Chân dung mẹ


Hình như cho đến bây giờ khi cần minh họa cho hình ảnh về người mẹ, hình ảnh được sử dụng nhiều nhất (đến mức như là một sự mặc định) vẫn là: một bà cụ già, lưng còng, mắt lèm nhèm đầy nhựa ghèn, lẫm chẫm đứng tựa cửa nhìn vào xa vắng hoặc là một phụ nữ oằn lưng với một gánh hàng nặng trước gió, một thiếu phụ lưng thon, tóc xõa xuống chấm đất, tay đung đưa chiếc võng trong đó có đứa bé đang say ngủ…

Người mẹ nghèo suốt 17 năm đạp xe chở con gái bệnh tật mưu sinh khắp Sài Gòn

Người mẹ ngậm dầu phun lửa mỗi đêm ở phố Tây Bùi Viện để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học

Chân dung mẹ

Những khi duyệt chương trình, tôi thường hỏi các đồng nghiệp của mình: “Hổng lẽ hình ảnh về những người mẹ là chỉ bấy nhiêu sao?”.

Nhưng nói thiệt, những thông điệp từ nó không hiểu sao cứ làm tôi ái ngại.

Xét về góc độ khoa học, dinh dưỡng thì một phụ nữ lưng còng là hậu quả của việc thiếu can xi, thiếu dinh dưỡng. Một người mẹ mà tóc xõa dài lượt thượt thế kia (cứ cho là chị mới gội đầu) thì thực ra là hơi thiếu tính ứng dụng. Đứa bé đang ngủ mà võng cứ đưa tung qua tung lại như thế thì rất không nên cho thần kinh của bé…

Xét ở góc độ chính trị: Mấy chục năm nay, nỗ lực của các cơ quan ban ngành này hội nọ… trong chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, cho các mẹ, cho phụ nữ trẻ em… cuối cùng cũng chỉ là nhiêu đó chả phải rất đáng quan ngại lắm sao!

Xét ở khía cạnh nghệ thuật thì những hình ảnh đó là sự biểu trưng cho sự hy sinh, che chở của những người mẹ, rất gợi cảm xúc. Nhưng chưa nói đến tính định hướng thì văn hóa, nghệ thuật muốn phát triển, ngoài sự kế thừa phải mang hơi thở của cuộc sống đương đại chí ít là về mặt tạo hình.

Là một người mẹ, đôi khi tôi tự hỏi: “Ồ, không hiểu mình méo tròn ra sao là thế nào trong mắt các con?”.

Hằng ngày, tôi vẫn nghe thấy rất nhiều người quen của mình, dẫu con cái đã lớn vẫn làm thay mọi việc từ chuẩn bị đồ ăn, thu dọn giặt giũ quần áo bẩn, cắt sẵn từng đĩa trái cây bưng lên tận phòng ép con ăn trong khi cô con gái chỉ mỗi việc là thức dậy và ngồi trước gương trang điểm… Rất nhiều người coi đó như là biểu hiện của sự hy sinh đắm đuối vì con. Có rất nhiều người, con có gia đình rồi, sinh con rồi… cũng giành để chăm nuôi.

Tôi cũng không ít lần vô cùng ái ngại khi nhìn thấy vài người bạn của mình vừa nức nở khóc vừa kể rằng những đứa con mà họ một mực yêu chiều hy sinh mọi thứ cho nó sáng nay đã ngang nhiên quát lại mẹ, bảo mẹ làm ơn tránh xa con ra…

Tôi là một người mẹ. Tôi hiểu rằng, bất cứ người mẹ nào, cho dù là má đỏ môi hồng, lên sân khấu, xuống nhà hàng hay oằn lưng với chiếc xe hàng rong… thì để các con mình có được những nụ cười đều phải biết giấu sau lưng mình cả một đại dương nước mắt.

Nhưng nếu là mẹ mà việc được rủ rỉ với con khi chỉ là nỗi khát khao còn những đứa con thì cầm đàn và tấu lên những giai điệu đầy day dứt: “mẹ thật gần, sao ta quá xa”… thì lỗi một phần là do mẹ.

Nếu như phải chọn một hình ảnh biểu trưng cho người mẹ, tôi vẫn thích đó là hình ảnh một bà mẹ cột dây vào lưng con và ném nó xuống sông cho nó tự quẫy đạp rồi kéo lên để cho nó biết bơi. Một người mẹ dắt tay con cùng bước qua những chiếc cầu cho dù là cầu ván đóng đinh hay cầu tre gập ghềnh khúc khuỷu. Một người mẹ vui nhộn cùng chơi game với con trên máy tính, shopping với con, cùng con đi làm đẹp…

Mẹ nào rồi một ngày cũng thành mẹ chồng, mẹ vợ và thành bà.

Từ những gương mặt khó tính uy nghi, một thế hệ mẹ chồng mới đang hình thành với hình ảnh của một ô sin không hơn không kém!

Cứ thầm hỏi: Ủa, chớ ngoài bồng cháu ra bà không có chi để say mê nữa sao (trồng hoa, đi chơi với ông chẳng hạn…).

Cũng phải công nhận, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thực sự sẽ được nâng lên tầm cao mới khi có cháu nhưng hãy để cho con cái mình, dâu rể mình sống cuộc đời của chúng. Hãy cứ để cho các con mình tự quyết định và chịu trách nhiệm. Cứ bắt đầu từ việc tôn trọng những sở thích cá nhân, những nguyên tắc mà chúng đặt ra trong cái gia đình mới kia.

Sẽ có nhiều người nói: Vậy thì còn chi là bản sắc dân tộc?

Bản sắc chi thì mục đích cuối cùng cũng là để mọi người luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng. Một gia đình được coi là hạnh phúc chỉ khi mọi cá nhân trong đó đều thấy hạnh phúc.

Và sẽ rất vui vẻ khi vài ngày, cả con dâu mẹ chồng đóng bếp kéo nhau ra ngoài ăn, xong về khỏi mất công nấu nấu dọn dọn.

Thỉnh thoảng bọn hắn cùng ông bà nội ngoại trốn đi đâu đó chơi vài hôm đổi gió xong về tiếp tục thức đêm quần quật làm việc tiếp.

“Chúng ta chỉ có thể cố công để giống chúng nhưng đừng tìm cách để làm chúng giống mình”.

Thế giới mênh mông, mẹ sẽ là người tạo cảm hứng cho các con thay vì chỉ là người phục vụ.

Chỉ có như thế, một ngày nào đó, ngay cả khi mẹ thực sự phải rời xa thì các con mình vẫn thì thầm: “Mẹ vẫn ở bên con”.

Chân dung mẹ chắc chắn sẽ đẹp hơn.

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: