Người dân TP.HCM mong ngóng 2 cây cầu ngàn tỉ


Đặt kế hoạch khởi công vào năm sau, cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ là 2 trong số những dự án giao thông trọng điểm được người dân TP.HCM đặc biệt mong chờ. Tuy vậy, hiện cả hai dự án đều đang gặp thách thức trong vấn đề quy hoạch và điều chỉnh kiến trúc.

Cầu Thủ Thiêm 4 bất ngờ “vướng” cảng hành khách quốc tế

Trong văn bản gửi Sở KH-ĐT, Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện đã có 5 phương án về tĩnh không (khoảng cách từ mặt nước cao nhất tới gầm cầu) được nghiên cứu cho cầu Thủ Thiêm 4. Trong đó có 2 phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không cố định 10 m và 15 m, kinh phí đầu tư lần lượt khoảng 4.365 tỉ đồng và 4.840 tỉ đồng. Hai phương án này phù hợp quy hoạch, song chiều cao không đáp ứng tàu lớn ra vào cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.


Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4

ẢNH: SỞ GTVT TP.HCM

Hai phương án khác là cầu Thủ Thiêm 4 dạng dây văng có tĩnh không cố định 45 m hoặc xây hầm vượt sông Sài Gòn, tổng mức đầu tư lần lượt hơn 8.000 tỉ đồng và gần 9.000 tỉ đồng. Sở GTVT đánh giá ngoài kinh phí lớn, khó hoàn vốn cho nhà đầu tư, 2 phương án này đều khó thực hiện do ảnh hưởng quy hoạch trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như Q.7.

Phương án còn lại là cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không khai thác bình thường 15 m, nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45 m, thông qua 2 trụ tháp cùng hệ thống nâng. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống nâng cầu sẽ phát sinh chi phí duy trì và có thể ảnh hưởng đến lưu thông đường bộ. Phương án này có tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng và được Sở GTVT TP.HCM đề xuất lựa chọn nhằm giúp tàu lớn dễ dàng qua lại sông Sài Gòn.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT hồi tháng 8 vừa rồi, UBND TP.HCM cho biết sẽ chọn phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không cố định 15 m, vì phương án này phù hợp với hoạt động của các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn. Đồng thời, khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội đã quy hoạch 2 vị trí cảng thủy nội địa hành khách.

Mặt khác, phía hạ lưu của cầu Thủ Thiêm 4, trong điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, xác định sẽ có bến tàu khách quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ (Q.7) và hạ lưu khu vực cảng Bến Nghé (Q.7), có khả năng tiếp nhận các tàu khách quốc tế lớn lên đến 60.000 GT và 30.000 GT.

Tuy nhiên, một yếu tố bất ngờ đã xuất hiện khi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo nghiên cứu lại quy hoạch vị trí cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thành “Cảng hành khách quốc tế”. Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu và cập nhật quy hoạch này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Điều này khiến việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không cố định 15 m trở nên không phù hợp, vì các tàu khách lớn khó có thể chui qua được cầu để cập cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu và cập nhật quy hoạch về cảng hành khách quốc tế tại cảng Nhà Rồng – Khánh Hội vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM, làm cơ sở xác định tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4.

TS Hoàng Ngọc Lan (Viện Đô thị thông minh và quản lý – ĐH Kinh tế TP.HCM) đánh giá cầu Thủ Thiêm 4 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đôi bờ sông Sài Gòn. Nếu như cầu đi bộ “gánh” nhiệm vụ mở không gian đô thị, không gian văn hóa thì các cây cầu kết nối giao thông, cho xe đi như cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là động lực thúc đẩy khu đô thị Thủ Thiêm phát triển. Điển hình, TP.Thượng Hải ở Trung Quốc cũng có bối cảnh giống TP.HCM với bờ tây là bến Thượng Hải phát triển sầm uất, bờ đông là khu phố Đông hiện nay trước kia cũng chỉ là vùng đất nông nghiệp hẻo lánh như đầm lầy Thủ Thiêm gần 20 năm về trước. Chính quyền Thượng Hải khi đặt mục tiêu phát triển khu Đông thành đặc khu kinh tế cũng bắt đầu từ việc làm đồng loạt nhiều cây cầu kết nối, xây dựng hệ thống hạ tầng vững chắc. Chỉ trong 20 năm thành lập và phát triển, phố Đông đã bùng nổ và trở thành một trong những khu vực sầm uất, thịnh vượng nhất thế giới.

“Cầu kết nối tới đâu, bờ đông sông Sài Gòn sẽ lột xác, phát triển tới đó. Tại VN hiện nay gần như vẫn chưa có địa phương nào thiết lập được một hệ thống không gian công cộng ven sông đẹp, bài bản. Nếu TP.HCM làm được nguyên một hệ thống cầu kết nối công viên đôi bờ đông – tây sông Sài Gòn thì sẽ trở thành thế mạnh đô thị sông nước của TP”, TS Hoàng Ngọc Lan nhận định.

Cầu Cần Giờ vẫn chờ vào quy hoạch

Hai năm trở lại đây, công trình mơ ước của người dân huyện đảo Cần Giờ nói riêng cũng như người dân TP.HCM nói chung là cầu Cần Giờ liên tục đón những dấu hiệu tích cực tiến tới ngày chính thức khởi công. Đáng chú ý, thông tin cầu Cần Giờ điều chỉnh thiết kế giúp TP.HCM tiết kiệm gần 2.000 tỉ đồng càng dấy lên niềm hy vọng rằng với phương án vốn hợp lý, công trình sẽ có thêm điều kiện thuận lợi.


Phối cảnh cầu Cần Giờ

ẢNH: SỞ GTVT TP.HCM

Theo Sở GTVT TP.HCM, phương án kiến trúc cầu Cầu Giờ được UBND TP phê duyệt năm 2019 là cầu dây văng một trụ tháp (cao 230 m) với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước đặc trưng ở Cần Giờ. Sau một thời gian nghiên cứu, các cơ quan ngành giao thông TP nhận thấy phương án này bộc lộ nhiều hạn chế về mặt kinh tế và kỹ thuật. Thiết kế một trụ tháp gặp khó khăn trong việc thi công do các đốt dầm có tải trọng lớn và không phù hợp với năng lực của các nhà thầu trong nước, điều này đã làm giảm tính khả thi của dự án. Ngoài ra, việc bố trí một trụ tháp cũng không đảm bảo độ ổn định của cầu, đặc biệt là về mặt động học khi đối mặt với gió mạnh…

Về mặt chi phí, phương án một trụ tháp ước tính sẽ tốn thêm khoảng 1.962 tỉ đồng so với phương án 2 trụ tháp và thời gian thi công dự kiến cũng kéo dài hơn. Với những hạn chế nêu trên, UBND TP.HCM đã quyết định chấp thuận kiến nghị thay đổi thiết kế từ cầu dây văng một trụ tháp sang 2 trụ tháp. Phương án mới vẫn giữ hình ảnh kiến trúc cây đước và đảm bảo tĩnh không thông thuyền 55 m. Việc điều chỉnh này đã nhận được sự đồng thuận của Thường trực Thành ủy TP, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước triển khai tiếp theo của dự án.

Hiện tổng mức đầu tư cầu Cần Giờ sau khi thay đổi thiết kế là 10.569 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Sở GTVT TP cũng đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ vào ngày 30.4.2025, hoàn thành năm 2028 cùng với cầu Thủ Thiêm 4.

Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM cho biết cầu Cần Giờ vẫn chưa được thể hiện trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng H.Cần Giờ và các đồ án quy hoạch phân khu tại H.Nhà Bè. Vì thế đến nay, công trình vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND TP đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Sở cũng cần rà soát và kiến nghị danh mục, kế hoạch chi tiết về tiến độ cho các cơ quan liên quan trong việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cùng các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị để hoàn tất cơ sở pháp lý cho dự án cầu Cần Giờ. Hiện Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao đơn vị này và các địa phương thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch liên quan.

Cầu Cần Giờ là công trình đứng đầu danh sách những dự án trọng điểm trong kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông huyện giai đoạn 2023 – 2030 mà UBND H.Cần Giờ đang nghiên cứu, hoàn chỉnh. Đặc biệt, “giấc mơ” Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể thành hiện thực hay không, một phần lớn cũng phụ thuộc vào tốc độ hình thành mạng lưới giao thông kết nối đường bộ tới cảng để phục vụ hoạt động khai thác và các ngành dịch vụ kinh tế sau cảng. Trong đó, cầu Cần Giờ là dự án được đánh giá cấp bách hàng đầu.

Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến có tổng chiều dài 2,16 km; trong đó phần cầu chính dài hơn 1,6 km, với 6 làn xe. Cầu bắt đầu từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh (Q.7), kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và đường Bùi Thiện Ngộ. TP.HCM đặt mục tiêu khởi công cầu Thủ Thiêm 4 dịp 30.4.2025, hoàn thành năm 2028.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: