Ngôi nhà mồ cao sừng sững trong con hẻm rộng, cách ngôi mộ học giả Trương Vĩnh Ký chừng 100m nhưng ít được ai biết đến. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà mồ vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc khả năng xuống cấp là điều không tránh khỏi … Lăng mộ cổ nằm trên khu đất ‘long mạch’ ở TP.HCM Mộ các danh thần ở Sài Gòn: Lăng Ông ở Bà Chiểu “Ngôi nhà vô chủ” Ngôi nhà mồ của gia đình ông Trịnh Khánh Tấn (1856 – 1913) nằm ngay trung tâm Sài Gòn ở số 472 Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5, TP.HCM). Được xây dựng từ năm 1914 trên diện tích 40m2, khu nhà mồ là nơi chôn cất 4 người trong gia đình ông. Đây là một công trình kiến trúc cổ mang dáng dấp Tây phương rất đặc trưng còn sót lại nguyên vẹn trong thành phố. Ngôi nhà mồ ông Trịnh Khánh Tấn Dòng chữ được trích từ kinh thánh “Beati Mortui Qui in Domino Moriuntur” (Phúc thay những ai được chết trong vòng tay Chúa) nằm ngay mặt tiền nhà mồ. Bằng đường nét tinh xảo, ngôi nhà mồ với mái vòm cao khoảng 15m trên đó có một cây thánh giá. Chung quanh mái vòm còn có những cột hình tháp bút vươn thẳng lên không trung. Nhiều phù điêu được đắp nổi trên mái vòm, phía trước và hai bên hông. Cổng chính có cửa sắt ra vào, bên hông có cửa sổ thông gió. Tất cả đều theo dạng cổng vòm. Bên trong nhà mồ, trước mặt là bàn thờ ông bà Trịnh Khánh Tấn. Trên bức chân dung của ông bà là tượng Chúa. Bên dưới bàn thờ, một tấm bia mang dòng chữ: “Giuse Trinh Khanh Van, nghiệp chủ Chợ Quán, nằm huyệt này sống lại hiển vinh”. Hoa văn và những đường nét mang đậm dấu ấn phương Tây. Đối diện với bàn thờ, 2 ngôi mộ cao. Mộ bên trái trên bia có dòng chữ “Bà huyện Anna Lê Thị Gương. Sinh năm 1862. Qua đời ngày 10 Octobre 1922”. Bên phải, ngôi mộ của chủ nhân nhà mồ trên bia ghi: ““Dominique-Thomas Trịnh Khánh Tấn, Tri huyện. Sinh năm 1856. Qua đời ngày 23 Janvier 1913”. 2 ngôi mộ của vợ chồng ông bà Tấn được xây bằng đá trắng theo dạng hình hộp, cao khoảng 1m. Nằm giữa hai mộ này là mộ của con gái ông bà. Mộ nằm thấp hơn bằng đá đen, trên bia ghi ngắn gọn: “Thánh hiệu Matta Trịnh Thị Tiết, sinh năm 1880, mất năm 1948, thọ 68 tuổi”. Bàn thờ ông bà. Được biết, phía bên phải mộ ông Tấn còn có một ngôi mộ khác chôn thấp hơn đang bị phủ lấp bởi các gói, thùng hàng của bà con chung quanh. Dời các thùng hàng qua một bên lộ ra ngôi mộ bằng đá đen. Có lẽ hàng hóa chất lâu ngày nhiều tạp chất dính vào nên chúng tôi chỉ đọc được: “Madalena Nguyễn Thị Thể, hưởng thọ 56 tuổi …”. Hiện nay, quần thể nhà mồ không được ai chăm sóc bảo quản, mặc dù theo phản ánh của bà con chung quanh, hậu duệ của ông bà còn khá đông. Vậy mà, ngôi nhà mồ hiện nay như một ngôi nhà vô chủ. Nơi đây là trở thành nơi cất giữ vật dụng như thau chậu, thậm chí cả xe đạp của những người buôn bán ở đầu hẻm. Họ ra vào tự do, đồ đạc, hàng hóa vứt ngổn ngang. Tấm lòng của người xưa Tư liệu về ông Trịnh Khánh Tấn không còn nhiều. Người đời chỉ biết ông là một người hiền đức. Ông được lòng cả người dân Việt lẫn quan Pháp, từng được chính quyền Pháp (ở Nam kỳ) phong cho hàm “Tri huyện danh dự” khu vực Chợ Quán. Mộ ông Trịnh Khánh Tấn Ông là người có lối sống gương mẫu. Ông rất quan tâm đến giới trẻ, nhất là thiếu niên. Ông mong muốn thế hệ sau ông phải lành mạnh từ thể chất đến tinh thần. Chính vì thế, năm 1909, ông đã soạn ra quyển sách “Học tập qui chánh”. Quyển sách này mãi đến năm 1921 mới được xuất bản và in tại nhà in Nhà Chung (de la mision Sài Gòn – Tân Định). Trước đó, một cuốn sách khác là “Cang thường lược luận” của ông viết ra nhằm giáo huấn thanh niên nam nữ được nhiều người đương thời khen tặng cũng đã được Nhà Chung in ra vào năm 1914. Mộ bà Lê Thị Gương, phu nhân của ông Tấn. Mộ của Trịnh Thị Tiết, con gái ông Tấn. Quyển sách “Học tập qui chánh” được viết bằng Việt ngữ theo thể thơ lục bát gồm 1850 câu rất giản dị và dễ nhớ. Một đoạn trong sách này hiện vẫn còn nhiều người nhớ: “Thuở xưa có một ông già/ Giàu sang trên thế nhưng mà không con/ May đâu già đặng phết son/ Năm mươi tư tuổi mà còn trông chi/ Song trời cho phước một khi/ Sanh ra một trẻ nam nhi vững rồi/ Mừng thôi quá trí vô hồi/ Đoạn liền mở tiệc mừng đôi ba ngày…”. Ở góc bên phải bị hàng hóa vật dụng của người dân để lên trên che lấp mộ bà Nguyễn Thị Thể. Hiện chưa xác định mối quan hệ giữa bà với ông Tấn Ông rất quan tâm đến lối sống của thanh thiếu niên. Tấm lòng của ông được thể hiện ngay trong lời nói đầu của cuốn sách: “Sách này in ra để cho con trẻ, nam, nữ, các trường quốc ngữ trong các họ; hay là những trường sơ học, tập đọc, viết cho trúng tiếng An-Nam ta, và dạy nó phép tắc nết na, khi còn nhỏ, hầu sau nó mới nên học tiếng ngoại quốc cùng phép tắc nước người” (Chợ Quán, ngày 15 tháng ba An-Nam 1909. Dominique Thomas Trịnh Khánh Tấn, Tri huyện Honoraire”). Nhà mồ bị người dân tự do ra vào làm nơi chứa hàng và để xe. Trở lại chuyện nhà mồ ông Trịnh Khánh Tấn bị người dân lạm dụng, tháng 5/2016 trả lời báo chí, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, sở VH-TT&DL TP.HCM chia sẻ: “Mộ cụ Trịnh Khánh Tấn có kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo, là một trong những công trình đẹp của thành phố. Nhưng hiện tại mộ bị người dân lạm dụng làm nơi chứa đồ buôn bán, nghỉ ngơi, rất nhếch nhác. Nếu thành phố không có kế hoạch bảo quản, sẽ xuống cấp rất nhanh”. Theo vietnamnet