Tiếp tục nối dài cao tốc


Năm 2023, ngành giao thông đã biến dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam thành “đại công trường”, đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay.

Những thành tích lịch sử của 2023 tạo nền tảng vững chắc để Bộ GTVT quyết tâm tiếp tục nối liền dải cao tốc trong 2024.

Nối thêm ít nhất 130 km đường cao tốc

Năm 2024, ngành GTVT dự kiến được phân bổ số vốn “khủng” nhất, hơn 57.735 tỉ đồng (tương đương 2,5 tỉ USD), chiếm hơn 92,5% tổng vốn phân bổ cả giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 63.700 tỉ đồng (tương đương 2,7 tỉ USD).


Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ mới khánh thành

C.T.V.

Vì thế, ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã chạy đua để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành 2 dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 128 km; khởi công 14 dự án cao tốc gồm 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản là cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Chợ Mới – Bắc Kạn, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi và 11 tuyến đường bộ cao tốc do các địa phương chủ quản đang hoàn thiện thủ tục.

Hai tuyến cao tốc Diễn Châu, Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo là 2 đoạn cuối cùng trong công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020. Sau khi thông xe 2 tuyến này vào năm nay, Bộ GTVT sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025.

Với ý nghĩa như vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng mới đây cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra tiến độ thi công dự án Diễn Châu – Bãi Vọt nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời điểm này, các nhà thầu huy động 101/103 mũi thi công với gần 2.000 kỹ sư, công nhân, hàng trăm máy móc, thiết bị đồng loạt thi công. Tính tới 21.1, sản lượng thực hiện là 5.897 tỉ đồng, đạt 68,6% giá trị hợp đồng. Dù đã rất nỗ lực, song vì nhiều lý do, tiến độ một số hạng mục là đường găng dự án (xử lý nền đất yếu, hầm Thần Vũ cùng nhiều cây cầu, nút giao) chưa được như kỳ vọng. Tới nay, dự án vẫn chậm 1,7% so với kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát cần phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc thi công “3 ca, 4 kíp”, tận dụng từng ngày, từng giờ để đẩy nhanh tiến độ, thậm chí, cần phải làm xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn để đảm bảo tiến độ, khánh thành dự án vào tháng 5. Khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Bãi Vọt (Hà Tĩnh) xuống chỉ còn 4 giờ đồng hồ, thay vì 7 giờ như hiện nay.

Trong khi đó, tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo cũng đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để hoàn thành cơ bản các hạng mục đường, cầu đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30.3. Tuyến đường dài 78,5 km này sẽ kết nối với cao tốc Nha Trang – Cam Lâm ở phía bắc và cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo ở phía nam, giúp phương tiện đi từ TP.HCM ra Khánh Hòa có thể chạy thẳng một mạch trên cao tốc trong thời gian 4 – 5 giờ, thay vì 6 – 8 giờ như trước.


Cao tốc đang dần nối liền dải Bắc – Nam

C.T.V.

Sẽ không còn những tuyến cao tốc “khiếm khuyết”?

Hàng loạt cao tốc đưa vào sử dụng năm 2023 đã mang lại diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tuyến cao tốc còn chưa đảm bảo đủ bề rộng tiêu chuẩn, tốc độ tiêu chuẩn, chỉ có 2 làn xe, tốc độ giới hạn 80 – 90 km/giờ; không có làn dừng khẩn cấp, khan hiếm trạm dừng nghỉ… tiềm ẩn những rủi ro cho người tham gia giao thông.

Đại diện Bộ GTVT thừa nhận thời gian qua, do nguồn lực còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư đường cao tốc là rất lớn nên Bộ GTVT phải thực hiện giải pháp phân kỳ đầu tư để vừa phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, vừa giải quyết nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, việc phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục cũng có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời; tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ còn hạn chế. Những bất cập trên đã được Bộ GTVT nhìn nhận, rà soát và xây dựng các giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.

Hiện nay, Dự thảo quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc đang được Bộ GTVT lấy ý kiến công khai, chuẩn bị ban hành trong quý 1. Theo đó, mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh được quy định tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe. Về tốc độ thiết kế, Bộ GTVT dự kiến đường cao tốc được phân làm các cấp như sau: cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/ giờ; cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/giờ, được nghiên cứu, thiết kế riêng. Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư…

Song song, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 2 làn xe lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Hiện cả nước có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371 km gồm: Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Yên Bái – Lào Cai, Hòa Lạc – Hòa Bình, Thái Nguyên – Chợ Mới. Cùng với đó, rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng các tuyến còn lại khi đủ điều kiện về nguồn lực. Đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên việc đầu tư theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh. Trường hợp phân kỳ đầu tư, cần phải nghiên cứu, so sánh kỹ lưỡng các phương án đầu tư, kết hợp phương án tổ chức giao thông hợp lý bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác.

Đối với các công trình phục vụ khai thác như trạm dừng nghỉ, trạm xăng… Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn việc chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ; đồng thời đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía đông với tổng số khoảng 37 trạm/2.063 km chiều dài toàn tuyến.

“Hiện các đơn vị đã tổ chức mời thầu, đấu thầu rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi đóng hồ sơ, các đơn vị sẽ tổ chức chấm thầu, công bố nhà đầu tư trúng thầu, sau đó triển khai. Dự kiến đến quý 2, các công trình sẽ có thể khởi công. Đối với những dự án mới đang chuẩn bị triển khai, các trạm dừng nghỉ sẽ được quy hoạch, xây dựng và khai thác đồng bộ với hạng mục đường cao tốc”, đại diện Bộ GTVT thông tin.

Bộ GTVT vừa ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án được giao khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Các đơn vị được giao lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo bộ (qua Vụ Kế hoạch – Đầu tư) ngay trong tháng 1 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: