Gốm Bàu Trúc “sống” trên đất Sài Gòn


Hôm nay tại Sài Gòn, một “dòng chảy mới” của gốm Chăm Bàu Trúc đã xuất hiện với những sản phẩm giữ đúng “chất” truyền thống: Làm hoàn toàn bằng tay, hỏa biến tùy duyên của lửa, chủ đạo là màu nâu của đất và tận cùng của thô mộc…  

6 tiệm gốm ở Sài Gòn đã ghé đến thì kiểu gì cũng kiếm được đồ đẹp mang về

Cận cảnh lò gốm duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn

Hướng đi sai của gốm Bàu Trúc

Trước đây, ngót 20 năm, làng Bàu Trúc (thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn còn những mái nhà truyền thống, những khuôn viên đầy ụ rơm, được bao quanh bởi hàng rào tre… Cho đến khi gốm Bàu Trúc được thị trường chú ý, có giá trị hơn thì nếp sống, cách làm gốm của Bàu Trúc đã thay đổi ít nhiều. Đáng chú ý là những ngôi nhà tường, nhà ống bê-tông được xây lên do nhiều người dân làm ăn khấm khá.

Nướng gốm theo cách truyền thống

Nướng gốm theo cách truyền thống

Chỉ sau một thời gian, nhiều người Chăm trong làng đã ngỡ ngàng tiếc nuối nhận ra một điều, giá như làng còn mái tranh vách đất, hàng rào tre như trước. Kiến trúc thay đổi, kéo theo những thay đổi về nếp sống. Người hiểu về bảo tồn và làm du lịch đã chỉ ra rằng, nếu làng gốm vẫn còn những giá trị cũ và tổ chức được nếp sống, sản xuất xưa thì chỉ cần giữ nguyên và bán vé tham quan, cả làng sẽ sống khỏe.

Với sản phẩm gốm Bàu Trúc, những cách làm gốm truyền thống như không dùng bàn xoay, nung đốt lộ thiên, làm bằng tay… gần chục năm gần đây dường như dần ảm đạm. Mẫu mã không được thay đổi mới, mẫu cũ tồn tại từ năm này qua năm khác. Nghệ nhân giỏi ít sáng tác mới, thể nghiệm sản phẩm mới vì người đặt hàng ít. Hàng phổ thông bán cho du khách chỉ tập trung vào một số lò (đại lý). Người làm bước một (chế tác) vẫn khó để sống với nghề. Nhiều người bỏ nghề đi làm thợ xây, tập trung làm ruộng hay đi hái cà phê thuê tận Tây Nguyên… Việc kế tục nghề gốm không còn hấp dẫn người trẻ.

Hỏa biến từ lửa, màu nâu của đất là chủ đạo, mộc mạc, sần sùi, chế tác hoàn toàn bằng tay, nung đốt bằng rơm, củi… là những điều đã khiến gốm Bàu Trúc khác biệt với hầu hết các dòng gốm khác, tạo nên thế mạnh của riêng mình.

Nhiều dân làm gốm nghệ thuật về làng gốm Bàu Trúc đã “lắc đầu ngán ngẩm” vì dấu ấn thị trường hóa quá mạnh, nhất là việc lạm dụng màu đen của nước hạt điều với tỷ lệ phun xịt quá lớn, tạo nên mảng đen bao trùm sản phẩm. Bên cạnh “đen hóa” là “bóng hóa”, tức bôi bóng bên ngoài sản phẩm sau khi nướng xong (bằng keo nhựa) làm cho gốm Chăm Bàu Trúc vốn có thế mạnh là sần sùi, mộc mạc bỗng trở nên bóng bẩy như gốm Biên Hòa, Bình Dương, Bát Tràng…

Khi du khách nghĩ rằng, màu đen bao phủ là biểu hiện của một sản phẩm được nung tốt và việc bôi bóng khiến nó giống với các loại gốm khác và bỏ tiền mua chúng thì chính là lúc họ đang vô tình “lái” gốm Bàu Trúc đi theo một hướng đi khác, xa dần với con đường truyền thống: Hỏa biến tùy duyên từ lửa, màu nâu của đất là chủ đạo, mộc mạc, sần sùi, chế tác hoàn toàn bằng tay và nung đốt bằng rơm, củi…, những điều đã khiến gốm Bàu Trúc khác biệt với hầu hết các dòng gốm khác, tạo nên thế mạnh của riêng mình, trở thành “hàng hiếm” ngay cả trong khu vực Đông Nam Á.

Thật khó có thể trách người nông dân – nghệ nhân làm gốm vì “có thực mới vực được đạo”, mới có thể duy trì nghề, trước khi nghĩ đến sáng tạo hay bảo tồn nét truyền thống.

Dòng chảy mới hiện hữu

Gần đây, những “cuộc chơi” mới của thị trường gốm Chăm Bàu Trúc xuất hiện khi một số người trẻ từ Sài Gòn nhận thấy một số tín hiệu của thị trường hiện đại hướng tới sản phẩm “mộc”, nhiều giá trị tinh thần như gốm Chăm Bàu Trúc, trong đó có cả ứng dụng kiểu dáng mới, công năng mới, ý tưởng kinh doanh mới, khai thác các kiến thức văn hóa, tín ngưỡng liên quan…

Người mẹ Ô Lý lấy cảm hứng từ ca khúc “Người mẹ Ô Lý” của Trịnh Công Sơn

Người mẹ Ô Lý lấy cảm hứng từ ca khúc “Người mẹ Ô Lý” của Trịnh Công Sơn

Có thể hiểu đơn giản đó là một dạng gốm Bàu Trúc đáp ứng 2 yếu tố: Quay về cách làm truyền thống với hỏa biến tự nhiên bên cạnh thể nghiệm nhiều mẫu mã mới, được thổi hồn bằng những nét văn hóa mới. Đa phần những người trẻ đang mang gốm Chăm Bàu Trúc đến Sài Gòn đều ít nhiều có kiến thức về đời sống Chăm, hệ thống tín ngưỡng Chăm, nhất là Bà La Môn giáo.

Điển hình như Dự án “Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, gốm Chăm handmade tại TP HCM” của anh Nguyễn Xuân Huy (33 tuổi) hoạt động khoảng 2 năm tại Sài Gòn, đã bắt đầu tạo được một số dấu ấn mới. Từ chuyện thiết kế những mẫu mã bình hoa Bàu Trúc và nghiên cứu chống thấm bên mà vẫn giữ được nét mộc mạc, anh Huy đã đưa được bình gốm Bàu Trúc vào không gian nhiều gia đình hiện đại. Việc đựng được nước cắm hoa tươi với bình gốm Chăm nung non dường như mới bắt đầu có từ dự án này.

Hay những ý tưởng sáng tác, thiết kế mới với sự kết hợp giữa dự án với nghệ nhân làm tượng ở làng Bàu Trúc đã cho ra mắt công chúng nhiều sáng tác, thử nghiệm như tượng “Người mẹ Ô Lý”, “Cầu mưa”, “Đức Phật”, “Thằng Bờm”, gắn biểu tượng âm dương Chăm (Haumkar) hay chữ viết Chăm lên sản phẩm… tạo nên một hệ thống sản phẩm vừa có yếu tố văn hóa Chăm, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Dự án gốm Bàu Trúc phân phối tại Sài Gòn trong những bước đi đầu tiên với người mẫu đại diện hình ảnh

Dự án gốm Bàu Trúc phân phối tại Sài Gòn trong những bước đi đầu tiên với người mẫu đại diện hình ảnh

Theo anh Xuân Huy, việc bán gốm Chăm Bàu Trúc ở Sài Gòn không dễ mà trái lại rất khó, ngoài vốn đầu tư thì điều quan trọng hơn hết là phải có đủ đam mê và kiên nhẫn, kế đến là phải có vốn hiểu biết về văn hóa Chăm, đời sống và tôn giáo của người Chăm. Và không chỉ với người bán, ngay cả người chơi gốm Chăm cũng cần có đủ những yếu tố đó. Thế nên có dạo, trên facebook của Xuân Huy có rất nhiều bài viết về ý nghĩa các vị thần trong tôn giáo Chăm hay một số bộ tượng mang tính xã hội, thiền. Đó là cách để ngày càng nhiều người hiểu về ý nghĩa của tượng, giúp họ thấy được vẻ đẹp tinh thần, văn hóa Chăm.

Bằng các câu chuyện và hình ảnh bắt mắt, sản phẩm của Dự án “Gốm Bàu Trúc Ninh Thuận, gốm Chăm handmade tại TP HCM” bắt đầu lan tỏa vào cộng đồng, hứa hẹn gốm Bàu Trúc sẽ có một luồng sinh khí mới trên đất Sài Gòn.

Vùng đất Ninh Thuận là nơi có nhiều nét văn hóa riêng, trong đó có nền văn hóa Chăm đặc sắc góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc địa phương nói riêng. Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển.

Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, làng dệt Mỹ Nghiệp và làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.

Theo petrotimes


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: