Ngay giữa lòng Sài Gòn có một chợ Nga (Russian Market), là nơi quy tụ những người từng sống và làm việc ở Nga, những người yêu nước Nga, là nơi du khách Nga tìm đến để vơi bớt nổi nhớ quê nhà. Là người xa xứ, sẽ là thiếu sót nếu không một lần ghé ngôi chợ này! Giai thoại kỳ thú về những ngôi chợ nổi tiếng của Sài Gòn xưa Đơn giản, chợ Nga là nơi những người có thân hình… “quá khổ” chọn mua quần áo giày dép. Đây cũng được xem là chợ quần áo lạnh lớn nhất Sài Gòn, nơi ghé mua sắm dành cho những người sắp đến vùng lạnh. Nằm trên Đại lộ Võ Văn Kiệt thuộc quận 1, TP. HCM, chợ Nga có gần 200 gian hàng chiếm trọn 3 tầng trong một trung tâm thương mại. Tại đây, mỗi ngày tiếp đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, mua đồ. Ngay từ ngoài nhìn vào, người ta nhận thấy ngay hình dáng nước Nga qua một cửa hàng lưu niệm được thiết kế giống phong cách một ngôi nhà trong những câu chuyện nước Nga. Có một chợ Nga nằm trong lòng Sài Gòn. Hàng hóa ở đây chủ yếu là quần áo, giày dép, nón, găng tay và hàng giữ ấm. Dạo một vòng, quần áo dù lớn hay nhỏ, size to quá khổ người Việt đều dán mác Made in Việt Nam. Anh Hùng, một tiểu thương nói rằng: “Quần áo ở đây chủ yếu là hàng may mặc do Việt Nam sản xuất và sẽ xuất khẩu sang Nga hoặc châu Âu. Do đó chủ yếu là size lớn không hợp với đa số người Việt”. Trên thực tế, không có nghĩa là người Việt không mua hàng ở đây. Nhiều người Việt có thân hình to lớn khó tìm được quần áo ở các shop thường đến đây tìm mua. Thời điểm chúng tôi ghé thăm chợ Nga vào buổi trưa, đa số khách là người Việt. Một bộ phận nhỏ là người nước ngoài. Hàng hóa chủ yếu là quần áo, giày dép. “Nói là chợ Nga vì chủ yếu bán đồ giữ ấm, chống rét là chính. Nhưng khách mua hàng ngoài người Việt còn có người Hàn, Canada hay mấy nước châu Âu. Những người Việt sắp đi xa, đến xứ lạnh như lao động ở Hàn, Nhật thường tìm đến mua. Nói chung khách đa dạng lắm”, một tiểu thương cho biết. Theo tư liệu, những năm 1990, khi các nước Đông Âu tan rã, nhu cầu hàng hóa, nhất là đồ giữ ấm của người dân Nga tăng cao. Một số du học sinh, tiểu thương Việt ở Nga nắm bắt được cơ hội nên đã nhờ người thân gửi hàng từ Sài Gòn sang Nga buôn bán kiếm lời. Đồng thời, nhu cầu trao đổi hàng Nga cũng phát sinh. Chính vì thế, năm 2000 khi Trung tâm thương mại Central Garden đi vào hoạt động, chợ Nga cũng hình thành. Người ta treo bảng “bộ giữ nhiệt, quần áo giữ nhiệt” để nói rõ công dụng của hàng hóa đang bán. Tiểu thương ở các gian hàng khá thân thiện, khách ghé vào lựa hàng thỏa mái. Không có tình trạng chèo kéo hoặc khó chịu khi khách không mua hàng. Giá cả được niêm yết rõ ràng và thường không được trả giá. “Hàng được ưa chuộng nhất là áo ấm. Nhiều người thích áo ấm theo kiểu châu Âu nên tìm đến mua. Tháng này chưa phải là tháng bán hàng chạy vì trời chưa lạnh. Giáp tết, bán mỏi tay không hết khách”, anh Hùng nói. Một cửa hàng lưu niệm mang phong cách Nga. Ngoài quần áo, ở đây, du khách có thể tìm thấy đồ lưu niệm theo phong cách Nga để tặng người thân.