Làm việc trên độ cao cả trăm mét, một mình lơ lửng giữa trời gần như không ai trò chuyện là công việc đầy khó nhọc và cô đơn của công nhân lái cẩu tháp ở các công trình xây dựng. Được dùng để vận chuyển vật liệu và các cấu kiện xây dựng lên cao, cần trục tháp được lắp đặt sử dụng trong các công trình có độ cao lớn thi công trong khoảng thời gian dài như các tòa nhà cao tầng, công trình thủy điện… Cần trục tháp là một thiết bị khổng lồ và phức tạp, mọi sơ xuất nhỏ đều có thể gây hậu quả lớn vì vậy các yếu tố an toàn luôn được coi trọng như: vị trí lắp tháp không lún sụt, chắc chắn, cáp, phanh thường xuyên kiểm tra, cabin, cửa sổ phải được chiếu sáng đầy đủ. Người điểu khiển cần trục tháp phải có đầy đủ các chứng chỉ đào tạo chuyên môn, sức khỏe, được cấp phép hoạt động, tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn vận hành. Anh Nguyễn Tấn Trình người Tư Nghĩa, Quảng Ngãi năm nay 30 tuổi có hơn 5 năm kinh nghiệm lái cẩu tháp chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi phải chấp hành các quy tắc an toàn rất chặt chẽ. Máy móc là một chuyện nhưng ý thức của người lái cẩu tháp là điều quan trọng nhất để vận hành cẩu an toàn tuyệt đối”. Mỗi sáng anh sẽ leo bộ lên cẩu tháp để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Chỉ việc lên xuống đã là một thử thách đối với người bình thường. Trước khi lái cần trục tháp, anh phải học qua các lớp nghiệp vụ chuyên môn, sau đó sẽ làm một thời gian ở vị trí phụ điểu khiển bộ đàm trên công trình, hướng dẫn cho lái chính. Công việc cụ thể như kiểm tra nguyên vật liệu khi móc vào cẩu phải đảm bảo chắc chắn, an toàn. Chọn cáp xích phù hợp trọng lượng kích thước tải, quy định tín hiệu với người điểu khiển cần trục, biết vùng nguy hiểm của thiết bị nâng để cảnh báo. Sau khi đã thuần thục sẽ tập lái, thường sau một năm tay nghề sẽ vững vàng. Đối với nghề này có nhiều nguy hiểm và áp lực như leo lên cần trục tháp để làm việc. Làm việc thường xuyên trên cao, chịu nắng gió khắc nghiệt, luôn ở trạng thái tập trung cao độ để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó người làm việc trên cần trục tháp lâu ngày phải đối mặt với “cô đơn” vì ít có dịp trao đổi trò chuyện cùng đồng nghiệp. Nhiều khi công việc cấp tập, người lái cẩu tháp phải dùng bữa trưa đạm bạc bằng 1 ổ bánh mỳ đưa lên bằng đường cần trục. Đây cũng là một yếu tố để gây căng thẳng tâm lý nếu kéo dài. Vì vậy thường công nhân lại cần trục tháp sẽ làm 15 ngày mỗi tháng để đảm bảo an toàn về sức khỏe cũng như sự cân bằng tâm sinh lý tự nhiên. Nguồn: Hải An