Cặp vợ chồng “giữ lửa” nghề rèn ở Sài Gòn


Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ sát bên chợ Nhật Tảo, phường 4, quận 10 TPHCM, cứ mỗi buổi sáng, người dân khu vực này lại được nghe âm thanh quen thuộc “bùm, chát” phát ra từ cái lò rèn của ông Lê Văn Châu. Đây được xem là một trong số ít lò rèn cuối cùng còn tồn tại trên đất Sài Gòn.

Mưu sinh với nghề hái me trên vỉa hè Sài Gòn

Độc đáo lò rèn “cổ” giữa trung tâm Sài Gòn

Dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề rèn, nhưng chính tình yêu, niềm say mê đã giúp ông Châu gắn bó suốt 34 năm qua.

Dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề rèn, nhưng chính tình yêu, niềm say mê đã giúp ông Châu gắn bó suốt 34 năm qua.

Nghề chọn người… khó bỏ

Trong thời kì công nghệ 4.0, thời kì của máy móc, thiết bị hiện đại làm cho con người quên đi những giá trị của các ngành nghề thủ công. Cái sần sùi đã bị những cái trơn bóng dập tắt. Nếu ngày trước, hàng chục lò rèn luôn rực lửa, thì bây giờ số lò rèn ở TPHCM hiện chỉ còn một vài cái. Trong thị trường đầy rẫy những sản phẩm bằng công nghệ hiện đại thì những sản phẩm thủ công truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Cho đến thời điểm này, ông Lê Văn Châu (66 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (57 tuổi) được coi là một trong những người thợ cuối cùng trên mảnh đất Sài Gòn.

Trước khi đến với nghề rèn, ông Châu cũng đã thử qua một số công việc như đạp xích lô, xe ôm, thợ hồ,… Nhưng chỉ làm một thời gian ngắn, thấy không phù hợp, lại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống nên ông Châu quyết định chuyển nghề. Có thể nói, đến với nghề rèn cũng là một cơ duyên, ông học nghề trong hai năm (1982 – 1983). Ông bắt đầu mở cửa hàng rèn riêng năm 1984, tính đến nay đã được 34 năm. Thời đó, có nhiều thanh niên chọn học nghề rèn nhưng không ai bám trụ được vì quá vất vả.

“Đúng cho câu “chơi dao có ngày đứt tay”, cũng nhiều lần bị trầy trật, bầm tím, nhất là khoảng thời gian đầu. Có nhiều người hỏi: Sao không lựa chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn? Những lúc đấy, tôi chỉ cười. Bị trầy trật đấy nhưng vẫn không bỏ nghề được, càng làm càng hăng, càng say mê. Mỗi lần chứng kiến những đứa con tinh thần mình làm ra được mọi người đón nhận thì bao nhiêu mệt nhọc tan biết hết. Sau khi lấy nhau được một thời gian, vợ tôi cũng theo học nghề rèn. Ban đầu, cô chỉ phụ đập búa, sửa đục, mài kéo… sau đó làm những khâu khó hơn. Đến bây giờ, cô có thể làm tất cả những công đoạn của một người thợ, từ nung sắt, quai búa đến mài sắt. Thời gian đầu làm rất mệt, tối đến cả người ê ẩm nhưng bây giờ đã quen với công việc nên thấy không sao cả. Trong 36 năm gắn bó với nghề, tôi cũng chẳng nhớ đã làm ra bao nhiêu đồ rèn nữa” – Ông Châu vui vẻ tâm sự.

Hiện tại, hai vợ chồng ông đang sống trong một căn nhà cấp 4 cũ kĩ, không gian phía trước được tận dụng làm lò rèn, rộng tầm 3m2. “Chật chội đấy, nhiều lúc cứ đụng này đụng kia nhưng còn may mắn hơn nhiều mảnh đời ngoài kia. Đất thành phố mắc lắm, có để ở là hạnh phúc rồi” – Ông Châu nói với giọng điệu nhẹ nhàng.

Khách còn cần là còn làm

Ngày ngày quai búa, tay bà Nguyệt trở nên chai sạn, đầy vết bỏng. Dù là người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng bà Nguyệt không ngại khó, ngại khổ, luôn phụ giúp chồng trong nhiều công đoạn. Không chỉ cùng chồng làm lò rèn mà việc giao hàng bà cũng đảm nhận.

“Hầu như cô, chú nhận làm rất đa dạng sản phẩm, khách cứ đặt thì cô, chú cứ nhận. Làm riết quen tay, thời gian cho một sản phẩm cũng rút ngắn. Bây giờ hiện đại, người ta làm bằng máy hết, ít ai rèn thủ công. Cho nên, khách đa phần là những mối lái của cô chú từ xưa” – Bà Nguyệt chia sẻ.

Có thể thấy, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, giá trị cao đòi hỏi người thợ cần phải đầu tư trong từng công đoạn. Trong các khâu để tạo ra sản phẩm, công đoạn nào cũng giữ vai trò quan trọng, nhưng quan trọng nhất chắc là khâu đập. Đập là một khâu không khó nhưng nó đòi hỏi phải có sự đều tay, đập lúc nào cũng có một đập mạnh và một đập nhẹ đan xen nhau.

Theo ông Châu, lúc trước khách đặt hàng rất nhiều, thu nhập nghề rèn mang lại tương đối ổn định, cuộc sống gia đình khá tốt. Lúc đó, có ngày hai vợ chồng phải tranh thủ dậy làm từ sớm để kịp giao cho khách. Tháng nào cũng dành dụm được một khoản nhỏ. Mấy năm trở lại đây, có những ngày vợ chồng ông không có gì để làm cả, nhiều khi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần, cuộc sống vì thế cũng trở nên khó khăn. Nghề rèn không chỉ đòi hỏi về mặt sức khỏe mà còn là sự tỉ mỉ, kiên trì trong từng công đoạn. Đôi lúc, ngồi rèn bên lò nóng hàng nghìn độ C cộng với tuổi già sức yếu, ông hay bị choáng, buộc phải dừng công việc, nghỉ ngơi rồi mới tiếp tục.

Ngày xưa, khi thiết bị máy móc chưa xuất hiện nhiều, trong Sài gòn có hàng chục lò rèn, chẳng khó khăn để nghe tiếng chí chát đập búa. Bây giờ, khi mọi người lần lượt chuyển đổi nghề, chỉ còn mỗi vợ chồng ông Châu gắn bó, dù trở thành “độc quyền” ở đây nhưng ông Châu luôn cảm thấy buồn. Là người từng chứng kiến biết bao sự đổi thay của nghề. Với ông Châu, nghề rèn có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. “Ở cái thời hoàng kim đấy, trong Sài Gòn có tầm 40 – 50 lò rèn, dù bị cạnh tranh, phải đi kiếm mối giao hàng, nhưng sao vẫn thấy vui. Cho dù hiện tại, tương lai có như thế nào đi nữa, khách còn cần thì chú còn làm, còn gắn bó với nghề” – Vừa rèn sắt, ông Châu nhẹ nhàng chia sẻ.

Với tình yêu, niềm đam mê với nghề, ông Châu mong ước một ngày nào đó, nghề rèn sẽ lấy lại những giá trị vốn có của nó, sẽ lại được mọi người đón nhận. Dù biết rằng, trong nhịp phát triển như hiện nay điều mong ước đó là khó khăn. Có lẽ ông Châu, bà Nguyệt là những người thợ rèn hiếm hoi còn sót lại ở đất Sài Gòn. Họ muốn truyền, muốn giữ lại nghề không chỉ vì đó là một phương tiện mưu sinh, mà họ còn muốn gìn giữ cái nghề truyền thống, không muốn nó bị mai một, xóa sổ.

Theo laodong


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: