(2SaiGon) – Vốn mang tên “Vì Dân” từ những ngày đầu thành lập, trong suốt quá trình hình thành, phát triển và đổi thay theo vận mệnh đất nước. Bệnh viện Thống Nhất chất chứa bên trong nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết. Ông Tạ – Rất quen và rất lạ Nhìn lại vòng xoay Quách Thị Trang xưa và nay trước ngày phá bỏ Người khởi xướng đặc biệt Với cương vị là phu nhân của Tổng thống chính quyền Sài Gòn – Nguyễn Văn Thiệu, sau nhiều năm hoạt động xã hội, cảm thông với sự thiếu thốn các cơ sở điều trị của dân chúng khi đau ốm. Bà Nguyễn Thị Mai Anh là người lên ỷ tưởng, khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại “thủ đô” của miền Nam lúc bấy giờ. Phu nhân Tổng thống – Bà Nguyễn Thị Mai Anh Thời gian xây dựng – khánh thành Lễ đặt viên đá đầu tiên đã cử hành ngày 17 – 8 – 1970. Nhờ sự tín nhiệm và giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các cơ quan từ thiện trong nước và ngoài nước, các cơ quan quốc tế, và các quốc gia bạn nên việc xây cất và trang bị tiến triển nhanh chóng. Ngày 4 – 9 – 1971, Bệnh viên Vì Dân đã khánh thành và điều hành ngay các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm và Quang tuyến X… Đích thân Bà Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu trong buổi lễ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người cắt băng khánh thành. Vị trí Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất) Trước năm 1954 khu vực bệnh viện Thống Nhất vốn là một đồn phòng thủ, sau đó được dẹp đi để xây bệnh viện Vì Dân. Tọa lạc trên một khu đất rộng 3 mẫu (ở Nam Bộ 1 mẫu bằng 10.000m2) tại góc đường Phạm Hồng Thái (Cách Mạng Tháng 8) và Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt) – mà từ xưa người ta thường gọi là khu vực Ngã tư Bảy Hiền. Một kiến trúc sư của các bệnh viện Trần Đình Quyền là người phác thảo nên bản vẽ kiến trúc cho Bệnh viện Vì Dân. Báo Tuổi Trẻ từng nhắc đến ông qua bài viết “Những kiến trúc sư tài danh của Sài Gòn trước 1975”. KTS Trần Đình Quyền sinh năm 1932 tại Huế, tốt nghiệp đại học Kiến trúc Sài Gòn năm 1960, đại học Columbia, Hoa Kỳ năm 1964. Trở về nước, ông bắt tay vào lập các đồ án thiết kế mới và đồ án nâng cấp cải tạo, mở rộng nhiều công trình bệnh viện như Bệnh viện Vì Dân (nay là Thống Nhất), Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, các Bệnh viện Long An, Nhà Bè, Hóc Môn, Nhi Đồng 1, Bình Dân… và vô hình trung người ta gán cho ông là “cha đẻ của các bệnh viện”. KTS Trần Đình Quyền Ý nghĩa từ cái tên Bệnh viện Vì Dân ngày xưa là bệnh viện tư, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện. Những thuốc đặc trị thì bác sĩ ghi toa, gia đình bệnh nhân phải đi mua ở các nhà thuốc Tây. Bệnh viện là nơi người ta làm từ thiện bằng tiền và bằng tấm lòng. Người có tiền thì tặng tiền cho bệnh viện hằng tháng, hằng năm. Người có tấm lòng thì tùy khả năng của mình mà đóng góp như bác sĩ thì đóng góp tài năng, người lao động thì đóng góp sức lực nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân. Dư luận từ những ngày đầu Có thể nói việc đứng ra xây dựng của phu nhân Tổng thống khó tránh khỏi sự bàn tán của dư luận, đặc biệt là người ta luôn nghi ngờ sự tranh chấp phe cánh Thiệu – Kỳ khi lấy việc xây dựng bệnh viện đả kích nhau. Và cũng có những nhận định cho rằng, đó có thể là ván bài tâm lí an dân của gia đình Tổng thống trong thời điểm chính trường có nhiều bất động. Nhưng dù có bàn tán mãi đó vẫn là dư luận xã hội, bệnh viện Vì Dân vẫn khánh thành, đi vào hoạt động phục vụ những lợi ích công của xã hội lúc bấy giờ. Tổng thống Thiệu trực tiếp vào công trường xây dựng Đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất Sau năm 1975, bệnh viện Vì Dân được quân đội giải phóng tiếp quản, đơn vị K71 Quân giải phóng miền Nam được xem là tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất. Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để bảo đảm cho việc khám chữa bệnh đối với cán bộ trung cao cấp, ngày 21-7-1975, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết số 07/QĐ75 “Về việc tổ chức BV để điều trị cho cán bộ cao cấp, trung cấp của quân, dân, chính, đảng. Lấy BV Vì Dân làm BV của Trung ương Cục, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành – Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe của Trung ương Cục được cử làm Viện trưởng”. Bệnh viện Thống Nhất ngày nay Tên gọi được thay đổi lần lượt là Quân Y Viện Thống Nhất rồi Bệnh viện Thống Nhất cho đến ngày hôm nay, trực thuộc Bộ Y Tế. Trong suốt quá trình hoạt động, dù mang tên Vì Dân hay Thống Nhất thì nó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, phục vụ dân sinh đem lợi ích đến cho xã hội. Và điều đó càng minh chứng rằng các công trình tồn tại qua thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh đều mang trên mình những giá trị và câu chuyện của riêng nó. Hữu Khánh