Metro số 1 cấp tập về đích


Khi người dân bắt đầu rộn ràng đón năm mới Giáp Thìn thì cũng là lúc tuyến metro số 1 TP.HCM gấp rút hoàn thiện những giai đoạn cuối cùng để về đích. 2024 hứa hẹn sẽ là một năm rực rỡ của TP.HCM khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

Chạy tiến độ xuyên tết

Ngày đầu tiên của năm mới 2024, khi người dân cả nước hào hứng trở về nhà sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch đầm ấm cùng gia đình thì trên công trường các cây cầu bộ hành kết nối nhà ga trên cao tuyến metro số 1, hàng chục công nhân, kỹ sư vẫn đang miệt mài tay khoan, tay búa giữa cái nắng chói chang.

Người dân TP.HCM sẽ chính thức được đi metro trong quý 3/2024

ĐỘC LẬP

Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có 3 ga ngầm và 11 nhà ga trên cao. Trong đó có 9 nhà ga trên cao (từ ga Tân Cảng đến ga Đại học Quốc gia) thuộc gói thầu số 2 được thiết kế cầu bộ hành kết nối hành khách từ hai bên xa lộ Hà Nội, đảm bảo khả năng tiếp cận an toàn cho hành khách đi tàu. Các cây cầu được xây dựng kết nối từ tầng trung chuyển khách của các ga trên cao với khu dân cư, trạm buýt dọc bên. Một bên cầu băng qua đường song hành phía trái xa lộ Hà Nội (hướng từ cầu Sài Gòn đi Suối Tiên).

Ở phía còn lại, cầu vượt qua xa lộ và đường song hành phải giúp khách an toàn ra vào nhà ga do không phải qua đường. Cầu bộ hành là hạng mục xây dựng kết cấu cuối cùng và cực kỳ quan trọng của dự án tuyến metro số 1. Công trình ngoài giúp khách đi lại thuận tiện còn là lối thoát hiểm trong trường hợp nhà ga xảy ra sự cố.

Hiện nay, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật để thi công đồng bộ kết cấu phần dưới (cọc khoan nhồi, trụ, đài cọc), Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR – chủ đầu tư) đã phối hợp Tổng thầu EPC của gói thầu số 2 là Liên danh SCC tiến hành lắp đặt kết cấu phần trên (bao gồm: dầm bê tông cốt thép, dự ứng lực; kết cấu mái vòm thép; tấm lợp mái; hệ thống cơ điện và bảng hiệu…) tại các ga Khu công nghệ cao và Bình Thái.

Dự kiến hạng mục kiến trúc của 2 nhà ga này sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay. Nhằm đảm bảo tiến độ khai thác vận hành toàn tuyến trong quý 3 theo kế hoạch, nhà thầu đã triển khai thi công 3 ca (24/7), xuyên tết để mau chóng hoàn thiện các cây cầu kết nối. Công tác thi công được lập kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn (phạm vi và thời gian rào chắn, phân luồng giao thông, công tác biển báo, lưới bảo vệ…) để tránh ảnh hưởng và đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông hằng ngày tại khu vực.

Trong thời gian tới, việc thi công lắp đặt kết cấu sẽ được tiếp tục tại 7 vị trí cầu bộ hành còn lại. Một số vị trí cầu đã hoàn chỉnh kết cấu phần dưới (cọc, móng, trục, vế thang) và đang được dự kiến lắp đặt dầm ngang như: cầu Rạch Chiếc (ngày 15.1); cầu Phước Long và Tân Cảng (tháng 2).

Tương tự, sâu dưới lòng đất trong công trường ga ngầm Bến Thành, dù nhà ga đã hoàn thành 100% khối lượng thi công nhưng các kỹ sư, công nhân vẫn làm việc không nghỉ tết, tập trung cao độ quan sát, kiểm tra chất lượng công trình chỉn chu, tỉ mỉ. Dù công việc vất vả, khó khăn, áp lực tiến độ “sát nút” nhưng anh em công nhân, kỹ sư vẫn hăng say với mục tiêu cao nhất là đưa tuyến metro đầu tiên của thành phố đưa vào khai thác đúng hẹn.

“Chúng tôi không chỉ tự hào khi được góp công, góp sức vào công trình thế kỷ của thành phố mà đây còn là cơ hội để anh em kỹ sư VN học hỏi được rất nhiều từ 200 chuyên gia, kỹ sư đến từ 15 quốc gia trên thế giới đang tham gia dự án, nhất là các kỹ sư Nhật Bản. Họ hướng dẫn chúng tôi cả về kỹ thuật, cách quản lý tiến độ thế nào để đúng thời gian, cho tới tác phong chuyên nghiệp, bài bản, tinh thần không lùi bước, không bỏ cuộc trước khó khăn. Đây là công trình ga ngầm đầu tiên của cả nước nên không tránh khỏi những thách thức, khó khăn rất lớn. Có những thời điểm phải làm cả ngày lẫn đêm nhưng anh em vẫn quyết tâm với niềm vinh dự rất lớn”, anh Nguyễn Việt Nhật, kỹ sư xây dựng nhà ga Bến Thành, chia sẻ.

Giấc mơ đã thành hiện thực

Hai năm qua, người dân TP.HCM liên tục đón nhận những cột mốc mới của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sau gần 2 thập niên gập ghềnh. Những lô cốt dần dần tháo gỡ, những đường ray dần nối ngang cầu, ngang đường, những lần metro chạy thử 1 đoạn, rồi toàn tuyến… tiếng còi metro “bíp bíp” kéo hồi dài cùng tiếng loa phát thanh song ngữ vang lên mời hành khách lên tàu, xuống ga báo hiệu “giấc mơ” metro đã thành hiện thực. Việc tuyến metro số 1 chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến ngày 29.8.2023 cũng nằm trong danh sách 10 sự kiện điểm nhấn của TP.HCM trong năm 2023.

Đáng chú ý, trước thềm đưa vào vận hành, rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã được chủ đầu tư phối hợp cùng các đơn vị tổ chức để người dân có cơ hội tiếp cận sớm hơn, gần hơn với tuyến metro số 1. Đơn cử, buổi trải nghiệm đặc biệt tại sự kiện đọc sách Ehon Đường hầm tàu điện ngầm được xây dựng như thế nào? nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023) được tổ chức ngày 25.11.2023 đã mang đến cơ hội cho 50 em học sinh tiểu học được trực tiếp đến khám phá ga ngầm tàu điện tuyến metro số 1.

Các em nhỏ không chỉ được nghe đọc truyện Đường hầm tàu điện ngầm được xây dựng như thế nào? để hiểu về cách xây dựng hầm tàu điện ngầm mà còn được tham quan, khám phá các hạng mục vừa được hoàn thiện tại ga ngầm Ba Son; trực tiếp đặt các câu hỏi cho ban tổ chức liên quan đến số tiền và thời gian xây dựng của tuyến metro. Qua đó, hiểu rõ hơn về loại hình giao thông công cộng hiện đại này. Ngoài ra, MAUR cũng phối hợp với các công ty du lịch tổ chức tour khám phá ga ngầm metro, giới thiệu tới người dân thành phố cũng như du khách về công trình thế kỷ của TP.HCM. Việc tham quan các nhà ga được kỳ vọng góp phần giới thiệu, giúp người dân gần gũi hơn với loại hình giao thông này, làm tiền đề khuyến khích người dân chọn metro khi tuyến số 1 đưa vào vận hành.

Nhìn lại lịch sử 18 năm từ ngày bắt đầu lập dự án vào năm 2006, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP.HCM, đánh giá có lẽ ít dự án nào của VN lại gặp trắc trở nhiều như tuyến metro số 1. Việc liên tục lùi đích do những khó khăn về vốn, thủ tục giải ngân, điều chỉnh tổng mức đầu tư đã kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho TP.HCM như ùn tắc, kẹt xe lan rộng, đường phố nhếch nhác, hoạt động kinh doanh của hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lô cốt, rào chắn… Bởi vậy, mỗi một bước tiến mới của dự án đều mang đến niềm vui rất lớn cho người dân và những chuyên gia đã theo sát từng bước đi của dự án ngay từ những ngày đầu, và cả với lãnh đạo TP.HCM.

“Tuyến metro số 1 – tuyến đường sắt đô thị đầu tiên là biểu tượng của TP.HCM, đánh dấu sự chuyển mình, phát triển của thành phố trong hiện tại và tương lai. Tôi rất vui và phấn khởi khi chính quyền thành phố cùng chủ đầu tư đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nỗ lực đưa tuyến metro số 1 về đích. Đặc biệt, tuyến metro số 1 sau khi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tải rất tốt cho hệ thống giao thông đang ùn tắc của TP.HCM”, ông Hà Ngọc Trường nói.

Metro số 1 sau khi hoàn thành đồng bộ cùng mạng lưới xe buýt gom và các hạ tầng kết nối như cầu bộ hành thì mỗi ngày có thể chuyên chở 110.000 hành khách. Nếu có 8 tuyến metro hoàn thiện theo quy hoạch, thì có thể đáp ứng 30 – 40% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Mỗi người dân thành phố đều đang háo hức đón chờ ngày được đi metro. – Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP.HCM

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: