Doanh nghiệp dịch vụ ở TP.HCM vẫn ngại mở lại


Mặc dù được phép mở cửa trở lại, các doanh nghiệp cho biết vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tái hoạt động, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ, thương mại.

“Hơn 70% số dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, thế nhưng thành phố vẫn còn nhiều quy định đối với việc mở cửa của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ”, Thu Thảo, chủ một quán cà phê ở TP Thủ Đức nói và cho biết quán của chị vẫn đóng cửa vì việc kinh doanh theo hình thức bán mang đi không mấy khả quan.

Hiện nay số đơn vị hoạt động trở lại vẫn ở mức thấp so với tổng số doanh nghiệp ở TP.HCM, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, thương mại.

Không ít doanh nghiệp cho rằng chưa thấy được tạo điều kiện tối đa để hoạt động lại với các quy định “mở cửa” của TP. Hơn nữa, lao động thiếu hụt trầm trọng, chuỗi cung ứng chưa ổn định do quy định mỗi nơi mỗi kiểu của nhiều địa phương… là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp còn ngần ngại trong việc mở cửa.

Gần 2 tuần qua, số doanh nghiệp trong ngành F&B hoạt động lại vẫn rất thưa thớt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vẫn nhiều điểm vướng

Theo khảo sát của Zing, trên nhiều tuyến phố ở TP.HCM, số lượng cửa hàng, cơ sở kinh doanh hoạt động khá thưa thớt, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, ăn uống.

Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) – con phố từng nổi tiếng nhộn nhịp với nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải trí – chỉ lác đác vài hàng quán mở lại. Trong số 10 nhà hàng kinh doanh ăn uống thì chỉ có 2-3 nơi mở bán mang đi. Một chủ cửa hàng cho biết doanh thu chủ yếu vẫn là khách ăn tại chỗ, nên bán mang đi thực sự không được bao nhiêu.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thừa nhận đã đuối sức và có nguy cơ phá sản nếu không được nới lỏng nhiều hơn trong thời gian tới.

Anh Lê Hoàng Đại, chủ thương hiệu đồ uống Tik Tak ở TP.HCM cho biết hiện nay các cửa hàng vẫn thực hiện bán mang về với công suất hoạt động khoảng 20-25% so với bình thường.

“Chỉ hoạt động bán mang về và qua ứng dụng, nên gặp nhiều khó khăn. Khách hàng ghé tự mua mang về rất ít, trong khi đó doanh thu bán qua các ứng dụng như Grab, ShopeeFood, Baemin, Loship… phải cắt 20-25% trên doanh thu nên chỉ ở mức hoà vốn”, anh nói.

Chưa kể, anh Đại cho biết sau một thời gian dài dịch bệnh, khách hàng cũng mất dần thói quen. Chi phí quảng cáo sau dịch, do đó, cũng phải tăng theo để kéo khách hàng trở lại. Ngoài ra, tiền mặt bằng chỉ được giảm 20% nên khoản chi phí “chết” hoạt động hàng tháng vẫn rất cao.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại nhưng đối mặt với bài toán khó về nhân sự, chi phí vận hành, doanh thu. Ảnh: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, cửa hàng còn đang gặp khó về nhân sự và nguyên vật liệu. Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 10% và nguồn hàng không ổn định. “Do đó, chúng tôi phải ưu tiên trữ hàng để đảm bảo không bị đứt gãy sản phẩm trong thời gian tới”, anh chia sẻ.

Ông Vũ Lâm Chí Đức – Chủ tịch Dom Capital, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành ăn uống, dịch vụ, bán lẻ… ở TP.HCM vẫn chưa dám mở cửa dù Chỉ thị 18 đã cho phép.

“Những điều khoản mở cửa còn rất mơ hồ, doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái cầm chừng, không muốn quay lại hoặc chỉ nghe ngóng, bởi mở cửa kinh doanh đồng nghĩa gánh chịu chi phí vận hành lớn trong khi nhu cầu chưa hồi phục”, ông nói.

Theo ông Đức, các doanh nghiệp chưa mở cửa chủ yếu là các đơn vị thuộc ngành dịch vụ, ăn uống, bán lẻ, đào tạo… “Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại này chiếm tới 70% doanh nghiệp ở TP.HCM. Còn doanh nghiệp sản xuất chiếm số lượng không nhiều, chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven TP”, ông nói.


Nhiều doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý lo lắng, thận trọng trước việc mở cửa. Ảnh: Phương Lâm.

Nói về quy định bán mang đi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì không nên hạn chế công suất hoạt động, thay vào đó, cho mở cửa tối đa để họ phục hồi kinh doanh.

“Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động dưới 50% công suất đều phải gánh lỗ. Chưa kể kèm thêm điều kiện không quá số lượng người nhất định dẫn đến các đơn vị kinh doanh có quy mô lớn rơi vào thế khó”, ông phân tích.

Mặt khác, thiếu nhân lực, vấn đề nguyên vật liệu cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp khi lên kế hoạch mở cửa trở lại. “Nhu cầu tiêu dùng của người dân về lâu dài sẽ hạn chế vì họ đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau đại dịch”, ông nhận định.

Mở cửa phải đồng bộ

Theo Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nay TP cần phải thay đổi trong chính sách mở cửa cho doanh nghiệp. “Cần phải mở hết mức để hỗ trợ doanh nghiệp. Đã xác định sống chung với dịch, tăng độ phủ 2 mũi vaccine thì nên tạo điều kiện cho các đơn vị phục hồi kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào ngân sách của thành phố”, ông nói.

Ông Đức cho rằng hiện nay, các chính sách chống dịch vẫn còn nhiều bất cập, có sự khác nhau giữa các địa phương. Chính phủ đang chỉ đạo tạo điều kiện hết mức để doanh nghiệp quay trở lại làm ăn.

Tuy nhiên, trong khi TP.HCM ra Chỉ thị 18 từng bước mở cửa nền kinh tế thì TP Thủ Đức vẫn tăng cường kiểm soát chặt tình hình. Điển hình là trường hợp các cơ sở kinh doanh cắt tóc, phòng gym, trung tâm thương mại… bị đóng cửa trở lại do thuộc trong vùng cam.

“Hiện nay các cấp chính quyền phải thay đổi tư duy và hỗ trợ mở cửa tối đa cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Đức khẳng định.

Chính phủ cũng đã có nghị quyết mới, các địa phương phải theo nghị quyết để ban hành một cách đồng bộ, đừng vì quy định thêm các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp. – Ông Vũ Lâm Chí Đức – Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

“Chính phủ cũng đã có nghị quyết mới, các địa phương phải theo nghị quyết để ban hành một cách đồng bộ, đừng vì quy định thêm các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp”, ông đề xuất.

Về phía doanh nghiệp trong ngành F&B, anh Đại cũng cho rằng thời điểm này thành phố nên mở cửa dần sớm hơn so với dự thảo trước đây, để số vaccine đã tiêm không bị lãng phí.

“Nếu được mở lại trong thời gian ngắn tới, cửa hàng cũng chỉ đón tiếp khách hàng có Thẻ xanh, không ho sốt (đủ 2 mũi) để đảm bảo an toàn và vẫn phải đảm bảo 5K”, anh nói.

Ngoài ra, chủ chuỗi cửa hàng này hy vọng sẽ được hoạt động từ 50-70% sức chứa chứ không phải là quy định cứng nhắc 20 người. Ví dụ quán có diện tích 500 m2 quy định chỉ được phục vụ 20 người cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc mở cửa.


Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ khi có sự đồng bộ trong việc mở cửa, doanh nghiệp mới mạnh dạn hoạt động trở lại. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngày 12/10, Chính phủ ban hành nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở sản xuất, nhà hàng, quán ăn sẽ được mở cửa hoạt động trong điều kiện có dịch, nhưng phải đảm bảo an toàn và các yếu tố phòng chống dịch.

Một ngày sau, UBND Hà Nội đã có văn bản cho phép hàng ăn, uống được bán tại chỗ không quá 50% công suất. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50%, đảm bảo đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú…

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: