Kinh ngạc trước bìa báo xuân nửa thế kỷ trước


Những người sống ở Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ đều nhớ tranh của họa sĩ Lê Ngọc Trung tức Lê Trung. Lê Trung chuyên vẽ tranh thiếu nữ đẹp và cô nào cũng giống cô nào, với cái đẹp mỡ màng của thiếu nữ sông nước miền Nam, hơi đậm đà ở vóc dáng, ngực nở eo thon, mắt to đen ướt rượt và sáng long lanh, môi trái tim dầy mọng và lông my dày đen cong vút.

Có người bảo đó là nét đẹp của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Giới bình dân thích nét đẹp này lắm dù nó siêu thực, khó kiếm. Do độ thu hút rộng rãi, tranh của Lê Trung ngự trị trên bìa báo Xuân miền Nam trước 1960. Hết Tết, cái bìa diễm lệ đó được bóc ra dán trên vách cho có vẻ “sang trọng” đến khi nó uá vàng vì khói bếp hay màu thời gian vẫn chưa bóc ra.
Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1960s, bìa báo xuân có tranh Lê Trung tuy vẫn còn được ưa chuộng nhưng một khuynh hướng mới đã bắt đầu ló dạng và lớn dần lên, là bìa báo xuân đăng ảnh màu của các nghệ sĩ đủ các lọai hình sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Lúc đó, phong trào ca tân nhạc, điện ảnh và sân khấu cải lương đang phát triển ở miền Nam, thu hút nhiều trai thanh gái lịch tham gia. Đã vậy, kỹ thuật in ấn phát triển, các thiết bị máy ảnh, phim màu từ nước ngoài nhập về nhiều hơn nên tạo thuận lợi cho khuynh hướng này, kéo dài cho đến 1975. Khuynh hướng đăng ảnh nghệ sĩ trên báo chí, nhất là dịp Tết, mạnh đến nỗi, trong bài viết của thi sĩ Đông Hồ trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần năm 1962, ông nêu: “sách mà dám cho phát hành vào dịp áp Tết là nguy hiểm lắm, cũng bằng tự giết mình, vì sách sẽ bị bao nhiêu mĩ nhân của tranh bìa, tranh phụ bản đè tràn, chôn ngập mất…” (bài Chuyện câu đối tết giữa kinh thành Sài Gòn, trang 10)

bia-bao-xuan
Thời đó, tuy có nhiều người chụp ảnh nghệ sĩ nhưng các báo lớn ở Sài Gòn chỉ tập trung vào hai tiệm có uy tín là tiệm Bình Minh đường Bùi Thị Xuân, quận Nhứt của đạo diễn học từ bên Pháp về là ông Lê Dân. Tiệm thứ hai là Photo Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), quận 3. Đến giờ nhiều người còn nhớ ảnh của hai nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Thúy trên bìa tờ báo Xuân Dân Tộc 1961 do tiệm Bình Minh chụp. Nghệ sĩ Thanh Nga lúc đó mới mười chín tuổi, còn ca sĩ Thanh Thúy cũng chỉ mới mười tám. Tên của Thanh Nga đã nổi như cồn từ tám năm trước đó và vừa mới được đưa lên bảng hiệu thành Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Còn Thanh Thúy chỉ vừa xuất hiện tại phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959 nhưng nhanh chóng nổi lên với giọng hát liêu trai và đuợc ca ngợi bằng các mỹ danh như “Tiếng Hát Lúc Không Giờ”, “Tiếng Hát Khói Sương”. Chọn hai ca sĩ này làm bìa báo trong lúc sáng danh như vậy, chính là chiêu hút người mua báo khôn ngoan của các chủ báo.

bia-bao-xuan 3
Ông Đinh Tiến Mậu, chủ Photo Viễn Kính rất nổi tiếng nay vẫn còn khỏe mạnh và đang sống ngay căn nhà cũ cho tôi xem những bìa báo và Lịch xuân mà ông đã chụp suốt những năm đó. Với máy ảnh hiệu LINHOF của Đức, ông dùng chụp ảnh tại studio và chụp ngoại cảnh tùy theo yêu cầu của chủ báo hay nghệ sĩ. Vào thời gian đó, hãng Kodak có một đại lý bán phim chụp ảnh tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) nên ông có chỗ cung cấp phim đen trắng để chụp ảnh hằng ngày. Đến gần Tết, nhu cầu chụp ảnh màu tăng lên, ông lấy thêm phim dương bản Ektachrom để chụp bìa báo xuân. Trước Tết hơn một tháng, các báo ông thường cộng tác như Phụ Nữ Ngày nay, Phụ Nữ Diễn Đàn… đã bắt đầu đặt hàng chụp ảnh bìa. Vốn đã quen việc chụp ảnh nghệ sĩ, ông chỉ cần hẹn và chuẩn bị phim ảnh nên công việc khá nhanh chóng. Đó là những đợt chụp tuy khá bận rộn vất vả nhưng vui và đáng nhớ.

bia-bao-xuan 2
Cuối năm 1967, chuẩn bị cho báo Tết năm 1968 Mậu Thân, ông cùng một nhà văn lên Đà Lạt chụp cho nghệ sĩ Thanh Nga làm bìa báo Xuân Tia Sáng. Lên đến đó, Thanh Nga ở nhà người quen còn ông và ông bạn nhà văn ra ở khách sạn. Trời Đà lạt gần Tết mát mẻ, cảnh Công viên quốc gia lại rất đẹp. Điều ông nhớ nhất, dù đang là nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu, nghệ sĩ Thanh Nga làm việc rất nghiêm túc. Cô luôn đến đúng hẹn, rất chịu khó tạo dáng để chụp. Khi tạm nghỉ, cô nói chuyện vui vẻ và gần gũi với mọi người trong nhóm. Giống như những lần trước chụp ở studio, cô thích bận áo dài nền nã với nhiều màu sắc. Giọng nói của Thanh Nga vang, sang trọng nhưng dịu dàng. Đi theo cô là một người giúp trang điểm.
Giống như Thanh Nga, Nghệ sĩ Bạch Tuyết là một nghệ sĩ khá nghiêm túc trong công việc. Cô lại cư xử khá dễ chịu, không làm cao, sẵn sàng đi chụp ngoại cảnh khi có ỵêu cầu. Cô thích chụp tranh phim (như truyện tranh nhưng kết cấu là từng bức ảnh có diễn viên diễn xuất).
Thường khi chụp trong studio thì rất thuận tiện với máy có chân chống, đèn pha…nhưng khi ra ngọai cảnh thì khó khăn vì đang lúc chiến tranh, kiếm chỗ vắng vẻ mà an ninh thật khó. Lúc đó, nơi lý tưởng là khu Suối Lồ Ồ ở Dĩ An gần Biên Hòa. Bức ảnh nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng bận áo tắm tuyệt đẹp đăng trên Lịch xuân 1967 báo Phụ Nữ Ngày Mai đã được chụp ở đây, phía sau là con suối nhòe nét.

bia-bao-xuan 4
Ngoài báo Xuân, các tờ báo còn tranh thủ dịp tết ra Lịch sách hay Lịch tờ để bán. Những năm như vậy, ông Mậu rất bận rộn. Năm 1966, ông chụp hàng lọat ảnh cho Lịch báo Phụ Nữ Ngày Mai với ảnh của Minh Hiếu, Thanh Lan (Ca sĩ, không phải là Thanh Lan hát ca khúc Khi xưa ta bé), Ngọc Hương, Kim Loan (sau này đổi tên là Mộng Tuyền), Kim Nga…Bộ ảnh này chụp trang phục tự do. Đến 1967, báo này ra bộ ảnh táo bạo hơn với các nghệ sĩ mặc áo tắm và bức ảnh Thẩm Thúy Hằng nói trên làm bìa. Bên trong là ảnh diễn viên múa Thu Thủy, nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ánh Hoa, Tuyết Nhung, Kim Tuyến …mặc áo tắm một hoặc hai mảnh.
Một thời đã qua. Khi nhìn lại các tờ báo xuân, ông Mậu nhớ lại hồi trẻ họat động nghệ thuật hăng say của mình. Lúc đó, tuy chú tâm vào công việc, ông vẫn nhớ nét đẹp rực rỡ của ca sĩ Minh Hiếu, mệnh danh là Liz Taylor của Việt Nam, vẻ đoan trang dịu dàng của Thanh Nga, sang trọng của diễn viên Kiều Chinh, tươi tắn của ca sĩ Thanh Lan, nét bốc lửa của ca sĩ Diễm Thúy. Các nam ca sĩ hầu như không hề lên bìa báo xuân, nhưng họ thường đến chụp ảnh tại studio của ông. Nghệ sĩ Út Trà Ôn cao to, phong độ. Nghệ sĩ Hùng Cường vui vẻ, dáng điệu rất hào hoa. Các ngôi sao xinh đẹp ngày xưa đã luống tuổi, dấu ấn thời gian phủ trên nhan sắc. Có nhiều ngừơi không còn nữa. Chỉ còn lại những bức ảnh, tờ lịch mà ông còn lưu lại họat động văn nghệ sôi nổi của một thời .

Theo Phạm Công Luận/Sài Gòn chuyện đời của phố


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: