốn

Theo Phương Huệ, việc đi làm giờ đây không những tốn kém do bão giá mà còn mệt mỏi vì thời tiết liên tiếp nắng nóng hoặc mưa ngập.

Để tiết kiệm và tránh phải ra đường vào giờ ăn trưa, cô cùng đồng nghiệp thường đặt chung cơm từ ứng dụng giao hàng, áp dụng tất cả mã khuyến mại.

khon don vi bao gia anh 2
Phương Huệ mệt mỏi khi phải đi làm trong thời tiết nắng nóng hoặc mưa lớn. Ảnh: NVCC.

Nhưng nếu thời tiết nắng to hoặc mưa lớn, cách làm này cho thấy rõ hạn chế khi phí ship bị đẩy lên rất cao, đôi khi còn bị hủy đơn do thiếu tài xế.

“Công ty tôi nằm trong khu đô thị, xung quanh ít hàng quán, nếu có thì giá cả đều rất cao. Nhiều ngày, chúng tôi đặt đồ ăn trưa trên 3 ứng dụng mà đều bị báo không có tài xế. Cả nhóm đành che ô đi ăn ở hàng quán, chấp nhận mức giá 70.000 đồng/suất cơm”, cô kể.

Chung tâm trạng với Phương Huệ, Vũ Bích Hồng (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa khi nào thấy mệt mỏi đến vậy sau 2 năm đi làm.

Cô chán ngán cảnh đến công ty trong thời tiết nắng nóng, sau đó về nhà dưới cơn mưa tầm tã lúc tan tầm. Thậm chí, cô còn bị đau khớp cổ tay do phải chạy xe máy và chờ đợi quá lâu trên con đường ken đặc phương tiện, dưới là nước ngập, trên thì mưa xối xả.

“Tôi đi làm vào giờ hành chính, đường sá luôn đông đúc đến nghẹt thở. Nhiều lần tắc đường, tôi dừng xe cạnh chiếc ôtô, khí nóng từ xe phả ra làm đầu óc tôi xây xẩm như hạ đường huyết. Tôi bị ra mồ hôi tay khi trời quá nóng, phải cố miết chặt và giữ tay ga. Trời mưa, tôi càng khổ hơn khi phải chạy xe kiểu dập dình và giữ đều ga xe để khỏi chết máy. Giờ đây, tôi bị đau khớp cổ tay phải, gõ máy tính cũng bị ảnh hưởng”, cô thở dài.

Một số ngày, vừa thức dậy đã thấy trời mưa, Bích Hồng quyết định đi làm bằng xe công nghệ hoặc gọi taxi gần nhà.

khon don vi bao gia anh 3
Bích Hồng bị đau cổ tay do phải chạy xe máy đường dài trong thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: NVCC.

Cô cho biết cước xe đắt đỏ hơn nhiều so với việc tự di chuyển bằng xe máy, nhưng cô đành chấp nhận để giữ quần áo khô ráo và tránh cổ tay khỏi đau nhức.

“Đi từ nhà đến công ty, tôi mất khoảng 65.000-70.000 đồng cho một cuốc ôtô công nghệ sau khi áp mã giảm giá. Nhiều ngày, do tắc đường mà tôi chấm công muộn, mất luôn nửa ngày lương. Hai tháng nay, tôi mang cơm từ nhà, không dám ăn trưa ở hàng quán nữa, nếu không sẽ tốn gần hết ngày công chỉ tính riêng cho chi phí công sở”, cô nhẩm tính.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày và đêm 7/6, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục mưa lớn 30-60 mm, một số khu vực ghi nhận vũ lượng trên 100 mm.

Tuần này, miền Bắc mưa dông liên tục do khu vực chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp. Đây là đợt mưa lớn diện rộng và kéo dài đến khoảng ngày 11-12/6, thời gian tập trung từ chiều tối đến đêm.

Bản đồ dự báo cho thấy trong vòng 7 ngày tới (6-12/6), Hà Nội duy trì mức nhiệt 27-32 độ C, thời tiết dễ chịu hơn khi nhiệt độ giảm. Dù vậy, mưa dông xuất hiện liên tục trong tuần này kèm nguy cơ đi kèm lốc, sét và gió mạnh.

Trang dự báo Accuweather cho biết Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ tuần này không có ngày nào có nắng ráo. Thời tiết chủ đạo những ngày tới là âm u, nhiều mây và mưa.

Mắc kẹt trong mưa tan tầm

Trong khi đó, tại TP.HCM, Hồ Thúy Hạnh (25 tuổi) cũng cảm thấy mệt mỏi khi đối mặt với “combo” bão giá và thời tiết thất thường.

Nhiều ngày, cơn mưa lớn trút xuống đúng giờ tan sở, cô ướt sũng từ đầu đến chân và chỉ kịp lấy áo mưa che chắn chiếc balo chứa laptop. Trời mưa cũng khiến đường phố trở nên ùn tắc, cô mất đến hơn một tiếng, gấp đôi thời gian thông thường, mới về đến nhà.

“Những hôm trời mưa, tôi về nhà tắm rửa, ăn uống là vừa hết buổi tối, không kịp làm thêm việc gì”, cô kể.

Để đối phó với những cơn mưa thường xuất hiện vào giờ tan tầm, cô và đồng nghiệp chủ động ở lại công ty muộn hơn, tranh thủ cùng order đồ ăn tối. Dù việc ăn ngoài có phần tốn kém hơn so với bữa tối tại nhà, cô vẫn chấp nhận vì không muốn phải mắc kẹt trên đường phố trong cơn mưa lớn.

“Trời mưa, phí ship đắt đỏ hơn, các bác tài cũng giao đồ rất muộn. Một lần, tôi đặt đồ ăn lúc 17h30 nhưng 19h mới nhận được dù đơn hàng chỉ là vài chiếc bánh rán, quán ăn lại ngay cùng quận. Nhưng tôi chưa biết cách khắc phục nào khác, đành ‘sống chung với lũ’ như vậy”, cô chia sẻ.

Hoàng Anh (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đang cố gắng thuyết phục sếp để được phép làm việc tại nhà. Anh cam kết hoàn thành công việc đúng tiến độ, thậm chí làm thêm việc, miễn là không phải đi làm vào giờ cao điểm nắng nóng.

“Công ty ở quận 3, cách nhà tôi khoảng 15 km. Quãng đường đi làm như ‘đi đánh trận’ vì tôi phải qua nhiều khúc đường ùn tắc, ngột ngạt. Giá xăng ở mức rất cao, cứ đi làm vào những lúc cao điểm, tôi không biết tốn bao nhiêu xăng cho đủ”, anh than thở.

Giá cả bữa trưa cũng là một lý do khiến Hoàng Anh mong muốn được làm việc tại nhà. Trước đây, anh khá thoải mái ăn trưa gần cơ quan, đôi khi cùng đồng nghiệp bắt taxi đến quán ngon dùng bữa. Giờ đây, anh chủ yếu mang cơm từ nhà để đảm bảo tiết kiệm, no bụng.

“Tôi hy vọng công ty mình có quy định tăng lương hoặc hỗ trợ nhân viên trong tình hình giá cả tăng vọt thế này. Một số đơn vị khác, nhân sự được tăng chế độ cơm trưa hoặc cộng thêm tiền đi lại, di chuyển vào cuối tháng. Người lao động như tôi khó lòng yên tâm làm việc khi lạm phát cứ tăng lên mà lương vẫn như cũ”, anh bày tỏ.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: