Độc đáo làng tạc tượng hơn 100 năm ở Sài Gòn


Giữa ồn ào, náo nhiệt của thành phố, tại con hẻm 1017 Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM) , thoáng chốc từng tiếng gõ lạch cạch vang lên từng hồi. Tại đây đang bảo tồn và phát triển làng nghề tạc tượng truyền thống hơn 100 năm.

Làng nghề mành trúc xuất khẩu tồn tại hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn

Đi tìm tiếng guốc cuối cùng ở chợ Bến Thành

Các bức tượng được xếp dọc theo các con hẻm.

Các bức tượng được xếp dọc theo các con hẻm.

Cha truyền con nối

Chạy dọc theo con hẻm 1017 Hồng Bàng, không khó bắt gặp những bức tượng đang được xếp trải dài trước những cơ sở sản xuất. Những bức tượng ở đây đang còn làm dang dở với những đường nét chưa thành hình được tạc bằng xi măng, thạch cao… Ngoài ra, cũng có những bức tượng đã hoàn thiện đang chờ người đến nhận.

Những người thợ lành nghề ở đây luôn chăm chút vào những nét vẽ, đường tạc, để có thể tạo ra những bức tượng theo ý của khách hàng. Tiếng gõ, tiếng đẽo vang lên, tiếng cười nói qua lại của những người thợ làm xua đi sự mệt mỏi trong tiết trời oi bức.

Những người thợ lành nghề vẫn chăm chú, miệt mài với những đường nét trên bức tượng.

Những người thợ lành nghề vẫn chăm chú, miệt mài với những đường nét trên bức tượng.

Một bức tượng dù là lớn hay nhỏ đều phải trải qua các công đoạn. Đầu tiên là phải đúc tượng theo khuôn mẫu có sẵn, nguyên liệu ở đây chủ yếu là xi măng hoặc thạch cao. Tiếp theo là gắn những mảnh ghép của bức tượng lại với nhau để cho ra một bức tượng thô, rồi từ đó các người thợ lành nghề sẽ trét thạch cao để làm cho bức tượng được sắc nét và trơn láng hơn. Sau đó,  các bức tượng sẽ được chà giấy nhám và cuối cùng phủ màu sơn để cho ra một bức tượng hoàn chỉnh.

Được gọi là làng nghề truyền thống, nhưng thực chất nơi đây chỉ có hơn 10 hộ mở cơ sở đúc tượng theo kiểu cha truyền con nối. Các chủ cơ sở ở đây đều có quan hệ họ hàng anh em với nhau và cùng nhau hoạt động nhiều năm liền.

Tại cơ sở tạc tượng Mai Văn Lai có thâm niên hoạt động hơn 100 năm, được ông Mai Văn Tình nối nghiệp gia đình tiếp tục mở rộng và sản xuất.

Lúc nhỏ, ông Tình thấy các thành viên trong gia đình làm nghề đúc tượng Phật. Khi lên 9 tuổi, ông đã phụ gia đình những công việc nhỏ như chà giấy nhám và đắp khuôn tạo mẫu… ông cảm thấy thích và theo cha học nghề từ đó.

Đến năm 20 tuổi, ông đã trở thành một tay thợ trẻ có thể tạc được những bức tượng đơn giản. Sau khi cha mất, ông nối nghiệp và mở rộng cơ sở cho đến nay.

Ông Mai Văn Tình vẫn đang chăm chú tạo nên những đường nét của bàn tay phật.

Ông Mai Văn Tình vẫn đang chăm chú tạo nên những đường nét của bàn tay phật.

“Nghề tạc tượng này không phải ai cũng có thể làm được. Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và có cái tâm với nghề. Có những thợ làm nghề lâu năm mà khi đúc ra một khuôn mặt bức tượng thì bị vô hồn, bị thô thì coi như bỏ”. Ông Tình cho biết.

Cũng theo ông Tình gia đình ông làm nghề này đến nay cũng đã rất lâu, “Ngay thời điểm tôi sinh ra là gia đình tôi làm nghề này rất phát triển. Nghề này là từ ông nội truyền cho ba tôi, ba tôi truyền cho tôi cùng các anh em trong gia đình. Đến nay nghề này tồn tại được 3 thế hệ và cũng đã hơn 100 năm rồi”.

Tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh khu vực

Nghề tạc tượng quanh năm làm không hết việc. Vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 7 làng nghề càng trở nên nhộn nhịp và tập nập. Chính vì thế mà các cơ sở luôn tuyển nhiều thợ để phụ giúp cho mình.

Ông Mai Văn Thuấn chủ cơ sở tạc tượng số 1017/8 cho biết: “Cơ sở của tôi luôn nhận và đào tạo những người học việc. Điều đặc biệt ở đây, khi các bạn trẻ đến học việc đều được nhận lương tương xứng để hỗ trợ trong việc sinh hoạt và ăn uống”.

Ông Mai Văn Thuấn vẫn đang say sưa trét thạch cao để tạo ra một bức tượng hoàn chỉnh.

Ông Mai Văn Thuấn vẫn đang say sưa trét thạch cao để tạo ra một bức tượng hoàn chỉnh.

Ông Thuấn cho biết nghề này cũng như bao nghề khác, nếu yêu thích và siêng năng thì đều có thể theo được. Nói khó thì chỉ khó với những ai mới vào nghề, còn những ai trải qua rồi mới cảm thấy dễ.

Theo ông Thuấn, đây cũng là một nghề làm thêm của sinh viên “Lúc trước, tôi có nhận những sinh viên đến xin phụ việc tại đây. Các cháu tranh thủ những giờ rảnh đến phụ giúp để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Bà Mai Thị Tâm, em gái ông Thuấn cho biết: “Có những bạn trẻ vừa mới vô họ chỉ muốn làm tô màu cho tượng, các bạn đó không thích chà nhám vì sợ bụi bặm và tốn sức. Nhưng các bạn đó đâu biết, muốn trở thành một người thợ lành nghề thì phải trải qua các công đoạn. Bạn phải chà nhám rồi tới ráp tượng rồi tới trát thạch cao thì bạn mới có thể thực hiện công đoạn cuối cùng là tô màu cho tượng”.

Một người thợ lành nghề của cơ sơ ông Thuấn vẫn đang miệt mài bên những bức tượng.

Một người thợ lành nghề của cơ sơ ông Thuấn vẫn đang miệt mài bên những bức tượng.

Anh Trần Anh Vũ, người thợ lành nghề của cơ sở ông Thuấn cho biết: “Thu nhập trung bình ở đây khoảng 8 triệu đồng/tháng. Vào những tháng cao điểm như tháng 4 đến tháng 7, vì số lượng đặt hàng nhiều và mình phải tăng ca, nên lương có khi lên đến chục triệu đồng mỗi tháng, mang lại nguồn thu nhập cao cho mình”.

Một số bức tượng đã hoàn thành và chờ người đến nhận:

IMG_3135

IMG_3136

Một số bức tượng đã hoàn thành và chờ người đến nhận.

Giữa sự tất bật của cuộc sống, làng nghề vẫn lặng lẽ tồn tại từ bao đời nay, không chỉ đơn thuần là công việc tạo ra thu nhập mà còn là công việc gìn giữ nghệ thuật điêu khắc truyền thống và góp phần làm đẹp thêm cho văn hoá tâm linh người Việt.

Theo NTD


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: