Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành


  Từ những mảnh gốm mộc, hòn đá xanh được cha ông ta mài thành dao cho đến những bộ đèn Tây, đĩa Tàu… đều được tìm thấy ở khu phố cổ độc đáo giữa lòng Sài Gòn.

Đến với khu phố cổ này cũng là một cách bạn học về lịch sử và biết đâu bạn sẽ lượm lặt được trong tay một món đồ cổ với giá cực hời. Rồi may mắn hơn nữa, nó lại biến thành vật quý giá sau này !

Phố đồ cổ ở đường Lê Công Kiều hay cái tên “chợ Kiều” mà dân chơi đồ cổ vẫn thường quen gọi đã tồn tại ngót nghét hơn một phần tư thế kỷ tại TP.HCM. Là một con đường dài chừng độ 300 m với hơn 40 hộ kinh doanh buôn bán, “Kiều ta” tựa một nàng thơ thẹn thùng, e ấp sau lưng đại lộ Hàm Nghi thênh thang như để giữ lấy lề trước khu chợ Bến Thành sầm uất nhưng lắm xô bồ.

Ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm nhỏ, đến năm 1920, thực dân Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp và con đường giữ tên này cho đến bây giờ.

Chuyện kinh doanh hàng cổ vốn dĩ đã không phổ biến giữa một đô thị hiện đại nên hầu hết cửa hàng tại đây đều không có bảng hiệu, chỉ thấy những con số bên cạnh cái tên Lê Công Kiều ngay ngắn.

Người mua hàng khi dạo bước trên con đường nhỏ như lạc vào một thế giới hoài cổ, ngắm nhìn những món hàng đượm màu thời gian được xếp đặt ngay ngắn, nằm lặng im ở một góc tủ kính trong mỗi ki-ốt. Không ồn ào, không thét giá, con phố như một cuốn phim trắng đen, tua lại từng nét đặc trưng nhất của một “hòn ngọc Viễn đông” năm nào.

Cũng như nhiều con đường chuyên buôn bán các mặt hàng đặc trưng khác, văn hóa “bán có phường buôn có chợ” cũng hình thành ở con đường này. Ở chợ Kiều, mỗi cửa hàng thường chỉ chuyên bán một đến hai chủng loại đồ cổ nhất định; hoặc là đồ gốm sứ, hoặc là đồ đồng, hoặc chỉ chuyên đồ thờ tự… Có những ki-ốt khá bề thế, trưng bày buôn bán cả trăm loại cổ vật lớn nhỏ nhưng cũng có tiệm chỉ bày bán vài món máy ảnh xưa cũ.

Từ ngày chính thức định hình thương hiệu cho riêng mình, bên cạnh việc kinh doanh các món cổ vật thì phố Kiều còn là nơi trao đổi, lui tới cho giới săn đồ cổ. Theo nhiều tiểu thương cho biết có ngày thậm chí họ không bán được bất kỳ một món hàng nào, chỉ đông người tới trao đổi hàng song không vì thế mà người bán càu nhàu mà họ coi đó như một nét văn hóa của khu phố đồ cổ độc đáo này.

Cũng vì sự đặc thù của mình nên hầu hết người bán ở đây đều không cố định giá cả của từng loại cổ vật. Theo cô Phương Chi, chủ của một cửa hàng nhỏ tại số 42 Lê Công Kiều, cho biết hầu hết tiểu thương ở đây đều nhìn mặt khách để cho giá. Với những tay mơ mới lần đầu tới đây thì chắc chắn việc mua phải một món hàng với giá hớ là điều dĩ nhiên.

Một ngày bình thường của chợ Kiều bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và kéo dài cho đến lúc phố phường lên đèn thì tạm nghỉ. Thời kỳ hoàn kim của con phố này  kéo dài từ những năm 1980 đến tận những năm đầu 2000 thì chững lại. Vào thời điểm đấy, cái thời mà đồ dùng gia dụng còn khá đắt đỏ thì người ta tìm đến chợ Kiều như tìm đến một khu thương mại bình dân, mang về cho gia đình những chiếc cát-sét, hay những chiếc tivi cũ, đầu quay băng đã qua sử dụng. Đã qua rồi cái thời người ta chen nhau mua từng món hàng, ngồi trong một góc nhỏ đầu đường Lê Công Kiều và Nguyễn Thái Bình ngó ra, tôi có thể trông hết một con phố nhỏ sâu thẳm.

Sau gần 100 năm tồn tại, những dãy nhà cổ tại khu chợ đã dần mất đi để thay vào đó những ngôi nhà tầng kiên cố. Một vài căn nhà từ cái thời đường còn mang tên Reims là minh chứng rõ ràng nhất cho một thời sục sôi tinh thần kháng chiến cách mạng. Đâu đó thấp thoáng hình ảnh của ngôi nhà số 5, tòa soạn báo Đại Việt của cụ Hồ Biểu Chánh năm nào, là dấu chân của cụ Vương Hồng Sển với thú chơi đồ cổ. Là hình ảnh của vị tổng thống tóc vàng Clinton của một đế quốc hùng mạnh dạo bước trên hè phố ngắm nhìn từng món đồ cổ đã tạo dựng ra một thương hiệu riêng cho con phố độc đáo bậc nhất không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở Việt Nam.

Một số hình ảnh tại đường chợ đồ cổ:Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 1
Con đường Lê Công Kiều hay tên gọi phố đồ cổ Sài Gòn mang trên mình những dấu ấn thời gian

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 2
Nơi đây là khu vực tập trung của những người yêu mến đồ cổ thường xuyên lui tới

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 3
Từ những đồng xu …

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 4
…cho đến những tờ tiền giấy cổ đều được bày bán tại đây.

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 5
Chợ Kiều bán nhiều nhất là những tượng phong thủy, đồ cúng thờ tự.

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 6
Những chiếc máy ảnh Rolex xưa cũng được trưng bày tại một góc chợ

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 7
Đồ cổ được bày bán thẳng trên vỉa hè cho du khách tiện tham quan

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 8
Một góc nhà cũ tại chợ Kiều

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 9
Những thứ tưởng chừng đồ bỏ nhưng lại người bán treo bán cẩn thận trên tường

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 10
Nét quyến rũ rất riêng của chợ Kiều

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 11
Rất nhiều vật dụng được bày bán với đủ chủng loại và giá tiền để người săn lùng đồ cổ lựa chọn.

Phố đồ cổ Sài Gòn: Nàng “Kiều” duyên dáng giữa chốn đô thành - ảnh 12
Nhiều chén đĩa cổ được bày bán ngay tại vỉa hè, người mua có thể nhanh chóng tấp vào lựa chọn món đồ cổ ưng ý.

Theo plo.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: