Chó cảnh Sài Gòn xưa


Khi thế hệ của tôi lớn lên trong những năm cuối của thập niên 1960, dân Sài Gòn đã quen thuộc với thú chơi chó cảnh.

6 năm để hoàn thành đôi “thần khuyển” được làm từ cây hoa mẫu đơn

Bộ sưu tập chim vẹt gần nửa tỷ của chàng trai Sài Gòn

Chó a Noa (Grand Danois  Great Dane) ¢nh National Geographic

Chó a Noa (Grand Danois Great Dane) ¢nh National Geographic

Phần đông chó cảnh lúc đó chỉ quanh quẩn trong một vài giống căn bản, thí dụ như 
béc-giê Đức (Berger Allemand, German sheppard), bốc-xơ (Boxer), đa-noa (Grand Danois, Great Dane, nay còn gọi là chó ngao), phốc (Fox), Bắc Kinh, Nhật Bản, Caniche (Poodle)…

Chó béc-giê Đức, chó Nhật, phốc có vẻ đã có mặt từ lâu, sống rải rác khắp nơi. Đa-noa hiếm hơn, lúc đó chỉ có loại màu trắng khoang đen, còn gọi là giòng Harlequin. Một số lò đa-noa nổi tiếng có thể kể đến tu viện Đa Minh gần Thủ Đức; gia đình chủ rạp xinê Văn Hoa ở Đa Kao; gia đình một vị tướng họ Thành trên đường Phan Thanh Giản (đường Điện Biên Phủ bây giờ)…

Chưa kể một vài lò sản xuất chó cảnh thương mại ở mấy con hẻm nhỏ bên Khánh Hội, như của nhà báo lão thành Trọng Tấu. Nhưng các giống chó cảnh ở Sài Gòn đến lúc đó phần lớn bị lai tạp, thoái hóa.

Nhưng từ những năm 1969-1970, mọi sự có vẻ sôi động hẳn lên. Các loại chó nguyên giống được nhập về với số lượng khá lớn, một số loại mới bắt đầu xuất hiện. Một con Saint Bernard được một vị nha sĩ nuôi cùng với cặp sư tử của ông, mà nhiều người đồn rằng họ sợ con chó hơn bọn sư tử; nhóm Dobermann của gia đình một vị tướng trên đường Cường Để (đường Tôn Đức Thắng ngày nay); hay bọn greyhound ở trường đua chó Thủ Đức.

Có cả vài con golden retriever, cocker spaniel, bulldog Anh, béc-giê Bỉ đen… Nhưng đình đám nhất là một con afghan hound không nhớ của ai, và một chú sadi basanji của một nhà ngoại giao Tây Đức. Con đa-noa vện (brindle) đầu tiên ở Việt Nam, rất đẹp, được ông Bé ở đường Trần Cao Vân mua về.

Và một chú harlequin khổng lồ, đúng chuẩn chó đấu xảo quốc tế, với cổ và chân trước trắng, được đại diện hãng sữa Foremost của Mỹ nuôi bên hông chùa Xá Lợi. Chưa kể hàng loạt chó Bắc Kinh quý được các quan nhập về từ Hong Kong và Macau để cung tiến, cùng các chuyên gia đi kèm chăm sóc không để mắt chó bị hỏng vì dính đồ ăn.

Cũng cần nhắc đến bầy quân khuyển do người Mỹ đem sang, phần lớn là các giống béc-giê Đức, béc-giê Bỉ tervueren lông vàng nâu, và rottweiler. Hồi đó người Mỹ còn đem sang giống béc-giê Đức chân cao, gọi là shiloh, phổ biến ở các nông trại bên Mỹ và Úc. Người bản xứ rất lấy làm lạ về giống chó này, vì chúng hao hao giống nhiều chó béc-giê Đức ở Việt Nam đã bị thoái hóa và lai tạp nên chân bị biến tướng trở thành cũng cao giò như vậy.

Nhưng nói về các giống chó nuôi ở Sài Gòn mà không nhắc đến chó Phú Quốc thì thật thiếu sót. Khoảng đầu năm 1970, ông Sáu Triều – hội trưởng hội chủ ngựa đua Sài Gòn, người có một bầy 
đa-noa, trong đó có một con chó cái nhập về từ Philippines rất đẹp – tiết lộ trong một bài báo rằng những năm đầu 1940, người Pháp có ý định cho lai giống chó Phú Quốc với chó béc-giê Đức để tạo ra một loại chó trận mới hợp thổ nhưỡng Việt Nam hơn.

Giống như tương truyền thời Napoleon ở cuối thế kỷ 18, người ta cho lai giống các loại chó beauceron và chó greyhound để tạo thành giống doberman ngày nay. Họ cần giống chó Phú Quốc vì khả năng lùng bắt thiên bẩm của chúng hãy còn, và vì tính chất thuần chủng của một loài chó nhiệt đới mà cho đến lúc ấy gần như chó Phú Quốc là loại độc nhất còn tồn tại.

Giới nuôi chó ở Sài Gòn rộ lên tin đồn rằng người Mỹ đang có chương trình cho lai hai giống béc-giê shiloh và chó Phú Quốc để tạo ra một loại chó trận mới thích hợp với khí hậu và địa hình Việt Nam. Và cả Sài Gòn nhao lên với cái tên gọi chó Phú Quốc, mà cho đến khi ấy vẫn gần như vô danh. Niềm tự hào dân tộc lên cao lắm. Cũng giống như bây giờ, lúc đó ai cũng muốn tìm cách nhân giống loài chó này.

Ảnh chó Phú Quốc trong sách Larousse "Le Chien" (Tư liệu của tác giả)

Ảnh chó Phú Quốc trong sách Larousse “Le Chien” (Tư liệu của tác giả)

Hồi đó có ông đại tá Bê, chỉ huy lực lượng quân khuyển Sài Gòn, mở một trung tâm huấn luyện chó khá quy mô trong Thảo cầm viên. Cứ mỗi chiều là ngựa xe như nước đưa rước các quý cẩu vào học. Muốn xem chó đẹp thì phải đến đây. Bấy giờ trong sở thú Sài Gòn có nuôi 2 con Phú Quốc như dã thú, nhưng khách tham quan ít ai để ý. Rồi ông tướng nào đó sức cho chính quyền Phú Quốc phải tìm cho được những con chó Phú Quốc còn thuần chủng.

Sau mấy tháng tìm kiếm, có 3 cá thể được gử̉i về Sài Gòn, được đưa ngay đến cho nhóm ông Bê chăm sóc, huấn luyện. Cộng thêm với 2 con nuôi sẵn trong sở thú, lúc đó có 5 chó Phú Quốc nguyên gốc được công nhận ở Sài Gòn.

Dân chúng Sài Gòn hăm hở đến xem chó Phú Quốc lúc đó hơi thất vọng. Ai cũng tưởng tượng loại này chắc phải như chó sói, oai vệ, to lớn. Nhưng trước mắt chỉ thấy mấy cô cậu nhìn qua giống chó ta vàng, rất nhút nhát. Cân đo lúc đó thấy chó đực nặng trên 20kg, chó cái trung bình 15-16kg.

Các sách báo của Pháp và Anh phổ biến trong giới nuôi chó cảnh ở Sài Gòn khi xưa, như các quyển từ điển Le Petit Larousse “Le Chien” (Tiểu từ điển về chó), Les Races de Chiens, Le Chenil của Pháp hay The New Book of the Dog của Anh đều viết với minh họa hay ảnh chụp rất rõ về chó Phú Quốc.

Bờm lưng kiếm hình mũi tên đúng chuẩn (National Geographic 11-2013)

Bờm lưng kiếm hình mũi tên đúng chuẩn (National Geographic 11-2013)

Đây là bản dịch đoạn viết về chó Phú Quốc trong quyển Larousse “Le Chien”: “Chó Phú Quốc được tìm thấy trên hòn đảo cùng tên trong vịnh Xiêm La. Giống này, có thể rất cổ, có nguồn gốc từ những giòng chó Đông Dương, với biểu thị rõ nét của loài sói.

Dáng dấp khá bắt mắt. Nếu chưa hẳn đã được thuần hóa, đây dù sao cũng không phải là một giống chó hoang dã. Bề ngoài giống như chó berger Đức, mặc dù giống này gần với vài giống dingo nào đó ở Úc hơn. Chiều cao khoảng 60cm. Chó có màu lông vàng hung, mũi và lưng đậm màu hơn, lông ngắn. Trên đường giữa sống lưng lông dựng ngược lên, với chóp lông hướng về phía đầu”.

Trong khi đó, 7 tiêu chuẩn của chó Phú Quốc thuần chủng do người Phú Quốc thời trước đưa ra là: 1) Ở cuối đuôi có chóp lông màu đen. 2) Móng chân đậm màu. 3) Mõm đen. 4) Lưỡi có đốm đậm. 5) Lông toàn thân màu hung vàng. 6) Lông bờm lưng hình mũi tên (bờm kiếm có hình mũi tên ở đầu bờm phía vai). 7) Gốc của đuôi (chỗ dính với mông) tạo thành hình tam giác.

Tiếc rằng sau đó biến động thời cuộc gia tăng, nên từ cuối năm 1972, các chương trình gây giống chó Phú Quốc bị chìm vào quên lãng… Không hiểu số phận 3 con chó mang về từ đảo về sau ra sao. Nhưng con chó Phú Quốc nuôi chính thức cuối cùng ở Thảo cầm viên Sài Gòn chết năm 1980. Và tình trạng chó cảnh ở Sài Gòn từ sau năm 1972 cũng không còn được nhộn nhịp như trong mấy năm hoàng kim trước đó.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: