Hàng loạt tuyến đường kinh doanh và dịch vụ sầm uất ở trung tâm TP.HCM vẫn chưa thể phục hồi sau “cú sốc” Covid-19 dù TP đã nới lỏng giãn cách xã hội. Trên nhiều tuyến đường trung tâm tại quận 1, quận 3 hay quận 10, không khó để thấy cảnh những mặt bằng lớn với vị trí đẹp vẫn đang bị bỏ trống. Chuỗi cà phê The Coffee House vừa đóng một cửa hàng ở trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Giá thuê trước dịch của mặt bằng rộng hơn 400 m2 này là hơn 340 triệu đồng/tháng. Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển ra khỏi mặt bằng cũ khiến mặt bằng trống ở trung tâm TP càng thêm nhiều. Một mặt bằng cũ của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động trên ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) đã trống hơn 1 năm. Căn nhà phố hai mặt tiền này được rao thuê với giá 150 triệu đồng/tháng và chủ nhà vẫn chưa tìm được khách thuê mới. Không chỉ các mặt bằng bằng bán lẻ, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, một tòa nhà văn phòng với mặt bằng cho thuê làm showroom ở tầng trệt đã có dấu hiệu xuống cấp, bục vỡ và rêu mốc do lâu ngày không có người sử dụng. Trong khi một số cửa hàng F&B đã hoạt động trở lại và cải thiện doanh thu, vẫn có nhiều doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa chi nhánh khu trung tâm để tìm những mặt bằng có giá phù hợp hơn. Theo thống kê của Chợ Tốt Nhà, giá thuê các mặt bằng có diện tích khoảng từ 60-100 m2 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trong tháng 10 nằm ở mức 80-200 triệu đồng/tháng. Trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), các dịch vụ kinh doanh phổ biến như nhà hàng, spa, karaoke vốn thu hút khách du lịch cũng không tránh khỏi cảnh tiêu điều. Đây là nhóm dịch vụ chịu tác động mạnh nhất từ các biện pháp giãn cách xã hội và chưa được phép hoạt động trở lại. Điều này khiến nhiều chủ doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khi chi phí thuê mặt bằng quá lớn. Giá thuê trên đường Lê Thánh Tôn thường rất cao, hiện vẫn nằm ở mức 200 triệu đồng/tháng với một mặt bằng gần 100 m2. Giá thuê tại trục trung tâm như Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng tăng mạnh trong những năm gần đây với mức tăng khoảng 25%. Loạt cửa hàng kinh doanh thời trang và dịch vụ ăn uống trên đường Nguyễn Trãi (quận 1 và quận 5) cũng chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Các mặt bằng trống ngày càng nhiều và dần có biểu hiện xuống cấp. TP.HCM là thị trường có tỷ suất lợi nhuận cho thuê bất động sản cao nhất cả nước với mức 2-3,5%/năm, theo Propzy. Nhiều chuyên gia nhận định giá thuê đã bị đẩy lên quá cao trong nhiều năm khiến thị trường trở thành “bong bóng”. Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, sự sụp đổ của thị trường là điều khó tránh khỏi. Tại khu vực trước đây thường xuyên thu hút người tiêu dùng trẻ và khách du lịch quốc tế như đường Bùi Viện và Đề Thám… với các cửa hàng ăn uống, quán bar cũng chằng chịt biển hiệu cho thuê nhà. Giá thuê hiện nay tại khu vực này khoảng 50-120 triệu đồng/tháng. Theo khảo sát, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều người kinh doanh có nguồn tài chính ổn định đang bắt đầu tìm kiếm mặt bằng mới với vị trí đẹp và giá phải chăng. Đi kèm với đó là những điều khoản thuê hấp dẫn từ chủ nhà. Lượt tìm kiếm mặt bằng kinh doanh cho thuê tại TP.HCM trên Chợ Tốt Nhà trong tháng 10 tăng 70% so với tháng trước. Các con đường như 3/2, Sư Vạn Hạnh,… tại quận 10 là những khu vực nổi tiếng với hoạt động kinh doanh sầm suất do đông dân cư, thuận lợi để kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Giá thuê tại đây luôn tiệm cận với các mặt bằng tại quận 1 hay quận 3 nhờ vị trí trung tâm, ở mức 40-300 triệu đồng/tháng. Một môi giới nhà phố tại các trục đường này cho biết khách thuê cũ trả mặt bằng nhiều nhưng lượng khách mới quan tâm và có nhu cầu thuê mới cũng lớn do giá được điều chỉnh nhẹ và các điều kiện thuê có lợi cho khách mới hơn. Thậm chí một số chủ nhà lúc này không nhận giữ chỗ. Năm 2021, các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-10 nhưng Propzy ghi nhận tỷ suất sinh lợi từ hoạt động cho thuê nhà tại các quận đông dân và khu dân cư mới như quận 10, Bình Thạnh, Gò Vấp vẫn tăng cao hơn so với năm 2020. Theo Zing News