Khu đền Ise Grand có một điểm thú vị ít người biết: hai tòa nhà chính của ngôi đền được dỡ ra dựng lại hoàn toàn sau hai thập kỷ. Còn được gọi là Ise Jingu, đền Ise Grand nằm ở thành phố Ise của Nhật Bản. Đây là một trong những nơi linh thiêng và quan trọng nhất của Thần đạo. Khu đền này gồm hơn 100 đền lớn nhỏ, trải rộng trên diện tích khổng lồ, nhưng hai đền quan trọng nhất là Naiku và Geku. Trong đó, đền Naiku được cho là có từ thế kỷ 3 và là nơi đặt Gương Thiêng của Hoàng đế. Ảnh: Kyodonews. Điều thú vị là hai ngôi đền này, cùng với cầu Uji, được xây lại 20 năm một lần – một truyền thống đã được duy trì trong suốt 1.300 năm qua. Đây là một phần trong niềm tin của Thần đạo về cái chết và sự sinh sôi của tự nhiên, sự vô thường của vạn vật. Đồng thời, truyền thống này cũng giúp truyền lại kỹ thuật xây đền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Worldhistory. Việc xây lại đền chính được thực hiện trên khu vực cạnh công trình hiện tại, sau 20 năm lại đổi về vị trí cũ. Đền cũ được tháo dỡ, và đền mới được xây dựng với kích cỡ, chi tiết chính xác như trước đó. Lần gần nhất – lần thứ 62 – là vào năm 2013, và lần tiếp theo dự kiến vào năm 2033. Ảnh: Japantimes. Trước khi đền được xây lại, hàng loạt lễ hội được tổ chức để đánh dấu sự kiện đặc biệt này. Trong đó, lễ hội Okihiki diễn ra vào mùa xuân 2 năm liền trước năm xây lại đền, với người dân ở những thị trấn xung quanh kéo các khúc gỗ lớn qua thành phố. Ảnh: JWA. Chúng là gỗ trắc bá diệp, được lấy từ một khu rừng thiêng xung quanh hai đền và sau đó sẽ được dùng cho việc xây dựng. Khoảng 10.000 cây trắc bá diệp sẽ được khai thác để xây mới, trong số đó, một vài cây đã hơn 200 năm tuổi. Ảnh: BBC. Chi phí xây dựng lại rất lớn, có thể lên đến 0,5 tỷ USD mỗi đền, được lấy từ ngân sách quốc gia và ủng hộ tư nhân từ doanh nghiệp, thành viên hoàng gia… Quá trình xây lại kéo dài ít nhất 8 năm. Ảnh: AllaboutJapan. Truyền thống này khởi nguồn từ những ngôi nhà kiểu cổ – xây trên nền cao, với khung gỗ và mái lợp – cần được phá dỡ và xây dựng mỗi 20-30 năm để đảm bảo an toàn. Điều này dần trở thành phong tục, từ đó hình thành nghi thức xây lại đền Ise. Ảnh: JWA. Theo: Zing news