Nghề làm nhang


Khác với những nghề truyền thống thường tập hợp thành một làng nghề lớn nhỏ, nghề se nhang có mặt hầu hết khắp nơi với tính cách làm ăn nhỏ lẻ. Tuy thế nghề sản xuất thủ công gần gũi với tâm linh này vẫn còn nuôi sống được những người trót đã theo nghề nghiệp của gia đình, âu cũng là giữ được cái nghề truyền thống.

Chúng tôi đến xã Tân Tạo, quận Bình Tân (một phần của huyện Bình Chánh ngày trước) để xem nghề làm nhang ở đây. Vài chục năm trước, vùng đất này có nhiều gia đình làm nhang thủ công. Nhưng hiện giờ một số đã bỏ nghề chuyển qua làm ăn buôn bán vì đất nhà đã đô thị hóa. Những người khác bám nghề buộc lui dần ra các vùng ven còn đất trống hoặc quây quần sản xuất trong một không gian nhỏ hẹp.

Anh Thành ở xã Tân Tạo B, thuê được một căn nhà vách gạch, mái tôn rộng hơn trăm mét vuông làm cơ sở sản xuất. Nhang phơi phóng bên ngoài dọc theo bờ rạch. Phần đất này là đất công nhưng các nhà trong xóm vẫn xem là phần đất của mình do công dọn dẹp cỏ hoang nhiều năm trước. Anh Thành phải trả tiền thuê. “Bây giờ kiếm được chỗ trống phơi nhang không dễ chút nào. Chỗ nào cũng là nhà cả. Có tìm được chỗ đất rộng thì lại phải xây dựng cơ sở và không biết làm được bao năm rồi lại phải tháo dỡ đi. Tính tới tính lui không chỗ nào tiện hơn đất nhà!” anh tâm sự.

images297685_nhang

Se nhang bằng máy Ảnh: Mai Hạ

Cơ sở của anh có đến hơn mười nhân công se nhang. Nhang se bằng máy cuốn, không gây tiếng ồn lớn, nhưng bụi là vấn đề đáng quan tâm. Hầu như nhân công se nhang không ai sử dụng khẩu trang trừ người trộn bột nhang với hương liệu. Bột nhang bao gồm thành phần: mùn cưa mịn, bột lá gòn khô, hương liệu mùi trầm và màu hóa chất.

Bột nhang sau khi làm xong được chuyển qua cho thợ se. Một nhân công mỗi ngày ngày se được chừng 6 đến 7 thiên, mỗi thiên tiền công tám ngàn. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể làm đến số lượng ấy. Một chị nhân công lớn tuổi cho biết: “Trước đây người ta se nhang toàn bằng tay không chứ có được máy se như bây giờ, một ngày ra tới năm sáu thiên. Hồi ấy, một ngày tôi se được chừng hai thiên là hết mức. Tiền công cũng nuôi được miệng ăn, còn bây giờ có máy làm phụ nhưng thu nhập không hơn gì. Chỉ đủ ngày ba bữa ăn”.

01022016091946893-thong-hai_24_resize

Phơi nhang ở một cơ sở làm nhang ở xã Tân Tạo

Anh Thành cho biết cơ sở anh có trang bị cho nhân công khẩu trang nhưng không ai chịu đeo vào khi làm việc mà lại dùng để đi ngoài đường. “Chị em vừa làm việc vừa nói chuyện cho đỡ buồn, chứ bịt mồm bịt miệng làm sao nói!”, một cô thợ se nhang nhanh nhẩu góp chuyện.

Gần cơ sở anh Thành, còn có một gia đình làm nhang đại dùng để bán cho những ngày lễ bái lớn ở đình chùa. Số lượng nhang sản xuất mỗi ngày không nhiều do làm bằng tay và không có nhu cầu tiêu thụ cao như các loại nhang nhỏ. Chú Năm Nhàn vừa ngồi vót tre làm thân nhang vừa trao đổi với chúng tôi về nghề làm nhang. “Nghề này cực lắm, trót lỡ theo nghề ông bà nên ráng theo cho trót. Cái gì cũng lên giá được, chỉ có cây nhang là không. Thấy vậy chứ nghề se nhang này nhiều nơi làm lắm. Trước kia ở quận 8, miệt kênh Tàu Hủ, Ruột Ngựa; quận 6, và ở đây. Bây giờ, mấy nơi đó đất đai có giá người ta bán đất, bỏ nghề hết cả. Cũng còn vài người bám nghề, họ làm trong nhà rồi đem bỏ mối ở các chợ. Muốn có thu lợi nhiều hơn phải mở cơ sở làm ăn như bên chú Thành kia. Gia đình tôi liệu sức, vốn ít, làm nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày. Hơn nữa, nguyên liệu giờ gì cũng đắt, một cây nhang đại lời chưa tới năm trăm đồng mà nhiều lúc chủ đặt hàng còn trả giá lên xuống”.

Gia đình ông theo nghề này đã mấy mươi năm, từ lúc ba má ông làm nghề se nhang ở Hậu Giang lên Sài Gòn lập nghiệp. Nhang đại người Hoa Chợ Lớn dùng nhiều hơn người Việt mình, thế nhưng bây giờ cũng giảm vì có loại nhang điện nhìn sơ qua tưởng y nhang thiệt nhưng không ra khói.

“Nhang điện có đủ loại lớn nhỏ bán đầy các các tiệm hàng mã ở Chợ Lớn. Tuy thế, tôi nghĩ mình làm ra món vật thờ cúng mà không có hương khói thì làm sao gần gũi với tâm linh con người” anh Thành nói lời này như thể xác định nghề se nhang sẽ tồn tại mãi mãi với đời sống cho dù xã hội có hiện đại đến mấy đi nữa…

Theo Báo Trẻ Online

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: