Chợ Campuchia giữa lòng Sài Gòn


Nằm sâu trong con hẻm 374/51 Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) có một khu chợ (đối diện chợ Lê Hồng Phong) nổi tiếng chuyên buôn bán các mặt hàng có nguồn gốc từ xứ sở chùa tháp nên thường được gọi tên là “chợ Campuchia”.

15 ảnh hiếm về Sài Gòn-Chợ Lớn năm 1925

Cà phê Chợ đồ cổ: Nơi gặp gỡ những đam mê xe cổ của người Sài Gòn

Chợ Campuchia đã có mặt từ rất lâu trên đất Sài Gòn, các tiểu thương đa số là người Việt gốc Campuchia hoặc là những người Campuchia di cư sang Việt Nam sinh sống. Những mặt hàng buôn bán tại đây phần lớn được các tiểu thương nhập từ Campuchia sang, phần còn lại là đặc sản khu vực miền Tây. Đây cũng là một nét rất riêng biệt của chợ Campuchia so với nhiều ngôi chợ khác.

 Các mặt hàng khô ở chợ Campuchia.

Các mặt hàng khô ở chợ Campuchia.

Chợ Campuchia giữa lòng Sài Gòn

Các món đặc sản của Campuchia có mặt tại chợ này hầu hết là các loại cá khô, rau quả, đường thốt nốt, mắm bồ hóc, bánh chè… và các loại nhu yếu phẩm được nhập từ bên kia biên giới.

Hàng chục loại cá khô, nhái khô, bò khô, lạp xưởng… được xếp chồng lên nhau hoặc đóng gói trong bao bì hoặc treo trên sạp một cách đẹp mắt là bí quyết để thu hút khách hàng phải dừng chân lại xem mỗi khi đi ngang qua. Đặc biệt hơn, chính là mùi “thơm” của khô lan tỏa khắp chợ không lẫn vào đâu được, ai mà ngửi thấy cũng đều muốn mua về thưởng thức.

“Điều đặc biệt là các loại cá khô ở đây đều được đánh bắt ở Biển Hồ và được chế biến tại Campuchia. Chính vì thế nên cá khô được bán ở chợ này thịt dày, ít xương hoặc xương mềm còn thịt thì ngọt và đậm vị” – chị Nhung chia sẻ thêm.

Ngoài các loại khô, ở đây có một sạp rất đặc biệt bán thêm cả món bún rất nổi tiếng của người Campuchia. Sạp khô của chị Ngô Thị Thanh Mai kiêm luôn quán “Bún Num Bo Chóc” mang tên Tư Xê. Đây được xem là điểm hẹn của những người Campuchia sống xa quê, họ đến đây để tìm lại hương vị quê nhà bởi vì món bún ở đây được nấu đúng theo công thức của những người Campuchia chính gốc. Ngoài ra, nhiều người Việt cũng thường xuyên đến đây để trải nghiệm sự đặc sắc trong ẩm thực của người bạn hàng xóm.

Chị Thanh Mai cho biết: “Quán bún này của mẹ chị để lại và Tư Xê là tên của bà. Cha chị là người Campuchia còn mẹ là người Việt Chị mang quốc tịch Campuchia. Quán bún này chị được mẹ truyền lại với “công thức đặc biệt” gia truyền. Hương vị món bún hoàn toàn mang đậm bản sắc của đất nước quê chị”.

Ngoài khô, mắm hay bún thì các món chè của khu chợ này cũng là món đặc sản thu hút thực khách. Tại sạp chè cô Có với hơn 40 năm kinh nghiệm có đủ các loại chè như chè Campuchia, chè đậu trắng, chè Sin… Đặc biệt, món chè bí chưng hay còn gọi là chè trứng sữa và chè hột me là hai món chè “tủ” của người Campuchia, hầu như ai đến khu chợ này cũng phải tìm cho bằng được.

Những món ăn ngon ở chợ Campuchia.

Những món ăn ngon ở chợ Campuchia.

Chợ Campuchia đa dạng hàng hóa.

Chợ Campuchia đa dạng hàng hóa.

Bảo tồn văn hóa Campuchia giữa lòng Sài Gòn

Không chỉ người gốc Campuchia sinh sống và buôn bán, ở đây cũng là nơi tụ họp đông đúc của cộng đồng người Campuchia đang sinh sống khắp Sài Gòn mỗi khi nhớ món ăn quê nhà.

Chị Nhung (37 tuổi) một tiểu thương tại chợ cho biết: “Sạp của tôi đã bán được trên 45 năm. Từ năm 1970, sau khi mẹ tôi rời Campuchia về Việt Nam sinh sống thì bắt đầu công việc bán các mặt hàng tại chợ này. Vào thời điểm đó, những người sinh sống tại Campuchia quay về Việt Nam rất nhiều. Ban đầu, mẹ tôi cùng vài người nữa chỉ bán những món ăn đặc trưng của người Campuchia, nhưng sau vì nhu cầu của khách hàng ngày một tăng nên mẹ tôi và các tiểu thương khác nhập hàng từ bên Campuchia về để mở rộng quy mô buôn bán. Dần dần chợ được đông đảo mọi người biết đến và có được một thương hiệu riêng”.

Bà Trần Thị Thanh (73 tuổi) một khách hàng thân thiết của sạp Tư Xê cho biết: “Tôi rất thích ăn các món khô tại đây. Từ sau năm 70 tôi quay vềnước thì tôi vẫn thường xuyên ra đây để mua những món Campuchia để ăn. Các món ăn ở đây được nhập từ Campuchia về nên tôi cũng an tâm sử dụng. Cũng nhờ có chợ này mà tôi có thể tìm được món ăn quê nhà”.

Các tiểu thương cho biết, khu chợ này còn hoạt động đến ngày hôm nay là do cộng đồng người Campuchia sinh sống ở Việt Nam trao đổi qua lại ủng hộ nhau. Một lượng khách hàng lớn khác là khách du lịch nghe tiếng tăm của chợ đến tham quan và mua sắm. Cũng có một số Việt kiều từ Campuchia về thăm quê ghé vào đây để ủng hộ. Ngoài ra, nhiều mặt hàng còn được vận chuyển ra Hà Nội và một số nước khác.

Đến đây, khách hàng sẽ được thưởng thức và cảm nhận các loại đặc sản chính gốc từ Campuchia mà khó có thể tìm được ở những nơi khác. Ngoài ra, đây cũng là một nơi rất thích hợp cho việc tìm hiểu và học hỏi về văn hóa của nước bạn. Việc có một ngôi chợ của người Campuchia tồn tại giữa lòng Sài Gòn không chỉ thể hiện sự đa dạng trong văn hóa mua bán mà còn là một cách thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Theo nguoitieudung


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: