Ba bước đơn giản sàng lọc ‘tin tào lao’ trên mạng


Khi một người bình thường lên mạng đọc tin tức, họ xem một like, một share, một bình luận của mình là chuyện ‘chẳng đáng gì’, nhưng đó là tất cả những gì những kẻ câu kéo đang theo đuổi.

Đừng đem tình yêu lên mạng xã hội, không có hạnh phúc thật sự nào tới từ lượt like

Bỏ điện thoại xuống để cứu vãn một “‘thế hệ cúi đầu”

Ba bước đơn giản sàng lọc tin tào lao trên mạng - Ảnh 1.

Ngày nay, các chiêu trò câu like, câu share của mạng xã hội và những trang tin nhảm nhí càng lúc càng nhiều. Mấy hôm gần đây có thể thấy “Đà Lạt có tuyết rơi!”, “Lại một đề xuất gộp Tết tây và Tết ta”, thậm chí ngớ ngẩn như “Kinh hoàng trai đẹp chặt xác người yêu vì đòi mua trà sữa” cũng có người share!

Bạn có thể share mà không cần kiểm chứng, hoặc share để xem hư thật ra sao, rồi bạn bè của bạn cũng vậy, và nhiều người xung quanh bạn cùng nhau share một chuyện tào lao, một thông tin độc hại, thậm chí lan truyền sự hoang mang chỉ vì một share đó mà thôi.

Tôi gọi chung những dạng bịa đặt câu share là tin rác, nhưng chúng không đơn thuần là rác, không chỉ dơ bẩn thôi, mà là rác thải công nghiệp độc hại. Tất cả những gì đám rác này muốn là một lượt view, một share của bạn. Còn chuyện sau khi đọc xong bạn và bạn bè, người thân bạn buồn chán hay sợ hãi, u uất hay thậm chí là phạm tội thì đó không phải là chuyện chúng quan tâm. Thậm chí nếu bạn phạm tội thật thì sẽ lại trở thành đối tượng giúp chúng câu thêm share nữa.

Tuy vậy, chỉ cần để ý một chút thôi, bạn có thể dễ dàng nhận ra và loại bỏ hơn 90% các loại tin rác này ra khỏi đầu mình, khỏi Facebook mình. Xin hãy làm điều đó vì cả cộng đồng xung quanh bạn.

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ ba bước lọc thông tin độc hại, tin rác, tin bịa… để giúp bạn đỡ hoang mang và đỡ gây hoang mang cho người khác.

Ba yếu tố cơ bản cần chú ý là: Tiêu đề, tên miền và nội dung.

1. Tiêu đề: Tiêu đề của tin rác thường gây ấn tượng mạnh, dùng câu chữ thô thiển. Nội dung của tiêu đề thường có độ kích thích cao. Ví dụ: Trai khôn không lấy gái miền Tây (yếu tố phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, công kích cá nhân hoặc một nhóm người, thường câu share để chửi).

Hoặc: Kinh hoàng phát hiện đỉa/vi sinh vật/chất độc giấu trong sản phẩm X TQ (Yếu tố an toàn vệ sinh, sức khỏe, thường gắn mác Trung Quốc để kích thích).

Hoặc: Phẫn nộ cảnh cháu gái đánh chửi bà cố nội (Yếu tố lợi dụng lòng thương hại hoặc căm phẫn của đám đông trước hành vi trái đạo đức (tưởng tượng))..

2. Tên miền: Các trang tin rác thường có tên miền rất dài. Nhìn vào tên miền thì thấy “tincuchot24h.me”, “tintucgioitre123.net”, “tintucgaysoc99.com”… Cao tay hơn một chút, chúng có thể giả mạo hơi giống những trang chính thống nổi tiếng, ví dụ “tuoittre.com” (2 chữ t), “tuoitre.homnaycogimoi.com”. Tên miền thật sự cần đọc ngược từ cái chấm cuối cùng trở về trước. Trong ví dụ trên thì trang web thật của nó là “homnaycogimoi.com”. Điều này chỉ hơi nâng cao một chút, thường thì chỉ cần nhìn qua là bạn thấy ngay thôi. Chủ yếu là bạn phải lưu tâm mới được.

3. Nội dung: Nếu qua hai bước tiêu đề và tên miền, bọn câu share đã lừa được bạn bấm vào đọc nội dung chúng vẽ, thì hãy chú ý như sau: Về nội dung, mấy trang này nó toàn xào nấu các tin hot hiện tại, đưa thêm dữ kiện do chúng tưởng tượng ra, hoặc lấy tin tức từ mấy năm trước, từ bên Tây bên Tàu rồi bảo là ở Việt Nam. Bước này thật ra cần một ít kinh nghiệm. Đơn giản nhất chính là khi đọc thấy thông tin gì lạ quá, mới quá, sốc quá, thì khoan hãy share.

Tóm lại, nếu nhìn qua một thông tin có: 1. Tựa đề gây sốc; 2. Nội dung vô căn cứ, gây sốc; 3. Tên miền lạ hoắc, nhảm nhí = Dứt khoát không share.

Cách đối phó hiệu quả nhất với thể loại tin này gồm 6 chữ: bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua! Không bàn, không chửi, không share nhé.

Vậy nên đọc tin, share tin khi nào?

Bất cứ khi nào bạn muốn, nhưng phải xác thực nó không phải là tin rác đã nhé. Muốn vậy, ngoài việc chú ý nhận diện những đặc điểm trên, còn có một số điểm sau đây:

Nếu chưa có kinh nghiệm lọc tin, tốt nhất bạn chỉ nên đọc hoặc kiểm chứng lại tin tức từ những nguồn tin chính thống như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Chú ý tên miền như hướng dẫn ở đầu bài để đừng click nhầm trang giả mạo.

Tìm kiếm thông tin đó qua google, để xem có trang nào khác đưa tin không.

Hỏi một người bạn có kinh nghiệm hơn trước khi share.

Bài này chủ yếu mình chia sẻ ở mức độ đơn giản thôi. Rất mong bà con dùng 3 cách sàng lọc trên khi đọc báo mạng, và khi nhấn nút share để cho thế giới mạng của chúng ta trong sạch lành mạnh hơn.

Chỉ cần chú ý một chút như vậy thôi là bạn đã loại khỏi cuộc đời bạn và người thân nhiều rác rưởi lắm. Vì một thế giới mạng trong lành, vì những lòng tin “có giá” hơn.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: