100 NĂM PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT – KỲ 1: Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn


Gần 100 năm đã trôi qua kể từ khi chính quyền thuộc địa Pháp khởi xây Tân Sơn Nhất. Phi trường này là chứng nhân trước bao thế cuộc ly loạn, chiến tranh đẫm máu, và bây giờ là khát vọng đổi thay, phát triển.

Ùn tắc ngày phân luồng: Nhiều người bỏ xe lội bộ vào sân bay Tân Sơn Nhất

Khởi công xây 2 cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay của vua Bảo Đại đáp xuống Tân Sơn Nhứt sau một chuyến đi săn - Ảnh tư liệu

Máy bay của vua Bảo Đại đáp xuống Tân Sơn Nhứt sau một chuyến đi săn – Ảnh tư liệu

Tân Sơn Nhất ngày xưa ra sao, ngày mai sẽ thế nào?

Chiếc Dreamliner – Boeing 787 hiện đại chầm chậm lăn bánh ra đường băng phi trường Tân Sơn Nhất. Cơ trưởng người Việt thông báo tình hình khí tượng trên đường bay đang ở điều kiện bình thường và chúc hành khách hành trình Sài Gòn – Paris thú vị.

Cú “take off”, cất cánh nhẹ nhàng với chiếc phi cơ lớn và hiện đại nhất của Vietnam Airlines. Vài phút sau, nó đã xa dần thành phố rực rỡ ánh đèn, tiến dần ra Biển Đông.

Từ quả khinh khí cầu thế kỷ XIX

Ở hàng ghế cuối sát cửa sổ, ông Nguyễn Trần Đỗ ngồi lặng yên quan sát cabin máy bay còn thơm mùi mới xuất xưởng. Trở lại quê hương sau hơn 41 năm xa cách, ông hơi bất ngờ vì được đi, về trên cả hai loại máy bay hiện đại nhất hiện nay là Airbus 350 và Boeing 787.

Tất cả đều mới bóng, sạch sẽ và phi hành đoàn cũng phục vụ khá lịch sự. Cô tiếp viên nói giọng chuẩn Sài Gòn nhẹ nhàng mời ông dùng suất ăn. Hương vị ẩm thực Việt thân quen, lại thêm vài lát dưa hấu, dứa, thăng long ngọt mát… Nhưng đó là chuyến bay đầu năm 2017.

Ngược dòng lịch sử trở lại 60 năm trước, vị Việt kiều Pháp tuổi ngoài 80 này từng là chứng nhân buổi đầu phát triển hàng không Việt Nam.

Khi ông nộp đơn cho người Pháp, xin làm việc ở Tân Sơn Nhất (trước năm 1975 gọi là Tân Sơn Nhứt), phi trường này vừa chính thức hoạt động được hơn 20 năm với những chiếc Dakota cánh quạt phục vụ cho cả vận tải quân sự lẫn dân sự.

Theo tư liệu của Tàng thư Bộ thuộc địa Pháp, người Việt đã chứng kiến rất sớm phương tiện di chuyển trên không của nhân loại ngay từ khi nó vừa được phát minh.

Năm 1791, nước Việt vẫn chìm đắm trong cuộc nội chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn với quân Tây Sơn, một quả khinh khí cầu của nền văn minh phương Tây đã được thả lên bầu trời Sài Gòn – Bến Nghé.

Người thả chính là giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), một giáo sĩ người Pháp giúp đỡ Nguyễn Ánh giành lại vương triều. Quả khinh khí cầu này đã chứng minh cho chúa Nguyễn và cả đối thủ ông thấy được sức mạnh của văn minh Pháp.

Đến năm 1793, trong trận giao chiến tái chiếm thành Quy Nhơn, viên sĩ quan lính thủy đánh bộ Pháp Olivier de Puynamel lại đề nghị Nguyễn Ánh cho sử dụng khinh khí cầu ném chất cháy hỏa thiêu thành trì, nhưng không được chấp thuận.

Nhà Nguyễn sợ rằng vũ khí khủng khiếp này (quá hiện đại thời ấy) sẽ gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng cho thường dân trong thành.

Nhắc lại sự kiện này, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư kể: “Người Việt đã không đành sử dụng hỏa lực từ khinh khí cầu để tàn sát đồng bào, nhưng người Pháp thì không ngại điều đó. Họ đã sớm sử dụng phương tiện bay trên không để phục vụ cho cuộc xâm lược Việt Nam”.

Ngày 12-4-1884, viên đại úy bộ binh Pháp Aron đích thân điều khiển khinh khí cầu Virgie bay cao độ 300m, ngoài tầm tất cả các loại vũ khí quân Việt bấy giờ, để do thám thành Hưng Hóa, chỉ điểm cho pháo binh bắn phá, chiếm thành…

Và ngay từ thế kỷ 19, khi thế giới mới khởi phát phương tiện bay, người dân nước Việt đã là chứng nhân, nhưng phần lớn là chứng nhân đau buồn của đêm dài mất nước.

Máy bay Pháp hạ cánh xuống Sài Gòn năm 1925 - Ảnh tư liệu - Tam Thái sưu tầm

Máy bay Pháp hạ cánh xuống Sài Gòn năm 1925 – Ảnh tư liệu – Tam Thái sưu tầm

Đến chiếc máy bay đầu tiên ở Sài Gòn

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, vào dịp gần lễ Giáng sinh, sáng 10-12-1910, chiếc máy bay Farman cánh đôi đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn.

Phi công Van Den Borg đã cố tình trình diễn lượn mấy vòng để dân chúng chiêm ngưỡng, rồi mới hạ cánh xuống bãi đất phẳng ở trường đua Sài Gòn.

Và chỉ một ngày sau tại Paris, tờ Le Figaro đã nhanh chóng chạy tin sự kiện đặc biệt này: “Ở Sài Gòn, phi công Van Den Borg đã bay trên máy bay cánh đôi hôm qua giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, chuyến bay đầu tiên ở Đông Dương và Viễn Đông. Thống đốc Nam kỳ cùng đại sứ Pháp tại Bangkok đã có mặt chứng kiến”.

Điều thú vị là cùng ngày 10-12-1910, một chiếc Farman khác do phi công Tokugawa cũng cất cánh trên bầu trời Nhật Bản nhưng chậm hơn vài giờ so với chuyến bay chiếm kỷ lục đầu tiên tại Sài Gòn.

Tuy không được là chứng nhân sự kiện đặc biệt này, nhưng ông Nguyễn Trần Đỗ vẫn còn lưu lại câu chuyện tỉ mỉ từ hồi ký gia đình của ông nội Nguyễn Trần Cử.

Thầy giáo dạy tiếng Pháp lẫn Quốc ngữ ở Sài Gòn, ông Cử kể sự kiện này như sau: “Trước ngày phi cơ đầu tiên đến Sài Gòn, Nhà nước Nam kỳ đã sai quan lại địa phương bố cáo dân chúng thành phố biết sắp có một sự kiện đặc biệt chưa từng thấy trên bầu trời.

Người dân được mời đến bãi quần ngựa để chiêm ngưỡng một con chim sắt bay được bằng động cơ có chong chóng đằng trước do một sĩ quan Lang Sa điều khiển.

Ngày đó, tui dẫn bà vợ và mấy đứa con cùng đi từ rất sớm, đến khoảng hơn 10 giờ sáng thì máy bay chúi đầu đáp xuống từ phía Phú Lâm”.

Kể về sự tò mò của người dân Sài Gòn lần đầu được nhìn thấy máy bay, ông Cử thuật lại tỉ mỉ: “Đám đờn ông thì ngơ ngẩn, thích thú, nhưng bầy phụ nữ và con nít thét lên vì sợ hãi. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ, chưa bao giờ họ ngó thấy một con chim sắt bự và gầm rú ầm ĩ đến vậy.

Nó bay xuống cứ như lao thẳng vào mình, khói lửa phun ra thành vệt dài như quầng mây phía sau. Nghe kể đâu nó bay từ Tân Gia Ba (Singapore) qua đây mất đến gần nửa ngày dù tốc độ phải nhanh gấp nhiều lần con hắc mã cự chiến nhất.

Điều nực cười là có mấy ông phú hộ, thương gia miệt Chợ Lớn hỏi giá, thèm mua ngay con chim thép bự này, dẫu từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa được rớ ngón tay vô nó chứ mần gì biết lái…”.

Sau Sài Gòn 3 năm, một phi công người Nga tên là Komnousky mới hạ cánh xuống trường đua Hà Nội vào năm 1913.

Những sự kiện hàng không độc đáo này đã làm cho chính quyền Pháp ở Đông Dương thêm quyết tâm xây dựng phi trường để nối liền các địa phương xứ thuộc địa, và đặc biệt là tương lai của con đường nhanh nhất từ Sài Gòn đi Paris.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất 1914 – 1918, không quân lần đầu tiên trở thành lực lượng tác động mạnh cục diện chiến trường.

Một số sĩ quan Pháp sau khi tham chiến ở châu Âu, đã tháo rời các bộ phận máy bay để chở bằng đường biển sang Việt Nam và lập câu lạc bộ bay đầu tiên.

Họ bay trên bầu trời Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Huế và Phnom Penh theo yêu cầu của quốc vương xứ này. Đó là loại máy bay hai tầng cánh, phải đốt khói để phi công xác định hướng gió khi cất và hạ cánh.

Ngày 13-7-1917, Sở Hàng không Đông Dương đầu tiên được toàn quyền Albert Sarraut ký quyết định thành lập, chính thức mở ra ngành hàng không trên cõi Việt Nam. Các sĩ quan công binh Pháp cũng bắt đầu khảo thám, nghiên cứu xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất.

Ngày 21-12-1920 cũng là bước ngoặt lịch sử với nền hàng không Việt Nam khi một đội bay người Pháp thực hiện thành công chuyến bay từ Pháp sang.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt thú vị là ngay thời điểm chưa mấy người dân xứ này được đặt chân lên máy bay thì đã có những phi công Việt sớm bay lượn trên trời Âu.

Trong đó có một đại úy phi công trẻ tuổi gốc Sài Gòn, từng hiên ngang tham chiến cùng các phi công Pháp trong Thế chiến thứ nhất, và được Chính phủ Pháp kính nể, lấy tên ông để đặt tên đường, trường học, in ảnh tem bưu chính…

“Đám đờn ông thì ngơ ngẩn, thích thú, nhưng bầy phụ nữ và con nít thét lên vì sợ hãi. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ, chưa bao giờ họ ngó thấy một con chim sắt bự và gầm rú ầm ĩ đến vậy”.

Ông Nguyễn Trần Cử

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: