Cồn Chim (Bình Định) trên đầm Thị Nại đang là điểm đến mới với rừng ngập mặn hoang sơ hấp dẫn du khách. Ốc đảo này hội tụ nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Cách TP Quy Nhơn về hướng bắc khoảng 15 km, Cồn Chim lọt thỏm giữa rừng ngập mặn đầm Thị Nại thuộc địa phận các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Đầm Thị Nại rộng 5.000 ha với hệ thống rừng ngập mặn rộng hơn 1.000 ha. Giữa đầm có ba cồn nổi gồm Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái Cồn Chim rộng 480 ha). Người dân địa phương thường gọi đây là “Ốc đảo xanh” của vùng đất Bình Định. Những năm gần đây, nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế về đây du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn không gian thiên nhiên hoang sơ ở Cồn Chim. Ông Nguyễn Đình Cường (ngụ thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cho hay người dân ở Cồn Chim ý thức bảo vệ rừng ngập mặn, không bao giờ săn bắt các loài chim trời. Nhờ vậy, nhiều loài chim chọn rừng ngập mặn nơi đây làm nơi trú ngụ, sinh sống. Trong khi đó, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đánh giá đầm Thị Nại trong đó có Cồn Chim như kho báu sinh thái có giá trị đặc biệt. Nếu được bảo tồn phát triển đúng hướng, ốc đảo này sẽ trở thành “lá phổi xanh” của Bình Định. Ông Vinh đề xuất lãnh đạo tỉnh cần có chính sách tốt để bảo tồn rừng ngập mặn,bảo vệ đàn chim trời và môi trường sinh thái đầm Thị Nại. Địa phương cần phát triển loại hình du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập, nghiên cứu… nhằm tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các hoạt động xâm hại hệ sinh ở Cồn Chim. Những đàn vịt trời, vạc bay về trú ngụ trên rừng đước giữa đầm phá mênh mông. Sau nhiều lần khảo sát ở Cồn Chim, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, nhìn nhận đây là điểm phát triển du lịch sinh thái rất phù hợp, phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ như du lịch sông nước ở miền Tây Nam Bộ. “Khi hoàng hôn buông xuống, nhiều loài chim bay về tổ ấm nơi đây tạo khung cảnh yên bình, tuyệt đẹp. Nếu đưa Cồn Chim vào khai thác phục vụ du lịch, sẽ là điều kiện tốt để ngành du lịch tỉnh phát triển. Chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh mời gọi nhà đầu tư đến với Cồn Chim nhằm tạo nên sản phẩm du lịch mới cho địa phương”, ông Thanh nói. Du khách chèo SUP khám phá rừng ngập mặn ở Cồn Chim. “Đến tham quan Cồn Chim, chúng tôi cùng người dân ra đầm buông lưới đánh cá, soi cua đêm dưới tán rừng… Sau khi khám phá rừng ngập mặn, cả nhóm được thưởng thức cá, tôm, cua hấp, luộc chấm với muối ớt đậm đà hương vị miền sông nước nơi đây”, chị Trần Thị Thủy, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ. Cồn Chim (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ảnh: Google Maps. UBND tỉnh Bình Định đang lên phương án lập Khu dự trữ thiên nhiên trên đầm Thị Nại, trong đó có Cồn Chim với sự tham gia của nhiều chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Trong chương trình mở rộng, phát triển đô thị Quy Nhơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã quy hoạch, xác định lấy hệ sinh thái đầm Thị Nại và Cồn Chim làm “lá phổi xanh” cho đô thị Quy Nhơn. Bình Định cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực phía Đông đầm Thị Nại gần 400 ha nhằm bảo tồn kết hợp với phát triển du lịch sinh thái nơi đây. Theo: Zing news