SÀI GÒN PHỐ ĐỒ CŨ


Dù bày bán trên tấm bạt sơ sài hay cửa tiệm hẳn hoi, những món đồ cũ (còn gọi lạc xoong) luôn có sức hút với thị dân Sài Gòn. Họ mua những món đồ lạc xoong không hẳn vì giá rẻ (nhiều món tiền triệu) mà đôi khi chỉ để thỏa cơn ghiền đồ cũ.

pho-do-cu-1

Chợ đồ cũ Nhật Tảo

4g chiều, sau một hồi lựa mướt mồ hôi quanh mấy sạp đồ điện máy ở khu chợ Nhật Tảo (Q.11), ông Lưu Văn Chính mua được một máy cassette, hai cục pin điện thoại. Ngang qua một sạp hàng, ông lấy thêm cặp dây đồng hồ về thay cho cháu nội. Ông cười hỉ hả: “Hết mớ này chưa tới 200.000 đồng. Tuần nào tui cũng ra đây một, hai lần, đi cho vui, mua được mấy món cũng lý thú!”.

Muôn màu lạc xoong

Ông Chính nói tuy hay ghé chợ này nhưng chưa bao giờ đi hết các sạp hàng. Đường Nhật Tảo chủ yếu bán loa thùng, tivi, đầu đĩa, đồ gia dụng kiêm luôn sửa chữa. Kế đó, đường Vĩnh Viễn lại bán đồ đồng, cục thu phát WiFi, đồng hồ treo tường…

Dưới những mái che nóng hầm hập, người mua kẻ bán vẫn xôm tụ lựa đồ, trả giá. Ông Trắng (57 tuổi, bán loa và đầu đĩa) kể rằng từ lúc ông bắt đầu bán cách đây hơn chục năm, khu vực này đã nhộn nhịp rồi. Hàng của ông giá từ 2 triệu đồng trở lên tùy loại. “Dịp cận tết, cuối tuần bán được lắm vì người ta đi coi hàng nhiều. Hàng mới có khi giá gấp 5-6 lần nên người ta chọn đồ cũ cũng dễ hiểu” – ông Trắng nói.

Kê cái sạp cao bằng đầu gối, chị Liên (34 tuổi) bày bán pin, cục sạc và vỏ điện thoại. Một sinh viên Trường ĐH Bách khoa đang lựa mấy xác điện thoại cho biết: “Tôi học ngành điện tử – viễn thông nên hay ra đây mua về mày mò. Pin giá 10.000 đồng/cục, xác điện thoại 30.000 đồng, phục vụ tốt cho việc học”.

Cách sạp hàng của chị Liên không xa là 4-5 tủ kính đặt kế nhau chỉ độc một món: đồ điều khiển tivi, máy lạnh. Giá của những món này từ 20.000-50.000 đồng, có chỗ treo toòng teng nhìn vui mắt.

“Quẹo lựa, áo quần giá rẻ đây!”, kèm những tiếng mời chào là cảnh lựa đồ ngã giá đúng kiểu… chợ trời ở khu chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình). Chỉ chừng 50m đường, hơn chục gian quần áo, giày dép đổ đống hoặc treo móc đủ kiểu thu hút người già lẫn trẻ. Chủ sạp hàng tên Trung cho biết nguồn hàng chủ yếu là hàng tồn kho, đồ cũ từ Thái Lan, Campuchia hoặc công ty trong nước.

“Chỗ tôi đông vui nhất là thứ tư và thứ bảy vì hai ngày đó hàng nhập về, người mua nhiều khi phải giành giật mới có hàng. Qua một tuần, đồ cũ sẽ giảm giá dần tới khi còn 5.000 đồng/cái” – Trung nói. Hào hứng bới lựa mớ đồ bỏ vào sọt nhựa, chị Xuyến chia sẻ: “Nhà đông người, toàn đi bán vé số, làm mướn nên mua đồ này mặc cho rẻ. Có khi lựa được đồ đẹp quá trời!”.

Khách đến khu này đôi khi còn mua được đầm dự tiệc, áo vest giá mấy chục ngàn đồng.

Khu chợ Dân Sinh (Q.1) chuyên bán hàng kim khí điện máy có phần lặng lẽ hơn với những sạp hàng sát nhau trong nhà lồng. Khách đến khu này có khi chỉ tìm mua vài cái ốc vít, kềm sửa xe, bình chữa cháy loại nhỏ hoặc ống nước với giá bằng 30-50% hàng mới. Không chỉ trong chợ, phía đường Ký Con, Yersin các tiệm bán đồ cũ cũng góp mặt.

Có chủ sạp đùa rằng mấy hàng này mua cũng “hên xui” vì dùng đồ cũ là phải chấp nhận rủi ro. Khu chợ Tân Thành, Tân Hưng, Hà Tôn Quyền (Q.5) lại nổi tiếng với phụ tùng xe máy cũ lẫn mới của đủ dòng xe và đủ thứ bộ phận: kính chiếu hậu, vỏ xe, bố thắng, niềng, dàn áo…

pho-do-cu-2

“Núi” đồ cũ trên đường Nguyễn Kiệm

Lề đường và… online

Chỉ cần một tấm bạt chừng 4m2 với ít vốn là có thể làm chủ một quầy lạc xoong. Đoạn đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) sau 12g trưa là lúc dân lạc xoong bắt đầu “mần ăn”. Trải vội tấm bạt, bày những chiếc điện thoại cũ, trang sức, bóp (ví) lẫn ống bơm xe đạp, họ ngồi đến 9-10g đêm. Có lúc họ “trúng đậm” khi mua hoặc bán được món gì đó với giá hời.

Anh Vinh, một người bán hàng, khoe: “Tuần trước tôi mua cái điện thoại Samsung giá 300.000 đồng, sửa chữa, tân trang lại màn hình, bán được 1 triệu”. Bày “cơ ngơi” rộng chừng hai chiếc chiếu trước cổng một trường cao đẳng, chị Hường kể có khi còn mua vào cả máy tính bảng, “sờ mát phôn” nhưng hàng này hơi khó bán vì người mua ít tin tưởng chất lượng.

Đi gần đến cuối đường Nguyễn Kiệm, người ta dễ giật mình bởi mớ hàng hóa từ một tiệm lạc xoong chất chồng tưởng sắp đổ nhào. Mớ “nghệ thuật sắp đặt” gồm có xe đạp, bàn ghế, hàng cơ khí, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng… Trông lộn xộn nhưng khi có người hỏi mua ghế gỗ, chủ tiệm đứng ngó ngó “cái núi” rồi lôi ra 2-3 cái cho khách lựa.

Kế bên, tiệm của bà Ba có phần khiêm tốn hơn nhưng mặt hàng cũng đa dạng không kém. “Tôi bán ở đây 15 năm nay. Vào giờ kẹt xe, nhiều người ngó vô hỏi giá rồi mua luôn nên tôi thường túc trực mé đường để có khách thì đưa liền” – bà Ba vui vẻ nói.

Trên mạng cũng có một số “cửa hàng” đồ cũ. Anh Nguyễn Nguyên Minh (32 tuổi) lập trang web mbdc.vn từ năm 2012 chuyên bán đồ nội thất và đồ gia dụng cũ. “Tôi thấy nhiều công ty bán lại đồ nội thất nên nghĩ ra cách bán trực tuyến, đăng hình từng món đồ kèm giá cả để ai mua thì liên hệ” – anh kể.

Ngoài nguồn hàng thanh lý của các công ty, anh Minh còn mở một cửa tiệm ở Q.Gò Vấp. Về lợi nhuận, anh cho biết bù qua sớt lại giữa hàng bán nhanh và hàng tồn mỗi tháng cũng kiếm được vài chục triệu đồng.

Trang saigonvechai.com do ca sĩ Cao Minh và em trai lập ra từ năm 2009, chuyên trao đổi ký gửi những món đồ cổ, đồ “độc” lạ. Nhận thấy nhu cầu của các thành viên trên mạng, từ một năm nay vào mỗi sáng chủ nhật họ mở “chợ ve chai” ngay quán cà phê của mình ở Q.Bình Thạnh.

Những chiếc máy may, tẩu thuốc, đồng hồ hàng hải, huy hiệu của Pháp, đồ gốm, tem phiếu thời bao cấp… được bày bán thường là đồ sưu tập hoặc kỷ vật của chủ gian hàng.

Anh Ngọc Khánh, nhà ở Trà Vinh, tham gia phiên chợ vì muốn mọi người cùng biết đến những chai rượu lạ, đồng hồ, ly thủy tinh của mình nên không ngại đường xa lên đây mỗi tuần. Hiện nay, phiên chợ đông đến nỗi có khi người ra vào đụng phải vai nhau. Có nhiều hôm chợ còn thu hút cả khách nước ngoài.

pho-do-cu-3

Bà Phan Thị Thạc sau mười năm bán hàng lạc xoong đã mở được năm cửa tiệm.

Đổi đời từ đồ cũ

Từ vài món đồ lẻ tẻ và sự cần cù chịu khó, có người bán đồ lạc xoong lề đường đã trở thành chủ cửa hàng, như trường hợp bà Phan Thị Thạc (78 tuổi) ở khu chợ Hoàng Hoa Thám. Vốn là người nấu cơm thuê cho các bà đầm trước giải phóng, thường được cho mỹ phẩm, đồ trang sức nên bà để dành rồi đem bán.

Ngồi nhờ mái hiên một ngôi nhà gần chợ, mưa gom hàng lại, nắng ráo bày ra, qua ba năm bà dành được ít tiền thuê mặt bằng mở tiệm. Bà thu mua thêm những món đồ người dân gần đó đem đến. Cửa tiệm lớn dần. Hiện tại, ba trong mười người con đã kế nghiệp bà, tổng cộng gia đình có năm cửa tiệm lạc xoong!

“Đi lên từ sự vất vả nên tôi và các con giữ lối buôn bán đàng hoàng, không hét giá. Lớn tuổi rồi nhưng nghĩ tới cái nghề gắn bó bao nhiêu năm nên tôi vẫn ngồi bán” – bà Thạc nhẹ giọng. Thế nên mỗi ngày người ta thấy một bà cụ tóc bạc trắng ngồi sắp xếp hàng hóa, kiểm tra mớ mỹ phẩm mới mua về. Bà như một nhân chứng của cái nghề mua của người chán, bán cho người cần này.

Góc trong cùng của chợ Dân Sinh là sạp hàng của ông Lý Kim Bằng (56 tuổi) bày bán đồ nghề sửa xe với bề ngang sạp chưa tới 2m. 20 năm nay, nhờ sạp hàng mà ông lo được cho gia đình. Ông nói: “Con trai tôi đang là sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng. Bán vậy nhưng biết tính toán thì có chút tiền lời, hàng để đó thì vốn còn đó, chỉ có điều nhiều sạp hàng giống nhau quá nên cạnh tranh cũng dữ”.

Còn anh Trần Biên (26 tuổi), “gia tài” chỉ có mớ đồng hồ đeo tay, điện thoại và pin bày trên tấm bạt nhỏ xíu ở đường Nguyễn Kiệm. Anh cho biết mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng. Nhà ở Q.6, sáng anh thường đi lòng vòng chợ Nhật Tảo mua hàng rồi trưa qua đường này bày bán đến đêm. Hỏi anh về ý định mở tiệm, anh cười hiền nói đang dành dụm. Liền đó, anh cúi lựa cục pin còn mới cho một khách quen, nụ cười nhẫn nại mặc cho xe cộ, khói bụi bay vù qua trước mặt.

Nguồn: zing.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: